Cần tiếp sức cho thủy sản Việt Nam

Chưa có đánh giá về bài viết

Với nỗ lực vượt bậc, năm 2012, ngành nông nghiệp đã giành được những kết quả khả quan. Thủy sản được coi là đòn bẩy quan trọng làm nên thành công đó, với giá trị xuất khẩu đạt trên 6,18 tỷ USD (tăng 1% so với 2011).

TS Đặng Kim Sơn – Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn: Cần thực hiện hiệu quả chuỗi liên kết

Sản lượng của nhiều loại nông, lâm, thủy sản đã đạt ngưỡng không thể tăng thêm, muốn gia tăng giá trị xuất khẩu chỉ còn cách tạo ra sự đột phá về chế biến sản phẩm, tái cơ cấu lại ngành hàng. Theo đó, người dân cần liên kết lại với nhau thành những hợp tác xã; hiệp hội; các doanh nghiệp liên kết cùng phát triển, tự điều chỉnh kinh doanh, ổn định giá thành, cạnh tranh lành mạnh và loại bỏ những doanh nghiệp yếu kém. Giữa doanh nghiệp và nông dân cũng cần liên kết để đảm bảo nguồn nguyên liệu và đầu ra cho sản phẩm. Trong đó, Nhà nước có vai trò điều tiết; tập trung công tác khuyến nông, tín dụng; đầu tư, phát triển những đối tượng có giá trị, dựa trên tiềm năng, sự điều tra về quy mô thị trường, kết cấu và tiêu chuẩn… Để thủy sản tiếp tục là mũi nhọn trong phát triển nông nghiệp, vấn đề quan trọng trước mắt là cần tổ chức lại sản xuất, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, thủy lợi, hậu cần nghề cá, có chính sách phù hợp vào phát triển chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.

 

Ông Dương Nghĩa Quốc – Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp: Ổn định thị trường tiêu thụ

Thủy sản là một trong những lĩnh vực được tỉnh chú trọng phát triển trong thời gian qua, phát triển sản xuất quy mô lớn, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu…; tuy nhiên, những ưu đãi về tín dụng cho người dân còn nhiều bất cập, chưa thực sự đúng mục tiêu, người dân chưa thực sự tiếp cận với vốn vay cho sản xuất. Như, cá tra hiện nay người nuôi lỗ từ 2.000 – 3.000 đồng/kg, các doanh nghiệp phá sản hàng loạt, trong khi các giải pháp chưa mang lại hiệu quả. Điều quan trọng là cần tạo đầu ra cho sản xuất thật sự ổn định; có sự chỉ đạo thống nhất trong toàn vùng, thực hiện quản lý chặt về quy hoạch tránh tình trạng cung vượt cầu, tạo sức ép cho sản xuất; cần đầu tư có trọng điểm; có sự liên kết giữa các địa phương, mở rộng thị trường, và điều quan trọng là người nông dân thực sự làm chủ và được hưởng quyền lợi từ sản xuất.

 

Ông Liêu Cẩm Hiền – Phó giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Long: Tập trung mọi nguồn lực

Sản xuất thủy sản được tỉnh xác định là một trong những mũi nhọn để đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp nông thôn. Tuy sản lượng chế biến thủy sản đông lạnh hàng năm tăng mạnh và là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh nhưng mối liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất còn hạn chế, khiến cả hai đều gặp nhiều bất lợi trong sản xuất, kinh doanh. Từ nay đến năm 2020, Vĩnh Long xây dựng 11 dự án kêu gọi đầu tư phát triển kinh tế thủy sản với tổng vốn 755 tỷ đồng; trong đó, tập trung đầu tư mở rộng quy mô chế biến đông lạnh của 4 nhà máy đang hoạt động trên địa bàn và triển khai các dự án đầu tư mới nâng tổng công suất chế biến lên 100.000 tấn/năm, tạo điều kiện thuận lợi tiêu thụ sản phẩm; tập trung mọi nguồn lực, ưu tiên cho phát triển thủy sản. Đồng thời, tỉnh cũng chú trọng tổ chức lại khâu điều hành sản xuất; việc liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp được tổ chức theo nhiều hình thức tạo sự luân chuyển sản phẩm tốt nhất.

 

Ông Cao Tuy – Phó chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam: Phát triển các đối tượng chủ lực

Hằng năm tại tỉnh Quảng Ninh có hơn 19.746 ha nuôi trồng thủy sản, sản lượng hơn 30.000 tấn/năm. Đặc biệt, hiện nay, nghề nuôi tôm đã phát triển mạnh ở nhiều địa phương, thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư. Để nghề nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững, phát huy tiềm năng thế mạnh, ngành chức năng và các địa phương cần rà soát và xây dựng quy hoạch vùng nuôi một cách hợp lý; quan tâm hơn đến chủng loại nuôi phục vụ chế biến và xuất khẩu. Xây dựng trung tâm giống thủy sản; tạo ra một chuỗi liên kết chặt chẽ giữa nuôi trồng – chế biến – xuất khẩu để nâng cao giá trị, sức cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản xuất khẩu. Thời gian tới, tỉnh tập trung phát triển ổn định nghề cá ven bờ, xa bờ kết hợp bảo vệ nguồn lợi thủy sản, với các đối tượng chính là nhuyễn thể, tôm càng xanh, cá rô phi đơn tính. Thời gian tới, tỉnh sẽ xây dựng trại giống tại Đầm Hà (với tổng kinh phí 50 tỷ đồng) nhằm đảm bảo nguồn giống sản xuất.

>> Theo Bộ NN&PTNT, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2013 đạt 28,5 tỷ USD, bằng 103,5% kế hoạch; trong đó, thủy sản đạt 6,7 tỷ USD, bằng 108,9% so năm 2012.

Nguyên Chi (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!