Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, trong năm 2013, dư nợ cho vay nuôi trồng, khai thác, thu mua, chế biến thủy sản toàn quốc tăng 9,4% so cuối năm 2012. Còn tính đến ngày 31/3/2014, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực này ước đạt khoảng 54.000 tỷ đồng, tăng 0,67% so cuối năm 2013.
Tuy nhiên, khoảng 80% vốn cho vay đối với lĩnh vực thủy sản tập trung vào khâu nuôi trồng và chế biến, còn cho vay đối với ngư dân khai thác trên biển khá thấp. Số liệu thống kê tại 8 tỉnh Duyên hải miền Trung cho thấy, cho vay đối với ngư dân khai thác trên biển đến cuối quý I/2014 chỉ đạt 5.777 tỷ đồng, bằng 17,15% so tổng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Quý I/2014, cho vay đối với ngư dân khai thác trên biển chỉ đạt 5.777 tỷ đồng – Ảnh: Xuân Trường
Ngư dân mong muốn, ngành ngân hàng tích cực hơn đối với cho vay lĩnh vực thủy sản; trong đó, ưu tiên nhiều cho khai thác trên biển. Mới đây nhất, cử tri tỉnh Quảng Ngãi đã đề nghị NHNN cần có chính sách tín dụng phù hợp với ngư dân để phát triển hoạt động khai thác thủy sản, giải quyết việc làm và đem lại nguồn lợi cho đất nước. Theo phân tích của các chuyên gia, bên cạnh sự nỗ lực của ngành ngân hàng thì hoạt động tín dụng đối với lĩnh vực thủy sản vẫn còn tồn tại một số khó khăn, bất cập: Đầu tư cho lĩnh vực thủy sản tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng thiếu các biện pháp phòng ngừa. Đối với khai thác thủy sản, nguồn thủy sản gần bờ có nguy cơ cạn kiệt, trong khi chi phí đầu tư đánh bắt xa bờ đòi hỏi số tiền khá lớn, lại luôn tồn tại nhiều rủi ro về thiên tai trên biển. Mặt khác, về cơ bản, quy mô khai thác và nuôi trồng thủy sản hiện vẫn ở mức hộ gia đình với sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết giữa người nuôi trồng, đánh bắt đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch để phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản còn nhiều bất cập.
Tuy nhiên, NHNN cho rằng, vốn tín dụng đóng mới tàu cá thường có giá trị lớn nhưng độ rủi ro cao, trong khi thiếu các hình thức bảo hiểm, nên nguồn vốn tín dụng thương mại là không phù hợp mà cần phải có chương trình tín dụng ưu đãi riêng biệt và có tính chất dài hạn. Vì vậy, để giúp ngư dân đầu tư phương tiện đánh bắt cá hiện đại, NHNN sẽ tích cực phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan tổng kết chương trình thí điểm tại Quảng Ngãi và đề xuất các giải pháp đồng bộ, trong đó có tín dụng ngân hàng, với Chính phủ để giúp ngư dân giải quyết vướng mắc, khó khăn có vốn phát triển đánh bắt cá xa bờ.