(Thủy sản Việt Nam) – Nhằm giúp người nuôi nắm chắc kiến thức về các loại hóa chất và phân bón dùng trong cải tạo ao có hiệu quả, TSVN xin giới thiệu các loại hóa chất, phân bón hiện nay đang dùng nhiều và cách sử dụng trong ao nuôi tôm.
Cải tạo ao thường chia làm hai công đoạn chính là cải tạo đáy ao và chuẩn bị nước để thả tôm giống.
1. Cải tạo đáy ao
Sau khi dọn sạch chất thải trong ao thì dùng hóa chất (giai đoạn này chủ yếu là vôi) để nâng pH nước (đặc biệt khi mưa lớn), tăng độ kiềm, khử phèn trong đất và nước, diệt tạp, sát khuẩn bờ ao, đáy ao, làm trong nước, giảm CO2, phân hủy mùn bã đáy ao, tạo môi trường kiềm giúp tôm cứng vỏ…
Vôi bao gồm các loại:
– Vôi nông nghiệp CaCO3: Là dạng đá vôi, vỏ sò, san hô được xay nhuyễn thành bột. Vôi nông nghiệp làm tăng pH đất nhưng ít tăng pH nước nên dùng tốt trong cải tạo ao.
– Vôi tôi Ca(OH)2: Dùng cải tạo ao, tăng pH đất và có ảnh hưởng lớn đến pH nước nên sử dụng chủ yếu để cải tạo ao, nhất là khi pH đất < 5.
– Đá vôi, vôi sống CaO: Có tác dụng tăng pH mạnh nên chỉ dùng cải tạo ao, không dùng cho ao đang nuôi tôm.
– Vôi đen Dolomite CaMg(CO3)2: Nguồn gốc từ đá vôi đen Dolomite có khoảng 4% magiê nên có tác dụng tăng hệ đệm trong ao nuôi tôm mà ít ảnh hưởng đến pH của môi trường, thường được sử dụng đối với những ao có độ kiềm thấp. Tuy nhiên, do giá thành cao nên loại vôi này ít được sử dụng. Liều lượng sử dụng thường là 200 kg/ha.
Cách sử dụng: Rải vôi đều khắp đáy ao và bờ ao, rải nhiều hơn ở những chỗ còn nước hoặc còn vết bùn đen. (Tùy thuộc vào từng loại vôi và pH đất, môi trường đáy ao mà có liều lượng sử dụng phù hợp).
Cải tạo đáy ao là một trong những khâu quan trọng khi cải tạo ao Ảnh: Phan Thanh Cường
2. Xử lý nước trước khi thả giống:
Sau khi lấy nước vào ao đủ yêu cầu, cần xử lý nước trước khi thả giống với các loại hoá chất và phân bón sau:
a) Diệt tạp:
– Saponin: Có nhiều trong bã hạt trà, là chất độc đối với cá nhưng không gây tác hại trên các loài giáp xác nên được dùng để diệt cá tạp trong ao nuôi tôm. Saponin sẽ giảm độc tính nhanh trong điều kiện ánh sáng mạnh hoặc trời nắng và độc tính của saponin sẽ tỷ lệ nghịch với độ mặn của nước trong ao nuôi tôm.
Cách dùng: Trước khi sử dụng, ngâm saponin vào nước 12-24 giờ sau đó rải đều vào ao. Sử dụng vào buổi sáng (8-10 giờ) khi thời tiết tốt. Liều lượng từ 70-100 kg/ha (nếu độ mặn >200/00) và 100-170 kg/ha (nếu độ mặn <200/00).
b) Diệt trùng:
Sử dụng một trong các loại hoá chất sau:
– Thuốc tím (KMnO4): Là một trong những hóa chất được sử dụng khá phổ biến trong nuôi trồng thủy sản, có khả năng oxy hóa chất hữu cơ, vô cơ và diệt vi khuẩn nên được dùng nhiều trong cải tạo ao nuôi tôm. Ngoài ra thuốc tím còn có tác dụng tăng hàm lượng oxy trong nước, giảm chất hữu cơ trong ao nuôi.
Cách dùng: Khi cải tạo ao sử dụng từ 20 – 50kg/ha, tạt đều khắp ao và để ít nhất sau 24 giờ mới tiến hành gây màu nước.
– Formol: Là hóa chất khử trùng mạnh. Bằng cách làm đông cứng protein formol có tác dụng diệt khuẩn với hầu hết các loại sinh vật như nấm, vi khuẩn, ngoại ký sinh trùng nên được dùng diệt khuẩn trong quá trình cải tạo ao.
Cách dùng: Tạt đều xuống ao với liều lượng khoảng 300 lít/ha.
– BKC (Benzalkonium Chlorinde): Là chất độc đối với vi khuẩn, virus, nấm và một số ngoại ký sinh trùng, hiệu quả nhanh hơn Formol. BKC cũng có thể diệt được các bào tử.
Cách dùng: Liều lượng sử dụng khi cải tạo ao là 3-5 ppm (30-50 kg/ha).
– Chlorine: Là hợp chất oxy hóa mạnh, có tính độc đối với tất cả các sinh vật, có thể diệt tất cả các vi khuẩn, virút, tảo, phiêu sinh động vật trong môi trường nước. Trong môi trường nước mặn, lợ Chlorine hiện diện dưới hai dạng HOCl và OCl- ; HOCl độc đối với sinh vật gấp một trăm lần OCl-. Khi pH môi trường thấp, dạng HOCl chiếm ưu thế, ngược lại khi pH môi trường cao, OCl- chiếm ưu thế. Vì thế, trong môi trường có pH thấp Chlorine có hiệu quả cao hơn môi trường có pH cao.
Cách dùng: Liều lượng từ 20 – 30 ppm (200 – 300 lít/ha). Khi sử dụng, hoà Chlorine vào nước ngọt, lọc qua lưới rồi té đều khắp ao.
– Iodine: Iodine giống Chlorine là một chất oxy hóa mạnh có thể diệt các sinh vật, vi khuẩn. Tuy nhiên, dung dịch Polyvinyl Pyrrolidone Iodide 10% vẫn có tác dụng diệt khuẩn khi trong môi trường có nhiều chất hữu cơ (không bị bất hoạt).
Cách dùng: Iodine là chất khử trùng được sử với liều lượng 1-5g/m3 nước.
Lưu ý: Chỉ sử dụng một trong các loại hoá chất trên (hoặc thuốc tím, hoặc Formol hoặc Chlorine, hoặc BKC, hoặc Iodine) và nếu sử dụng Chlorine để diệt trùng thì trước đó mấy ngày không nên sử dụng vôi vì vôi làm tăng pH, giảm khả năng diệt trùng của Chlorine.
c) Bón phân gây màu:
– Phân vô cơ (như urê, NPK, DAP, lân) để gây màu nước cho ao, tạo nguồn thức ăn tự nhiên ban đầu cho tôm và hạn chế sự phát triển của rong đáy.
Cách dùng: Hoà tan phân vô cơ vào nước rồi tạt đều khắp ao vào buổi sáng (8-10 giờ sáng). Loại phân urê (45: 0: 0), liều lượng 20kg/ha; NPK (20: 20: 0) liều lượng 20kg/ha; DAP liều lượng 10-15kg/ha bón 1 lần/ngày và liên tục đến khi gây được màu nước tốt. Trong trường hợp ao nuôi bị lên phèn, nghèo dinh dưỡng, tảo khó gây màu, có thể dùng thêm lân với liều lượng 0,8ppm (8kg/ha).
– Phân hữu cơ: Có nhiều loại phân hữu cơ có thể dùng để gây màu nước hiệu quả như phân bò, phân gà, cám sống, bột cá, bột đậu nành…
Cách dùng: Các loại phân chuồng phải ủ hoai, ngâm trong nước qua đêm rồi tạt đều khắp đáy ao với liều lượng 200-300kg/ha. Tuy nhiên hiện nay, dùng các loại phân chuồng gây màu nước thường không an toàn, dễ mang theo vi khuẩn gây bệnh cho ao nuôi tôm nên phương pháp này ít được sử dụng.
– Chế phẩm sinh học: Sử dụng chế phẩm sinh học như MD BIO CAPGA, MD BIO PROTEIN, BLUEMIX,… gây màu nước, nuôi các phiêu sinh là đặc dụng nhất, vì nó chủ động đưa vào nước ao nuôi một hệ vi sinh vật có lợi, nhằm giúp các loại tảo có ích phát triển và hạn chế các loại tảo có hại.
Cách dùng: Liều lượng sử dụng theo yêu cầu của nhà sản xuất. Lưu ý: Không được sử dụng chế phẩm sinh học cùng một lúc với các loại hoá chất có tính diệt khuẩn như BKC, thuốc tím, Chlorine, Iodine, kháng sinh.
Hoàng Thị Thanh
Trung tâm KN – KN Hà Tĩnh