THỨ HAI, ngày 20/1/2025

Cần nhiều chính sách cho cá tra

Chưa có đánh giá về bài viết

Nếu không có sự can thiệp kịp thời từ cơ quan quản lý Nhà nước, con cá tra năm 2013 lại tiếp tục trong vòng luẩn quẩn.

Vì đâu lao dốc?

Theo ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp: “Khó khăn lớn nhất hiện nay của người nuôi cũng như các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra là thiếu vốn. Điều kiện mà các ngân hàng đưa ra là phải có tài sản thế chấp và yêu cầu trả nợ cũ thì sẽ cho vay mới. Nhưng do nợ cũ chưa trả được, tài sản thế chấp không còn, nên đa phần người đi vay không đủ điều kiện”.

Ông Quốc cũng đưa ra những bất cập khác trong việc xét duyệt điều kiện cho vay của nhiều ngân hàng hiện nay. “Ngân hàng định giá ao nuôi để thế chấp cho vay theo giá đất nông nghiệp là không hợp lý. Vì giá trị hàng hóa nuôi cá cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Mặt khác, số tiền được vay là 50% giá trị thế chấp thường chỉ được vài trăm triệu đồng, không đủ mua thức ăn, người nuôi vẫn phải vay thêm bên ngoài với lãi suất cao. Nuôi 1 ha cá tra phải đầu tư 7 – 8 tỷ đồng, thời gian nuôi 7 – 8 tháng. Trong khi đó, ngân hàng quy định thời gian đáo hạn hoặc phải trả vốn vay sau 6 – 7 tháng là chưa hợp lý. Ấy là chưa kể việc người nuôi thường bị doanh nghiệp chậm trả tiền cá 2 – 3 tháng”.

Khó khăn lớn nhất hiện nay của người nuôi và doanh nghiệp chế biến là thiếu vốn – Ảnh: Gia Bảo  

Ông Trần Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Cần Thơ cho biết: “Thời gian qua, cá tra liên tiếp đối diện nhiều khó khăn về giá, vốn, thị trường… Sở dĩ nghề nuôi cá tra “tụt dốc không phanh” là do liên kết trong các khâu quá lỏng lẻo, trong khi việc quản lý gần như không có. Ai muốn nuôi, có tiền cứ nuôi, dẫn đến diện tích nuôi cá tra biến động không ngừng. Nhiều doanh nghiệp bán phá giá, cạnh tranh thiếu lành mạnh nhưng không ai nói được và cũng không có biện pháp nào chế tài”.

           

Phải có “đầu tàu” mạnh

Ông Lê Văn Tám (xã Định An, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp) có 6.500 m2 ao nuôi cá tra, bộc bạch: “Khi Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho vay vốn lãi suất thấp, chúng tôi rất mừng, nhưng thực tế đâu có vay được. Vì trước đó, tôi đã đem hết tài sản thế chấp để vay ngân hàng với lãi suất 13%/năm rồi. Mà cũng chỉ vay được vài trăm triệu đồng, không thấm vào đâu. Mấy vụ qua nuôi liên tục lỗ, không còn chỗ vay nên mấy ao sau nhà đã “treo” mấy tháng nay. Hiện, gia đình tôi có 3 người đã đi nuôi cá tra mướn cho các công ty”.

Trước những khó khăn của người nuôi, theo ông Quốc, bên cạnh việc hỗ trợ vốn thì các cấp, ngành cần tạo điều kiện để các hộ nuôi liên kết với nhau. Trong đó, Nhà nước phải là “đầu tàu” gắn kết hộ nuôi với doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Cần Thơ kiêm Chủ nhiệm HTX cá tra Thới An (Cần Thơ), con cá tra nhiều năm qua liên tục rớt giá, người nuôi ngày càng bỏ ao nhiều hơn, chuyển sang nuôi đối tượng khác. Trước kia HTX nuôi cá tra ở Thới An 20 – 25 ha diện tích cá tra, mỗi năm xuất khẩu cá tra hàng ngàn tấn. Mấy năm qua đầu vào nuôi cá tra tăng, trong khi lãi suất ngân hàng cao, giá bán cá tra lại thấp hơn giá đầu tư khiến nhiều vụ nuôi thua lỗ. Hiện, HTX chỉ thu gọn còn 5 ha nuôi cá có hợp đồng cho công ty, mới trụ đến hôm nay. Nếu không có hợp đồng, HTX đã “treo ao” từ nửa năm nay rồi. Và để hy vọng ngành cá tra năm 2013 trở lại như những năm hoàng kim 2007 – 2009, cần phải được Chính phủ và bộ ngành đầu tư hoặc tạo điều kiện vay vốn cho nông dân và doanh nghiệp với mức lãi suất ưu đãi.

>> Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX cá tra Thới An (Cần Thơ) cho biết: “Ngành cá tra 2013 sẽ chưa được sáng sủa lắm. Người nuôi lỗ là vì chi phí đầu tư cao. Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn tái sản xuất. Không khéo cả chuỗi cá tra vẫn chạy theo vết xe cũ, giống năm 2012”.

Lê Hoàng Vũ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!