Đối với những ao tôm nuôi thường xuyên bị bệnh, hoặc nuôi hiệu quả thấp thì cách tốt nhất là cải tạo lại ao chuyển sang nuôi đối tượng khác, vừa giảm được rủi ro vừa thu được lợi nhuận.
Chọn đối tượng nuôi
Khi chuyển sang đối tượng nuôi mới để không tái diễn dịch bệnh thì người nuôi phải lựa chọn đối tượng nuôi phù hợp. Đối tượng nuôi mới không nên là giáp xác (tôm hoặc cua) bởi vì những mầm bệnh còn ủ lại trong ao sẽ gây bệnh cho các loài nuôi này. Ngoài ra, người nuôi cần lưu ý đến các tiêu chí như giá trị kinh tế, đặc tính thích nghi, nguồn cung cấp giống, thức ăn và đầu ra của sản phẩm (một số loài có thể lựa chọn nuôi: cá chim, vược, tráp, bống bớp, hồng mỹ…).
Rải vôi cải tạo đáy ao – Ảnh: Trần Út
Cải tạo ao
Khi giải phóng ao xong cần tháo cạn nước, dọn hết các vật cứng, rác trên nền đáy, tháo dỡ hệ thống quạt khí và có thể mắc lại khi có kế hoạch nuôi cá thâm canh. Vét bớt lớp bùn đen ở đáy ao, san phẳng đáy, dùng giấy quỳ kiểm tra pH nền đáy, dùng vôi (CaO) bón xuống ao lượng 10 – 15 kg/100 m2, tùy vào pH đáy ao mà điều chỉnh phù hợp (pH thấp tăng vôi, pH cao giảm vôi), ổn định pH nước 6,8 – 7,5. Vôi được rải đều và trộn lẫn vào nền đáy. Rải vôi ngoài việc cân bằng pH trong ao còn giúp khoáng hóa nền đáy, trung hòa các khí độc và liên kết với bùn đáy tạo thành một lớp ngăn các loại xì phèn xâm nhập vào nước.
Đối với ao nuôi tôm nhiều năm hoặc ao nuôi thường xuyên bị dịch bệnh thì nền đáy và bờ sẽ tồn đọng nhiều dư lượng hóa chất và thuốc kháng sinh (dùng để xử lý nước và chữa bệnh tôm trong quá trình nuôi) nên bị chai và nhiễm độc, hệ sinh thái ao rất khó phục hồi (đây là nguyên nhân vì sao khi ao đã nuôi tôm thẻ chân trắng thì rất khó nuôi lại được tôm sú và các loài khác). Đối với ao đất nên trộn vôi với đất tỷ lệ 2/8 để gia cố bờ, vừa chắc bờ vừa ổn định môi trường.
Loại hình nuôi ghép rong câu với cá thì nên để lại lượng bùn đáy ao 15 – 30 cm, sau khi tẩy dọn ao xong cần cấp nước ngập (5 – 10 cm), cấy rong xuống đáy ao với lượng 200 – 300 kg/1.000 m2. Sau khi cấy rong, cấp nước vào ao 50 – 70 cm để rong phát triển 15 – 20 ngày rồi mới thả cá, mật độ thích hợp 1 – 2 con/m2. Đây là loại hình nuôi rất phù hợp bởi trong quá trình nuôi khi hàm lượng dinh dưỡng tăng cao sẽ được rong câu hấp thụ, hạn chế ô nhiễm nước.
Đối với các loài nuôi (chim, vược, tráp, bống bớp, hồng mỹ, sủ đất, dìa…), do cỡ cá thả lớn hơn tôm nên việc lọc nước và dùng hóa chất xử lý nước là không cần thiết mà chỉ nên chọn nước sạch có độ mặn phù hợp (15 – 20‰), duy trì mực nước 1 m trở lên.
Khi nuôi cá thâm canh (5 – 7 con/m2), sau khi cải tạo lại nên cho ao nghỉ 1 – 2 tháng để hệ sinh thái hồi phục, sau đó tháo cạn nước cải tạo nền đáy lắp quạt nước rồi mới thả cá.