Cấp bách ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Theo Tổng cục Thủy sản, những năm gần đây, sự suy giảm nguồn lợi thủy sản nói chung và số loài thủy sản bị đe dọa tuyệt chủng ngày một gia tăng.

Mặc dù, nguồn lợi thủy sản đã bị suy giảm, song số phương tiện khai thác thủy sản vẫn tăng, đặc biệt là khai thác thủy sản ven bờ, trên các vùng nước nội địa đã vượt ngưỡng khai thác. Các hệ sinh thái thủy sinh là nơi trú ẩn, kiếm mồi của giống loài thủy sản như rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, cửa sông, đầm, phá ven biển và các vùng nước nội địa khác cũng đang bị xâm lấn.

Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản là trách nhiệm của các ngành các cấp và toàn thể nhân dân (ảnh chụp vùng trũng Tân Phước, Tiền Giang)

Đây là hậu quả từ sức ép gia tăng dân số, đô thị hóa vùng ven biển, ven sông, hồ với tốc độ nhanh; nhu cầu thủy sản ngày càng tăng, sự suy giảm chất lượng nguồn nước do xả thải trực tiếp từ hoạt động kinh tế của các ngành cùng nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư chưa qua xử lý làm cho môi trường nước bị ô nhiễm, kéo theo dịch bệnh thủy sản phát triển.

 Bên cạnh đó, hệ thống tổ chức quản lý chuyên ngành từ trung ương đến địa phương đang trong quá trình củng cố nên việc kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác thủy sản không được thường xuyên; hiện tượng khai thác thủy sản mang tính hủy diệt như: dùng chất nổ, chất độc, xung điện, ngư cụ có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định để khai thác đã làm suy giảm nhanh chóng nguồn lợi thủy sản.

Để ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi thủy sản, tiến tới phục hồi, tái tạo nguồn lợi, Tổng cục Thủy sản đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là tại các hồ chứa và thủy vực nội đồng, coi đó là nội dung trọng tâm để phục hồi nguồn lợi thủy sản. Ưu tiên chọn lựa các loài cá nuôi truyền thống có giá trị kinh tế; phù hợp với đặc tính sinh học và các yếu tố môi trường khu vực lựa chọn thả giống để tiến hành thả…

Kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm về khai thác, buôn bán và tiêu thụ các loài thủy sản quý hiếm, các loài có tên trong phụ lục CITES… Đối với các tỉnh ven biển, kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán các loài rùa biển, thú biển, các loài cá biển có trong Sách Đỏ và các sản phẩm từ chúng.

Đẩy mạnh chương trình truyền thông nhằm nâng cao nhận thức người dân trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sống, lồng ghép nội dung bảo vệ nguồn lợi thủy sản với các chương trình bảo vệ môi trường. Nghiêm cấm sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản. Rà soát, hoàn thiện và cũng cố Ban Chỉ đạo 01 tại địa phương về thực hiện Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg ngày 2/1/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản.

Thành Công

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!