Ngành thủy sản Việt Nam đã phát triển khá lớn mạnh, xuất khẩu cũng ngày càng tăng, thế nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Nhiều ý kiến cho rằng, để hiệu quả, công tác xúc tiến thương mại ngành thủy sản cần phải thay đổi và có trọng tâm.
Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào kinh tế thế giới
Xây dựng hình ảnh yếu
Trong năm 2018, ngành thủy sản đã thực hiện xúc tiến thương mại theo 3 nhóm: Xúc tiến thương mại tại các thị trường chính như Mỹ, châu Âu, Trung Đông, Trung Quốc (Doanh nghiệp tham gia đóng góp một phần kinh phí cùng sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước); Nhóm thứ hai là VASEP tham gia các triển lãm khác với tính chất trao đổi gian hàng như: Hội chợ thực phẩm Thaifex tại Thái Lan, Hội chợ thủy sản và nghề cá tại Busan (Hàn Quốc). Nhóm thứ ba, VASEP sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh cho cá tra Việt Nam trên các kênh truyền thông… Tuy nhiên, trong tình hình toàn cầu hóa và Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, tham gia nhiều tổ chức thương mại mới, việc quảng bá hình ảnh thủy sản Việt Nam cần phải được đẩy mạnh hơn. Ban chấp hành VASEP đã đưa ra đề án khôi phục lại Quỹ phát triển thị trường của ngành thủy sản.
Có thể nói, việc quảng bá cho các sản phẩm thủy sản Việt Nam luôn là một vấn đề nóng, được các doanh nghiệp quan tâm. Cách đây mấy năm, các doanh nghiệp cá tra cũng muốn lập quỹ quảng bá sản phẩm, in ấn báo chí bằng nhiều thứ tiếng để phát hành tại các thị trường…; song do kinh tế khó khăn và việc tìm ra nguồn tài chính, cơ chế chính sách để gây dựng quỹ truyền thông… nên hầu như việc truyền thông cho sản phẩm tra, basa gặp nhiều khó khăn. Điển hình là ấn phẩm song ngữ Vietnam Tra&Ba sa của Tạp chí Thủy sản Việt Nam đã phải ngưng xuất bản vì thiếu kinh phí (Thực chất tòa soạn phải bù lỗ nhiều năm cho ấn phẩm này) hay ấn phẩm thương mại thủy sản của VASEP cũng phải ngừng xuất bản.
Theo con số thống kê, đầu tư cho xúc tiến thương mại tại Việt Nam rất bất cập. Kinh phí dành cho Chương trình xúc tiến thương mại Quốc gia của Việt Nam tính trên kim ngạch xuất khẩu chỉ bằng 0,003% (so với mức trung bình của thế giới là 0,11%, theo nghiên cứu của World Bank). Tính theo tỷ lệ phần trăm chỉ tương đương 1/30 tỷ lệ trung bình của các nước trên thế giới, bằng 1/10 so với Thái Lan.
Cơ sở vật chất thiếu
Các triển lãm hội chợ thủy sản tại Việt Nam chủ yếu diễn ra ở các tỉnh phía Nam, nhưng cơ sở vật chất hầu như không nhiều. Các triển lãm diễn ra tại TP Hồ Chí Minh cũng chỉ được tổ chức trong không gian triển lãm đa năng, không dành cho thủy sản. TP Hồ Chí Minh dự kiến sẽ xây dựng một trung tâm thương mại và hội chợ thủy sản lớn tầm cỡ khu vực, nhưng đến nay do vướng mắc về mặt bằng và tài chính nên vẫn chưa xây dựng được.
VietShrimp là một triễn lãm lớn chuyên ngành về tôm thu hút khoảng 200 doanh nghiệp tham gia, song ban tổ chức cho biết dù có sự hỗ trợ tối đa của các địa phương đăng cai nhưng vẫn rất khó khăn về kinh phí. Những triển lãm như VietShrimp sẽ trở nên nhộn nhịp hơn nhiều thu hút khách hơn nhiều nếu nhận được sự hỗ trợ từ các chương trình xúc tiến thương mại. Điều đó sẽ giúp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ nuôi trồng có cơ hội tham gia quảng bá hình ảnh của mình. Tại Hội thảo khoa học trong khuôn khổ VietFish tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, các chuyên gia quốc tế cho biết: “Ở Việt Nam, hầu như nhà máy, công ty, doanh nghiệp nào cũng thích làm trang web, nhưng làm xong để đó, hầu như không có thông tin gì. Khách hàng muốn truy cập vào, tìm hiểu sản phẩm mới, hay truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản Việt Nam nam thì hầu như không được đáp ứng, vì thông tin quá chung chung và ít liên quan đến sản phẩm mà người tiêu dùng đang cần tra cứu”.
Chú trọng thị trường mới
Các nước Hồi Giáo được xem là một thị trường hết sức tiềm năng; nhưng việc quảng bá tiếp cận thị trường này vẫn còn khá khiêm tốn. Các chuyên gia thị trường cho rằng, để xúc tiến thương mại vào khối các nước Hồi Giáo, cần phải có một chương trình quốc gia riêng, nhằm vào xuất khẩu trung hạn, dài hạn các sản phẩm nông sản, trong đó có thủy sản. Tuy cộng đồng các nước theo đạo Hồi có những tiêu chuẩn giết mổ, chế biến riêng biệt, có chứng nhận tiêu chuẩn riêng biệt, song là một thị trường hết sức tiềm năng. Trả lời truyền thông, bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng, đại diện văn phòng chứng nhận Halal-HCA Việt Nam cho biết, số lượng người Hồi giáo trên toàn thế giới lên tới 1,6 tỷ người, ngành công nghiệp Halal doanh thu lên tới 2.300 tỷ USD/năm, có ít rào cản về mặt kỹ thuật và mức thuế nhập khẩu cũng rất thấp.
Ngay cả đối với các thị trường truyền thống, cơ hội cho sản phẩm thủy sản Việt Nam cũng vẫn còn “mênh mông”. Trong Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia 2019, 15 doanh nghiệp thủy sản lớn của Việt Nam vừa tham gia Hội chợ Thủy sản Boston 2019 – hội chợ thủy sản thường niên lớn nhất khu vực Bắc Mỹ; Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn đại diện Thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc tại New York (Mỹ) nhận định: “Thị trường thủy sản tại Mỹ là rất lớn, nhưng thị phần của các doanh nghiệp Việt Nam ở đây vẫn còn nhỏ bé”. Rõ ràng, trái với nhận định chủ quan cho rằng, sản phẩm thủy sản Việt Nam đã nổi tiếng và không cần quảng bá nhiều thì thực tế cho thấy vẫn còn rất nhiều “khoảng trống” thông tin về sản phẩm Việt Nam, đặc biệt ở các thị trường Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latinh…
Tiếp cận đa diện
Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) cho rằng, để các doanh nghiệp Việt Nam xâm nhập vào các thị trường Đông Nam Á cần có chiến lược và hành động cụ thể. Trong năm 2019, ITPC phối hợp tổ chức và hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại trong khu vực như Hội chợ Thương mại Việt – Lào, Hội chợ Thương mại Việt Nam – Campuchia, Tuần lễ Triển lãm sản phẩm Việt Nam tại Thái Lan, kết nối giao thương với nhà phân phối tại Malaysia, Hội chợ hàng Việt Nam tại Myanmar…
Ngay cả một thị trường lớn gần Việt Nam là thị trường Trung Quốc với 1,4 tỷ dân cũng rất cần quảng bá các sản phẩm thủy sản Việt Nam. Mặc dù, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh, nhưng thương lái thu mua nhiều, hình ảnh chính thức về sản phẩm Việt Nam, uy tín chất lượng ra sao… rõ ràng cần phải được quảng bá nhiều hơn tại đây.
Sau sự cố thủy sản Việt Nam bị “thẻ vàng” tại châu Âu, giới chuyên môn và các nhà quản lý cũng như doanh nghiệp đều nhận thấy vai trò quan trọng của truyền thông, xúc tiến thương mại, nhằm để các thị trường hiểu rõ sản phẩm của Việt Nam, quy trình nuôi trồng, đánh bắt, tránh việc bị xuyên tạc, hiểu nhầm, ép giá. Mới đây, Tổng cục Thủy sản và Thương vụ Việt Nam tại Bỉ tổ chức Diễn đàn Xúc tiến Thương mại sản phẩm thủy sản Việt Nam tại Bỉ, cung cấp các thông tin về các biện pháp mà Việt Nam đang tiến hành nhằm xây dựng quy trình nuôi trồng và đánh bắt bền vững, có trách nhiệm với môi trường, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Những hoạt động hữu ích đó sẽ có tác động tích cực nhằm giúp dỡ bỏ “thẻ vàng” tại thị trường châu Âu. Nhìn sang quốc gia láng giềng Thái Lan, chúng ta thấy, Thái Lan đã thành lập Cục xúc tiến xuất khẩu từ năm 1952, thường xuyên có khoảng 1.000 nhân viên làm việc. Với 1/3 dân số Thái Lan đang trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất để xuất khẩu, Thái Lan rất chú trọng việc quảng bá thương hiệu của họ trên toàn thế giới.
>> Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 09/CT-TTg về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6 tháng và cả năm 2019, trong đó quan tâm đến vấn đề xúc tiến thương mại, mở mang các thị trường, hy vọng những giải pháp xúc tiến thương mại cho ngành thủy sản sẽ được chú ý hơn, theo hướng hiện đại hóa xúc tiến thương mại và chú trọng đến tính thực chất, tính hiệu quả của công tác này tại các thị trường. |
Nguyễn Anh