Cấp bách chính sách vốn cho người nuôi tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Để đạt được mục tiêu 7 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu tôm vào năm 2025, bên cạnh việc đồng bộ các chính sách về con giống, cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ… một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay là làm sao sớm có được một cơ chế, chính sách riêng về tín dụng cho con tôm, để giúp người nuôi nâng cấp, chuyển đổi mô hình, nhằm nâng cao tỷ lệ thành công, giúp giảm giá thành và tôm nuôi đạt chuẩn quốc tế.

Khó tiếp cận vốn

Theo tìm hiểu, các trang trại nuôi tôm có quy mô diện tích từ 10 ha trở lên, hiện chỉ mới đóng góp khoảng 10% vào sản lượng tôm nuôi cả nước, còn lại 90% là từ các hộ nuôi tôm nhỏ lẻ (dưới 10 ha). Đây cũng là lực lượng chịu nhiều rủi ro nhất, có tỷ lệ nuôi thành công thấp nhất (khoảng 40%) nên rất cần được hỗ trợ nhiều nhất cả về vốn, hạ tầng, thông tin thị trường, thời vụ, mô hình và đặc biệt là nguồn gốc, chất lượng yếu tố đầu vào trong đó có con giống.

Còn theo kết quả khảo sát của các địa phương có nghề nuôi tôm khu vực ĐBSCL, trong số khoảng 90% hộ nuôi tôm nhỏ lẻ thì có đến 70% không tiếp cận được nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng. Nguyên nhân chủ yếu là do trong giai đoạn từ 2010 – 2015, dịch bệnh EMS bùng phát gây thiệt hại nặng cho tôm nuôi khiến người nuôi mất khả năng trả nợ làm tăng tỷ lệ nợ xấu cho các ngân hàng. Mặt khác, tình hình nuôi tôm cũng ngày một khó khăn, tỷ lệ nuôi thành công thấp (chỉ 40%) cũng khiến các ngân hàng không còn mặn mà đầu tư cho lĩnh vực này.

Chuyện người nuôi tôm khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng vốn tồn tại từ lâu, nhưng sở dĩ nhiều năm qua họ vẫn có thể sản xuất được, sản lượng tôm vẫn tăng trưởng tốt là nhờ có sự hỗ trợ đầu tư bán hàng trả chậm từ các đại lý. Tuy nhiên, đến thời điểm này, do tình hình vụ nuôi khó khăn và nhất là giá tôm giảm mạnh trong hơn 2 tháng qua khiến hầu hết các đại lý không còn mạnh dạn đầu tư cho người nuôi như trước nữa. Ông Võ Văn Khải, Giám đốc HTX Chiến Thắng (xã Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) than thở: “Bây giờ đại lý không còn bán nợ thức ăn nữa vì giá tôm quá thấp, người nuôi đạt năng suất kha khá mà còn lỗ nữa thì ai dám đầu tư. Mà bây giờ có đầu tư cũng có rất ít người dám nuôi do chưa biết giá tôm tới bao giờ mới tăng lên trở lại nữa”.

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Thủy sản Việt Nam, hầu hết các đại lý đều xác nhận hiện họ không còn đầu tư theo diện rộng nữa mà chỉ chọn những khách hàng có mô hình nuôi tốt, ít rủi ro hay những hộ có kinh nghiệm nuôi thành công liên tiếp nhiều vụ trong vài năm trở lại đây. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho diện tích thả tôm tại một số tỉnh khu vực ĐBSCL đến giờ này vẫn thấp hơn so với cùng kỳ. Một đại lý ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Với mức giảm đến 40% so với 3 tháng đầu năm thì dù người nuôi có thu hoạch năng suất khá đi chăng nữa cũng rất khó có lời. Bởi vậy, hiện tôi chỉ dám đầu tư cho những khách hàng có mô hình nuôi tôm ao lót bạt 2 – 3 giai đoạn, có khả năng nuôi tôm về size 25 – 20 con/kg để đảm bảo an toàn đồng vốn”.

Theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cũng chính vì thiếu vốn nên người nuôi nhỏ lẻ thường chọn mua con giống có giá rẻ, khuyến mãi cao là nguồn gốc của việc lây lan mầm bệnh, tỷ lệ nuôi thành công đạt rất thấp. Mặt khác, cũng do thiếu vốn nên người nuôi nhỏ lẻ phải mua nợ phần lớn vật tư đầu vào với mức giá bao giờ cũng cao hơn mức giá của nhà sản xuất từ 20 – 30%, thậm chí có một số loại sản phẩm có mức chênh lệch lên đến 40%, góp phần làm tăng giá thành tôm nuôi. Ông Quang chia sẻ: “Thực tế giá thành sản xuất thức ăn cho tôm ở Việt Nam không cao hơn so với các đối thủ như Ecuador hay Ấn Độ, nhưng do đa số hộ nuôi nhỏ lẻ, thiếu vốn phải mua trả chậm nên giá bán đến tay người nuôi lúc nào cũng cao hơn 30%”.

Cần có chính sách hỗ trợ

Đóng góp cho chính sách hỗ trợ người nuôi tôm nhỏ lẻ, theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, ngành quản lý và địa phương cần tìm nguồn vốn cho người nuôi nhỏ lẻ thông qua việc hướng họ tham gia vào chuỗi mới đã và đang hình thành. Ông Lực chia sẻ: “Chuỗi mới ở đây chính là sự tham gia của nhà cung ứng con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học cùng với đại lý, ngân hàng và người nuôi tôm đã được hình thành tại nhiều vùng nuôi. Đặc biệt, các chuỗi này còn bao hàm yếu tố hỗ trợ quy trình nuôi, kỹ thuật nuôi hoặc xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình nuôi”.

Thực tế cho thấy, chuỗi mới này đã và đang được Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam kết hợp cùng đại lý và ngân hàng triển khai thực hiện khá tốt và đang ngày càng mở rộng. Tại Sóc Trăng và một số tỉnh trong khu vực, nhiều hộ nuôi tôm đã cải tạo, nâng cấp mô hình và nuôi rất thành công nhờ tham gia chuỗi mới này, mà một trong số đó có thể kể đến là anh Nguyễn Văn Mắn, ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Từ một người còn nợ ngân hàng từ thời nuôi tôm ao đất, anh Mắn đã được cán bộ C.P. và đại lý ở địa phương hỗ trợ tham gia vào chuỗi để được ngân hàng cho vay nâng cấp mô hình CPF-Combine và anh liên tiếp có được những vụ nuôi thành công với mức lợi nhuận mà khi còn nuôi ao đất dù có nằm mơ anh cũng không dám nghĩ tới.

>> Như vậy có thể thấy, bên cạnh hai nút thắt lớn là con giống và môi trường thì việc tìm kiếm một giải pháp khả thi để tháo gỡ nút thắt về vốn cho người nuôi tôm nhỏ lẻ cũng là vấn đề hết sức cần thiết và cấp bách.

An Xuyên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!