Cần chấn chỉnh bên trong

Chưa có đánh giá về bài viết

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, việc thương lái Trung Quốc mua tôm nguyên liệu mấy tháng nay đang tạo ra nhiều nguy cơ. Đó là, mua bán không quan tâm tới kiểm soát kháng sinh hoặc bơm chích tạp chất, dễ ảnh hưởng xấu đến chất lượng tôm Việt Nam; tình trạng mua gom tràn lan như thế làm cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm nước ta thiếu nguyên liệu.

Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân có bài đăng báo nhan đề Một nhiệm vụ không thể trì hoãn, phân tích thực trạng quản lý thị trường nông sản nước ta. Thật khó giải thích tại sao đi theo đường du lịch mà họ có thể ở lại, đi khắp nơi để buôn bán như vậy? Cam Ranh, Vũng Rô là những địa bàn nhạy cảm về an ninh quốc phòng; tại sao họ có thể ở đó, nuôi, mua gom và xuất thủy sản được? Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đã hành động gì trong trường hợp này? Nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn như vậy tại kỳ họp tháng 6/2012, Giáo sư Trân cho biết. Nguyên nhân, theo Giáo sư Trân, “thương mại trong nước từ lâu hầu như bị bỏ ngỏ”.

Như thế, hậu quả xấu từ thương lái bên ngoài có nguyên nhân gốc rễ bên trong, rất cần được chấn chỉnh, không chỉ trong quản lý hành chính mà cả trong các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản. Như vấn nạn tiêm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu, không phải đến bây giờ mới có “nguy cơ”. Hơn bốn năm trước, ngày 29/7/2009, tại Cà Mau, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lương Lê Phương, nhiều doanh nghiệp thuộc VASEP “nhất trí nói không với tôm tạp chất”. Thế nhưng, từ đó mỗi năm vẫn phát hiện hàng trăm vụ tiêm chích tạp chất vào con tôm.

Tình trạng các nhà máy thiếu tôm nguyên liệu cũng đã diễn ra từ những năm 2009 – 2010, có nhà máy những tháng giữa năm chỉ hoạt động 30% công suất. Hiện, tình trạng thiếu nguyên liệu đã lan sang cả các nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu.

Ông Hồ Văn Vàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, phân tích: “Doanh nghiệp yếu kém bán rẻ sản phẩm cá tra dưới giá thành sản xuất của nông dân một cách không thương tiếc; họ bán lỗ để lấy được tiền, còn tiền mua cá của nông dân thì kéo dài từ hai tháng đến cả năm, một số không trả”. Vì thế, người nuôi cá tra đứt vốn, còn lâm cảnh nợ nần, phải “treo” ao hoặc chuyển sang nuôi loại cá khác. Thiếu nguyên liệu cá tra tất yếu xảy ra.

Theo GS Nguyễn Ngọc Trân, “ngành công thương còn rất nhiều việc phải làm để thật sự là sức hút và tạo động lực cho người dân yên tâm sản xuất”. Ông Hồ Văn Vàng kiến nghị: Một số doanh nghiệp xuất khẩu dưới giá thành cá nguyên liệu, chứng tỏ sự yếu kém. Các doanh nghiệp này duy trì thì thiệt hại cho nông dân và đất nước nên cần loại bỏ. Lãnh đạo Bộ NN&PTNT, trong nghị định về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra trình Chính phủ, cần phải có giá sàn xuất khẩu cá tra và giá sàn mua nguyên liệu cá tra.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!