Ngay thời điểm giá cá tra ở ĐBSCL giảm sâu, thì tại các vùng nuôi lớn như An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ xuất hiện thương lái đến mua cá với giá cao, người dân vui mừng như “đi hội”. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau những thương lái này “lặn” mất tăm.
Ông Lê Văm Thơm, ở huyện Châu Phú, An Giang là một người được xem “lì đòn” nhất trong huyện sau nhiều năm thua lỗ ông vẫn bám trụ với nghề nuôi. Lúc thịnh nhất năm 2007, ông sở hữu trong tay gần 10 ao cá với diện tích gần 40 công, giờ ông chỉ nuôi 2 ao chưa đầy 300 m2 cầm chừng cho vui nhà vui cửa.
Ông Thơm cho biết: “Mấy năm nay mất nợ ngân hàng nhiều lắm chưa trả xong, có 2 ao cá nuôi gần thu hoạch bỗng nhiên có thương lái vào tận nhà xin mua với giá 24.000 đồng/kg để xuất bán về Trung Quốc, nghe tin bán giá cao đã đồng ý bán trong vòng 3 ngày sau. Nếu so với giá này người nuôi lãi 1.500 – 2.000 đồng/kg”.
Thắng được vụ đó, ông Thơm lại tiếp tục đầu tư thả nuôi, khi cá đến lứa đợi mãi các thương lái Trung Quốc không thấy vào mua, trong khi bán giá cho các thương lái trong nước chỉ khoảng 18.000 – 19.000 đồng/kg. Cuối cùng ông Thơm lại chấp nhận bán cá với giá 18.500 đồng/kg, vụ vừa rồi lỗ hơn 200 triệu đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc HTX Thới An (quận Ô Môn, TP. Cần Thơ) cho biết, tôi thấy làm lạ, trong khí giá cá tra trong nước đang xuống thấp mà các tiểu thương của Trung Quốc xuống tận nông dân tìm mua cá giá cao, không cần kiểm tra chất lượng thịt cá và mua “xô” cả ao, lớn nhỏ bắt hết.
Không chỉ càn quét sản lượng cá tra của dân, làm ảnh hưởng hoạt động sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước. Thậm chí nhiều đơn vị nhỏ không cạnh tranh nổi đành phải làm gia công các mặt hàng cá tra cho doanh nghiệp của Trung Quốc, nhằm giữ chân công nhân.
Doanh nghiệp cá tra Việt Nam chịu nhiều sức ép từ thương lái Trung Quốc
Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Hùng Cá (Đồng Tháp) chia sẻ, gần đây khi xuất hiện thương lái Trung Quốc xuống tìm các doanh nghiệp nhỏ ở ĐBSCL xin liên kết làm ăn, họ nhờ các đơn vị này đứng ra gia công rồi mang sản phẩm về nước. Họ làm ăn ban đầu rất sòng phẳng nhưng chỉ được 2, 3 lần; sang các lần sau họ viện đủ lý do để chậm trễ tiền, thậm chí có doanh nghiệp không được trả tiền vì cho thuê nhà máy gia công.
Ông Thái An Lai, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Đồng Tháp cho rằng, tại các thị trường mới khó tính đòi hỏi cá tra nuôi theo chất lượng cao khi bán sang các thị trường này bị ép giá nên giá bán không cao, buộc hạ giá thu mua cá nguyên liệu trong nước. Trong khi, một số doanh nghiệp chấp nhận vào thị trường dễ tính như Trung Quốc lại gặp sức ép càng lớn.
>> Ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc HTX Thới An: Muốn khôi phục ngành cá tra, chúng ta cần nhìn lại vấn đề từ nguồn gốc. Đầu vào là nguồn thức ăn lại chưa thể tự chủ; Đầu ra là thị trường tiêu thụ lại dựa vào nước ngoài. Chính vì vậy, nhiều năm qua con cá tra còn lệ thuộc vào quá nhiều trung gian nên luôn gặp khó khăn. |