(TSVN) – Chất lượng con giống quyết định rất lớn đến sự thành công trong nuôi trồng thủy sản. Điều này đã được chứng minh rất nhiều trong thời gian vừa qua, nhất là với nuôi tôm nước lợ. Do vậy, cần có sự đầu tư xứng tầm cho việc sản xuất, cung ứng giống thủy sản phục vụ nhu cầu của người nuôi.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, công tác kiểm tra chất lượng, nguồn gốc con giống thời gian qua vẫn chưa đủ để ngăn chặn nguốn giống chưa đạt chất lượng ra thị trường. Do đó, cần có biện pháp siết chặt công tác quản lý ngay từ nguồn giống bố mẹ cho đến khâu lưu thông phân phối; phải cập nhật, ứng dụng khoa học công nghệ để đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu sản xuất tôm bố mẹ nhằm chủ động nguồn giống phục vụ cho nghề nuôi.
Để có nguồn giống, cơ sở sản xuất giống tốt, theo ông Phùng Đức Tiến, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Tổng cục Thủy sản với thanh tra Bộ NN&PTNT, các ngành, địa phương có liên quan và phải thực hiện một cách kiên quyết. Đối với công tác kiểm dịch, phải làm đúng luật, xử lý nghiêm các vi phạm để thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật và tạo sự công bằng trong sản xuất, kinh doanh. Công tác phối hợp phải thực sự tốt, nhất là công tác giám sát, quan trắc môi trường, dịch bệnh để có số liệu phục vụ cho việc xây dựng thể chế, chỉ đạo điều hành, cập nhật và thống kê, đặc biệt là công tác dự báo cũng như phòng, chống dịch bệnh trên tôm.
Các doanh nghiệp ngày một chú trọng đầu tư công nghệ trong sản xuất tôm giống. Ảnh: MP
Liên quan đến quy chế phối hợp trong quản lý con giống, Bộ NN&PTNT yêu cầu các tỉnh cần rà soát thật kỹ trước khi ký kết để thực hiện một cách hiệu quả, chứ không phải chỉ ký cho có phong trào. Thứ trưởng Tiến chỉ đạo: “Phải có đánh giá kỹ lưỡng, rút ra bài học kinh nghiệm để chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện quy chế. Phải làm hết sức chặt chẽ và nghiêm túc vì chúng ta không có thời gian để làm phong trào nữa. Hàng tháng, hàng quý, hàng năm phải có sơ kết, tổng kết để phân tích hiện trạng, tìm hiểu nguyên nhân và đề ra giải pháp sắp tới như thế nào… chứ không chỉ nói chung chung được”.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, để đưa công tác sản xuất giống trở thành ngành công nghiệp xứng tầm với nghề nuôi theo quy mô hiện đại thì phải cập nhật tính trạng, các dòng tôm bố mẹ có tính trội, phù hợp với vùng nuôi, điều kiện nuôi cụ thể. Nếu để hàng nghìn cơ sở nhỏ lẻ như hiện nay thì khó có được một ngành tôm sản xuất mang tính hàng hóa cao.
Muốn làm được điều này khoa học phải đi tiên phong, các đơn vị khoa học, nhất là các đơn vị khoa học nhà nước phải là lá cờ đầu trong nghiên cứu khoa học, phải luôn đi đầu trong việc nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới. “Không thể để mấy chục năm chưa ra được một dòng con giống hay ngay khi đưa ra đã lạc hậu so với thực tế. Cần thiết phải xây dựng lại lực lượng khoa học công nghệ tâm huyết, giỏi về chuyên môn và phải có thu nhập đảm bảo cuộc sống”, Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.
Bên cạnh việc tiếp cận khoa học hiện đại, một vấn đề mà các doanh nghiệp sản xuất giống gặp phải hiện nay là trở ngại trong mở rộng quy mô sản xuất. Nguyên nhân là do họ gặp khó ở thủ tục đất đai. Điều này rất cần được tháo gỡ sớm để doanh nghiệp tăng đà sản xuất.
Cùng với đó, hiện nay chúng ta đang thực hiện 14 hiệp định thương mại tự do nên vấn đề sản xuất phải tuân theo tiêu chuẩn, phải truy xuất được nguồn gốc, phải coi trọng và áp dụng an toàn sinh học, an toàn thực phẩm ngay từ khâu sản xuất cho đến chế biến, xuất khẩu; trong đó, sản xuất giống cũng không ngoại lệ.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định: “Không thể để con giống không đủ tiêu chuẩn vẫn được tiêu thụ trong khi đây lại là yếu tố đầu vào rất quan trọng có tính chất quyết định đến sự thành công của vụ nuôi. Đừng để con giống không đủ tiêu chuẩn làm cho hộ cận nghèo trở thành hộ nghèo, người vay vốn trở thành trắng tay chỉ sau một vụ nuôi”.
Xuân Trường