Cảnh báo môi trường nuôi thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Theo dự báo thời tiết trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh Phú Yên sẽ có nắng nóng và những cơn mưa vào chiều tối có thể gây ra những biến đổi xấu đối với môi trường nuôi thủy sản, nhất là đối với nuôi tôm nước lợ và tôm hùm.

Môi trường nước trong thời gian tới sẽ bất lợi nên người nuôi lưu ý.

Theo Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản miền Trung, thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản III, kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi và sản xuất giống tôm nước lợ, nuôi tôm hùm và cá biển tại Phú Yên, thời gian quan trắc từ ngày 22-23/8 cho thấy: Một số yếu tố môi trường (vibrio, oxy hòa tan) có biến động bất lợi đối với thủy sản nuôi.

Cụ thể, mật độ vi khuẩn vibrio tổng số vượt ngưỡng cho phép tại 3 điểm quan trắc ở đầm Cù Mông. Trong đó, mật độ vibrio tại Vịnh Hòa (cửa đầm Cù Mông) là 1,3 x 103 cfu/ml, Cầu Bình Phú (giữa đầm) là 2,2 x 103cfu/ml và thôn 1, xã Xuân Hải (cuối đầm) là 1,4×103 cfu/ml.

Hàm lượng oxy hòa tan (DO) tại hầu hết các điểm đều quan trắc đều có xu hướng giảm so với thời kỳ đầu tháng 8/2019, dao động từ dao động từ 4,42-5,70 mg/l. Trong đó, điểm quan trắc tại thôn 1, xã Xuân Hải (điểm cuối đầm Cù Mông) có hàm lượng DO là 4,42 mg/l, thấp hơn so với QCVN 10-MT: 2015/BTNMT đối với vùng nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh (DO>5,0 mg/l).

Trong khi theo dự báo thời tiết trong thời gian tới sẽ có nắng nóng và những cơn mưa vào chiều tối có thể gây ra những biến đổi xấu đối với môi trường nuôi thủy sản, nhất là đối với nuôi tôm nước lợ và tôm hùm. Do đó, Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản miền Trung khuyến cáo, người nuôi cần áp dụng các biện pháp sau để chủ động quản lý môi trường và phòng bệnh cho thủy sản.

Cụ thể, đối với người nuôi tôm nước lợ cần lấy nước vào ao chứa lắng, khử trùng loại bỏ các vi khuẩn gây bệnh trước khi sử dụng, nhất là tại các khu vực nước cấp có mật độ vibrio tổng số vượt ngưỡng. Duy trì mực nước ao nuôi ít nhất 1,5 m để hạn chế những biến động môi trường bất lợi do nắng nóng gây ra (nhất là hàm lượng oxy thường dao động lớn trong ngày và đêm, hoặc khi thời tiết oi bức thường dẫn tới hiện tượng thiếu oxy cục bộ).

Tăng cường kiểm tra oxy (nhất là về ban đêm), tăng cường chạy máy quạt nước, sục khí để tránh thiếu oxy và phân tầng oxy và nhiệt độ trong ao nuôi. Nên bón vôi xung quanh bờ ao khi có mưa lớn nhằm hạn chế hiện tượng giảm đột ngột pH và độ kiềm, gây sốc môi trường tôm nuôi.

Bên cạnh đó, các hộ nuôi cần cho tôm ăn đúng khẩu phần không nên để dư thừa thức ăn sẽ làm ô nhiễm môi trường ao nuôi, thực hiện tốt các biện pháp quản lý ao nuôi. Đồng thời, theo dõi sức khỏe tôm nuôi bằng cách quan sát phản ứng, màu sắc, đường ruột, gan tụy và phân tôm hàng ngày cùng với việc kiểm tra sàng ăn để có biện pháp xử lý kịp thời. Bổ sung vitamin và khoáng chất vào thức ăn nhằm tăng cường sức đề kháng chủ động phòng bệnh cho tôm nuôi.

Đối với nuôi tôm hùm và cá biển, người nuôi nên duy trì lồng nuôi tại tầng giữa hoặc gần tầng mặt để tránh thiếu oxy cục bộ cho tôm nuôi; thường xuyên vệ sinh lồng nuôi, san thưa mật độ nuôi. Bổ sung các chế phẩm sinh học, vitamin và khoáng chất nhằm cải thiện sức khỏe cho vật nuôi trong điều kiện thời tiết bất lợi.

Kim Sơ

Theo Báo Nông Nghiệp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!