Anh Nguyễn Văn Phương (46 tuổi) ở khu vực Bình Hưng, phường Phước Thới, quận Ô Môn, được nhiều người ở địa phương quý mến bởi ý chí, nghị lực vượt khó, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả. Sau nhiều lần thất bại, anh đã trụ vững với nghề nuôi lươn, nuôi ếch và tận tình chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều người.
Anh Phương chăm sóc lươn thương phẩm.
Sinh ra, lớn lên ở khu vực Bình Hưng, khi trưởng thành và lập gia đình, anh Nguyễn Văn Phương luôn trăn trở tìm kiếm, học hỏi những mô hình kinh tế hiệu quả trên diện tích đất nhỏ (khoảng 1000m2). Vợ chồng anh cần cù, chịu khó, bươn chải mưu sinh bằng nhiều việc, từ làm thuê đến buôn bán, nhưng thu nhập cũng chỉ tạm đủ ăn và lo chuyện học hành cho 2 con. Từ năm 2019, anh Phương xây dựng mô hình nuôi ếch, nuôi lươn không bùn với quy mô 200m2. Sau 5 năm kiên trì, gắn bó với nghề nuôi lươn, nuôi ếch giống và thương phẩm, kinh tế gia đình anh Phương ngày càng ổn định, khá giả hơn.
Nhắc lại lý do quyết định chọn mô hình nuôi lươn để khởi nghiệp vào năm 2019, anh Phương chia sẻ do anh nhận thấy các quán ăn, nhà hàng bán các món đặc sản lươn, ếch… trên địa bàn khá nhiều, nhưng nguồn cung cấp mặt hàng này còn hạn chế. Vì vậy, anh quyết định đầu tư xây bể nuôi ếch và lươn không bùn.
Anh Phương bộc bạch: “Tôi đến với nghề này cũng khá thăng trầm. Ban đầu, tôi mua lươn giống về thả nuôi, nhưng do chưa có kinh nghiệm nên lứa đầu tiên sau hơn 1 tháng nuôi, bị chết nhiều. Không nản chí, tôi vẫn quyết tâm đầu tư nuôi tiếp. Lần này, tôi học tập kinh nghiệm thực tế của người nuôi trước; đồng thời, kết hợp với nghiên cứu tìm tòi trên mạng, báo chí và tài liệu khuyến nông, khoa học công nghệ… Sau 10 tháng chăm sóc, mô hình nuôi lươn không bùn của tôi đã thành công. Với 13.000 con giống ban đầu, tôi thu được khoảng 2,5 tấn lươn thương phẩm, bán với giá 180.000 đồng/kg, trừ chi phí, lãi khoảng 180 triệu đồng”.
Mỗi lần thất bại, anh Phương kiên trì tìm hiểu nguyên nhân, đúc kết kinh nghiệm và dần thành thạo kỹ thuật, ngày càng thành công với mô hình này. Hiện nay, ngoài nuôi ếch thịt, lươn thịt, anh Phương còn cung cấp bán con giống, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho người nuôi.
Theo anh Phương, nuôi lươn trong bể không bùn khá đơn giản. Bể nuôi chỉ cần diện tích từ 6-10m2, dưới đáy bể có ống thoát nước, trên có gắn đường nước vào để thuận lợi cho việc thay nước. Ðể lươn có chỗ trú ẩn, trong bể treo các túi lưới đã được khử trùng và phơi khô. Hằng ngày, vào mỗi buổi sáng, thay toàn bộ nước để lươn có môi trường sống sạch. Muốn lươn mau lớn và có tỷ lệ sống cao, khâu quan trọng nhất là vấn đề con giống. Con giống phải có xuất xứ rõ ràng, không bị xây xát, mất nhớt, kích cỡ đồng đều, tốt nhất là nên mua con giống từ các cơ sở sản xuất giống nhân tạo.
Bên cạnh đó, nguồn nước nuôi phải sạch, nếu nguồn nước bẩn, lươn dễ bị mắc bệnh và chết. Do đó, cần phải tạo môi trường nuôi nhân tạo bằng cách bơm và thay nước thường xuyên, giữ mực nước vừa phải, bổ sung thêm vi sinh đường ruột, vitamin C trộn vào thức ăn cho lươn ăn; phải thường xuyên dùng muối hoặc thuốc diệt khuẩn để diệt khuẩn trong nước.
Khi cho lươn ăn, cần chú ý nhất là tuần đầu tiên nuôi, chỉ nên cho lươn ăn trùn chỉ và chỉ ăn vào buổi tối. Sau này, khi lươn đã quen với điều kiện nuôi nhốt thì có thể cho lươn ăn ngày 2 bữa và có thể ăn các loại thức ăn khác như cá, ốc, cua… xay nhỏ. Người nuôi không được cho lươn ăn thức ăn ôi thiu, nên vớt thức ăn thừa ra, không để ô nhiễm nguồn nước. Sau đó tập cho lươn ăn dần sang thức ăn công nghiệp.
Anh Phương chia sẻ: “Ban đầu, tôi nuôi thử nghiệm bằng bể xi măng có lót bạt. Sau khi tìm hiểu một số mô hình nuôi thành công bằng bể xi măng lát gạch men, thấy lươn nuôi khỏe hơn, ít bị bệnh hơn nên tôi đang chuyển dần sang bể lát gạch men. Nuôi lươn, vốn đầu tư không cao, có thể tận dụng tối ưu diện tích quanh vườn nhà, nên thời gian tới gia đình tôi sẽ mở rộng quy mô lên 1000m2”.
Sau thành công với mô hình, anh cùng một số hộ dân địa phương thành lập Tổ hợp tác nuôi ếch, rồi đến Tổ nuôi lươn. Anh Phương hiện là Tổ phó của 2 tổ hợp tác này. Anh Nguyễn Thành Tài ở phường Phước Thới, cho biết: “Thời gian trước, tôi đến tham quan, tìm hiểu và được anh Phương chia sẻ, hỗ trợ kỹ thuật nuôi ếch và lươn. Tôi đã mạnh dạn đầu tư nuôi lươn và ếch. Sau 2 vụ nuôi, tôi thấy mô hình này khá hiệu quả, giúp người nuôi thu nhập khá cao so với một số mô hình chăn nuôi khác”.
Ngoài việc nuôi ếch, nuôi lươn, anh Phương còn buôn bán thêm trái cây, phụ giúp gia đình tăng thu nhập. Chị Nguyễn Thị Huệ, vợ anh Phương, bộc bạch: “Vợ chồng tôi có 2 con, đang tuổi ăn học. Tôi ở nhà nội trợ, bán quán giải khát. Anh Phương thì chăn nuôi, buôn bán trái cây. Thu nhập gia đình tạm ổn, dần vượt qua giai đoạn khó khăn, vươn lên ổn định đời sống”. Anh Phương cũng đang thuê đất để đầu tư mở rộng mô hình nuôi ếch với quy mô 5000m2.
Ông Huỳnh Trúc Phương, Chủ tịch HND phường Phước Thới, cho biết: “Thành công từ mô hình nuôi ếch, nuôi lươn không bùn không những tạo nguồn thu nhập hiệu quả cho gia đình anh Phương mà còn mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế đối với nhiều nông dân trên địa bàn. Ðể nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như mở rộng quy mô nuôi, mở rộng thị trường, Tổ hợp tác nuôi ếch, Tổ hợp tác nuôi lươn ở phường đã ra đời, đi vào hoạt động. Hoạt động chủ yếu của 2 tổ hợp tác này là nuôi ếch và nuôi lươn giống, thương phẩm và tư vấn kỹ thuật cho các hộ có nhu cầu nuôi”.
Bài, ảnh: Chấn Hưng
Nguồn: Báo Cần Thơ