(TSVN) – Làm sao để đạt được màu sắc đậm đẹp cho ruột và gan tụy của ấu trùng tôm thẻ chân trắng (TTCT)? Một thử nghiệm tại Trung tâm Thử nghiệm Trại giống Tôm Growel (Ấn Độ) đã chỉ ra rằng việc sử dụng thức ăn có sắc tố đậm Origin® 300D, đặc biệt ở giai đoạn cuối của quá trình ương, giúp cải thiện rõ rệt màu sắc mong muốn. Nghiên cứu cũng cho thấy việc kết hợp hợp lý các loại thức ăn và thời điểm sử dụng sắc tố đóng vai trò quyết định đến hiệu quả đạt màu.
Thử nghiệm được thực hiện tại Trung tâm Thử nghiệm Trại giống Tôm Growel (GSHFTC) để đánh giá hiệu quả của thức ăn có sắc tố Origin® 300D đối với sắc tố ruột và gan tụy của ấu trùng TTCT. Mục tiêu là xác định cách đạt được sắc tố đậm màu cho ruột và gan tụy thông qua việc sử dụng thức ăn này đơn lẻ hoặc kết hợp với các loại thức ăn khác. Thí nghiệm gồm năm chế độ ăn, mỗi chế độ được lặp lại năm lần.
Trong thí nghiệm, ấu trùng tôm được cho ăn chế độ ăn tổng hợp, gồm thức ăn không sắc tố, thức ăn Growel Origin và một loại thức ăn khác từ trại giống khác, từ giai đoạn PL4 đến PL7. Sau đó, thức ăn chuyển sang Origin® 300D (sắc tố đậm) và tiếp tục sử dụng đến hết chu kỳ, hoặc kết hợp với các loại thức ăn khác trong suốt giai đoạn phát triển hoặc chỉ trong một đến hai ngày.
Nguồn tôm giống sạch bệnh (SPF) dòng tăng trưởng được lấy từ các bể ương ấu trùng thương mại trong nhà. Ấu trùng (PL3) được thả vào 25 bể nuôi (mật độ 60 con/L, khoảng 8.400 con/bể dung tích 140L) và nuôi trong 10 ngày theo quy trình phổ biến tại các trại giống thương mại ở Ấn Độ.
Ấu trùng được cho ăn từ sáu đến tám lần mỗi ngày. Trước giai đoạn PL7, khẩu phần gồm bốn bữa Artemia nauplii sống và sáu bữa thức ăn thương mại. Từ PL7, số bữa ăn bằng thức ăn thương mại tăng lên tám, trong khi Artemia giảm xuống còn hai bữa. Khi đạt giai đoạn PL9, việc cho ăn Artemia dừng hoàn toàn và chế độ ăn thử nghiệm được áp dụng.
Thức ăn Origin 300D không ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của ấu trùng, bất kể thời gian sử dụng. Nhóm ấu trùng được cho ăn thức ăn này đạt tăng trưởng và tỷ lệ sống cao hơn, cho thấy khả năng hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn, tốc độ tăng trưởng nhanh hơn và khả năng chống stress, mầm bệnh cao hơn.
Giai đoạn 1 (PL3 – PL7): Sắc tố ở ruột và gan tụy của ấu trùng có màu nhạt và hiện tượng này đồng đều ở tất cả các nghiệm thức.
Giai đoạn 2 (PL8 – PL10): Ấu trùng ăn thức ăn có sắc tố đậm (T2) đạt màu ruột và gan tụy đậm nhất, tiếp theo là nhóm ăn thức ăn phối hợp (T3). Màu sắc nhạt nhất xuất hiện ở các nghiệm thức 1, 4 và 5, khi chỉ cho ăn Origin 300. Màu ruột mong muốn đạt được khi ấu trùng ăn thức ăn có sắc tố đậm liên tục ít nhất hai ngày, kết hợp với thức ăn không sắc tố trong hai ngày sẽ tạo màu sắc gan tụy trung bình.
Giai đoạn 3 (PL11 – PL12): Cuối quá trình nuôi, màu đậm ở ruột và gan tụy bắt đầu xuất hiện ở nhóm chỉ ăn thức ăn Origin 300D, và nhóm ăn thức ăn phối hợp nhưng chưa từng được cho ăn thức ăn có sắc tố đậm trước đó. Tuy nhiên, màu sắc đậm nhất xuất hiện ở các nghiệm thức T2 và T4 khi tôm được cho ăn thức ăn có sắc tố đậm từ giai đoạn PL8.
Kết quả cho thấy thức ăn có sắc tố đậm nên được sử dụng trong giai đoạn cuối của quá trình nuôi để đạt màu sắc mong muốn. Nếu không thể sử dụng suốt giai đoạn này, trại giống nên cung cấp ít nhất 3 – 4 bữa ăn có sắc đậm tối trước khi thu hoạch.
Mi Lan
(Theo Asia Aquaculture)