(TSVN) – Chỉ khi trang bị công nghệ xử lý nước thải mang tính đột phá, các trại cá trên cạn RAS mới có khả năng trở thành các mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững và lợi nhuận trong tương lai.
Hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn (RAS) và tiềm năng của mô hình thâm canh trên đất liền đang được xem là tâm điểm của nghề nuôi cá. Nhu cầu tăng cường nuôi thương phẩm và cải thiện việc sử dụng hiệu quả hơn nguồn lợi đất và nước đã thúc đẩy nhiều trại nuôi cá tích hợp mô hình RAS trong giai đoạn đầu của quá trình sản xuất.
Một mô hình nuôi cá hồi trên cạn tại Na Uy. Ảnh: Thefishsite
RAS mang lại nhiều lợi ích, nhưng vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi bởi còn nhiều hạn chế như không ổn định; loại bỏ ni tơ và phốt pho không hiệu quả, đặc biệt trong môi trường nước lạnh; vi khuẩn tích tụ trong hệ thống lọc sinh học và gây mùi hôi. Điều này làm tăng chi phí và thách thức tính bền vững cũng như lợi nhuận của hệ thống RAS.
BioFishency, một hãng công nghệ Israel đã tìm ra giải pháp giải quyết thách thức trên của hệ thống RAS. Ngoài ra, công ty này cũng khắc phục được nhiều nhược điểm khác của RAS như nguồn nước hạn chế và sự tích tụ amoniac độc hại do cá bài tiết. BioFishency đã phát triển giải pháp điện hóa và sinh học để xử lý nước ao nuôi, giúp duy trì sức khỏe của cá quanh năm. Công nghệ của BioFishency đã được cấp bằng sáng chế và chứng thực khả năng nâng cao tính bền vững, lợi nhuận, tối ưu cho hệ thống RAS, đồng thời loại bỏ được mùi hôi.
Giải pháp cốt lõi của BioFishency dựa vào thâm canh để tăng sản lượng thu hoạch trên cùng diện tích đất và nước bằng công nghệ bền vững, tiết kiệm chi phí. Đặc biệt, nước thải được xử lý trong môi trường có kiểm soát, nên cá khỏe mạnh hơn và đạt sản lượng cao hơn.
Tiền thân là một hãng công nghệ thiết bị sinh học thông minh ra đời năm 2013. Mười năm sau, BioFishency mở rộng lĩnh vực hoạt động sang công nghệ xử lý nước thải nhằm đảm bảo tính bền vững cho các hệ thống nuôi cá đang có ý định chuyển đổi quy trình xử lý nước thải từ lọc sinh học sang hệ thống xử lý nước bằng công nghệ đám mây được kiểm soát hoàn toàn.
Một trong những công nghệ nổi trội của BioFishency trong xử lý nước là bộ lọc sinh học RO một bậc (BioFishency SPBTM). Hệ thống xử lý nước hoàn toàn (FWT) không giống bộ lọc sinh học thông thường. FWT là thiết bị thông minh all-in-one loại bỏ amoniac, nhằm tăng cường mật độ tăng trưởng, tỷ lệ sống và sức khỏe cho cá. Ngoài ra còn có thiết bị BioFishency SPB sử dụng cho các loài cá nước ngọt và nước mặn, phù hợp ở những khu vực hạn chế về nguồn nước hoặc muốn tăng năng suất với mức đầu tư hạn chế.
Gần đây, BioFishency ra mắt dòng sản phẩm BioFishency ELXTM xử lý nước thải cho hệ thống RAS bằng công nghệ điện hóa (ECWT) tiên tiến giúp loại bỏ amoniac và khử trùng nước với chi phí hiệu quả. Hệ thống này vượt trội so với các thiết bị lọc sinh học kém hiệu quả hiện nay trong hệ thống RAS. Trong các hệ thống RAS dùng máy lọc sinh học cũ, phần mô và mang cá hấp thụ hợp chất gây mùi hôi 2-methylisoborneol (MIB) và geosmin. Trong các thử nghiệm, hệ thống lọc BioFishency ELXTM đã loại bỏ hoàn toàn hai hợp chất này cùng nhiều mùi lạ khác suốt quá trình thanh lọc diễn ra song song với quá trình cho cá ăn. Đầu năm 2023, BioFishency được vinh danh hãng công nghệ đầu tiên trên thế giới sản xuất thành công thiết bị loại bỏ hợp chất gây mùi hôi MIB và geosmin trong nước và mô cá.
Nuôi trồng thủy sản là ngành sản xuất thực phẩm phát triển nhanh nhất thế giới, đồng thời là giải pháp phổ biến nhất để tạo nguồn cung protein động vật cho toàn cầu. Theo thống kê của FAO, ngành thủy sản cung cấp 17% tổng khối lượng protein tiêu thụ trên thế giới. Ở châu Á và châu Phi, tỷ lệ này lên tới 50%. Ước tính đến năm 2030, lượng tiêu thụ thủy sản toàn cầu đạt 180 triệu tấn, tăng đáng kể so với mức 158 triệu tấn vào năm 2020. Ngân hàng Thế giới (WB) thống kê, 90% nghề cá trên thế giới đã hoạt động hết công suất, thậm chí đang quá tải dẫn đến tình trạng cạn kiệt nguồn lợi biển. Tuy nhiên, tương lai của nghề nuôi cá không gắn với môi trường nước mà sẽ ở trên cạn.
Trữ lượng cá tự nhiên đang giảm dần trên toàn cầu, nguồn lợi đất và nước phục vụ ngành nông nghiệp hạn chế cùng sự suy giảm chất lượng là những minh chứng cho thấy ngành nuôi trồng thủy sản truyền thống không bền vững. Nuôi thủy sản truyền thống trong ao đất, hồ hoặc trên biển tiêu hao quá nhiều nhiều nước và năng lượng, thậm chí gây ô nhiễm môi trường. Tồn tại suốt nhiều thập kỷ, mô hình nuôi cá trong ao đang chiếm ưu thế. Tuy nhiên, do chi phí đầu vào tăng cao, đặc biệt là năng lượng, vô số dự án nuôi thủy sản trong ao tại nhiều vùng sản xuất trên toàn cầu bị đình trệ, đẩy nhà đầu tư vào cảnh thua lỗ.
Lợi ích của RAS vẫn có sức hấp dẫn đối với người nuôi cá và thúc đẩy họ vượt qua mọi trở ngại của mô hình này. Các hệ thống RAS có thể nuôi thâm canh mà không tốn kém đất và nước. Nhưng về lâu dài, các giải pháp xử lý nước của RAS là nhược điểm lớn khiến mô hình này không thể gánh được trọng trách cung cấp nguồn protein cho toàn cầu, bảo vệ đại dương trước nạn khai thác quá mức hay bảo tồn tài nguyên đất, nước cho các thế hệ tương lai.
Còn nhiều dư địa phát triển, nhưng nếu muốn trở thành mô hình thống trị tương lai nghề nuôi cá, RAS buộc phải được cải tiến và thay đổi. Cụ thể, các mô hình RAS phải tích hợp công nghệ nuôi đột phá cùng hệ thống xử lý nước thải tiên tiến bằng điện hóa và sinh học. Sẵn sàng đổi mới là cách duy nhất để đưa RAS trở thành mô hình bền vững và lợi nhuận trong tương lai.
Miachel Isakov
CEO BioFishency, Israel