Cấp bách ứng phó dịch bệnh

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Trước tình hình dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp, từ hộ nuôi đến cơ quan chuyên môn đang rất nỗ lực, để duy trì tốt các biện pháp kỹ thuật nhằm khống chế dịch bệnh.

Tiềm ẩn nguy cơ lớn 

Tại các địa phương trọng điểm nuôi tôm, tình hình dịch bệnh đã và đang xảy ra trên nhiều diện tích ao nuôi, kể cả ao nuôi công nghiệp lót bạt với hệ thống xử lý nước tiên tiến, khiến nhiều hộ nuôi lâm vào tình cảnh khó khăn. 

Khoảng 5.000 ha diện tích tôm bị dịch bệnh trong 9 tháng đầu năm 2023. Ảnh: CTV

Số liệu của Cục Thú y cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2023, diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại là 19.800 ha, chiếm trên 88% tổng diện tích thủy sản nuôi bị thiệt hại, tăng nhẹ so cùng kỳ năm trước. Chủ yếu thiệt hại ở loại hình nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến và tôm – lúa 14.400 ha, còn lại là tôm nuôi thâm canh, bán thâm canh gần 5.400 ha. Trong đó, thiệt hại do dịch bệnh trên 5.000 ha, chiếm xấp xỉ 26% tổng diện tích tôm bị thiệt hại, giảm 5% so cùng kỳ năm trước. 

Đặc biệt, thời gian gần đây, ngành tôm phải đối mặt với mầm bệnh mới rất nguy hiểm. Theo thông tin từ Cục Thủy sản, trong quá trình kiểm tra, giám sát tình hình sản xuất tôm giống thực tế ở một số địa phương và tham vấn các nhà khoa học trong nước, hiện nay đang xuất hiện bệnh mờ đục trên ấu trùng (tôm thẻ chân trắng) TTCT (Translucent Post-larva disease – TPD), được phát hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc. Bệnh thường nhiễm trên tôm giống và gây ra tỷ lệ chết cao. Tác nhân gây bệnh là loài vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus (Vp- JS20200428004-2) (Zou Y et al., 2020). 

Tại Việt Nam, cuối tháng 8/2023 và đầu tháng 9/2023, Phòng Nghiên cứu ShrimpVet (Công ty TNHH DVKT NTTS Minh Phú AquaMeKong) phân lập được 5 chủng, với đặc điểm của vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus từ mẫu tôm chết đột ngột, nghi ngờ do TPD ở trại giống tại Việt Nam. Các chủng này có độc lực cao hơn so với các chủng gây AHPND. Do đó, đây có thể là một nguồn gây bệnh, nguy cơ lớn cho ngành nuôi tôm ở Việt Nam và các nước khác. 

Đâu là nguyên nhân? 

Ngành tôm đang đối diện hiện tượng thời tiết cực đoan, khó lường, các mô hình nuôi tôm không được kiểm soát. Đặc biệt, môi trường nuôi ngày càng xuống cấp, chất lượng nước phục vụ nuôi trồng thủy sản (NTTS) ngày càng bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, ở không ít vùng nuôi tôm thâm canh nhiều năm, lại chính là ổ dịch bệnh nguy hiểm, dẫn đến nguy cơ lây lan cao, gây tác hại khôn lường. 

Mặt khác, dù Việt Nam có giống tôm tốt, nhưng các cơ sở sản xuất tôm kém chất lượng vẫn còn khá nhiều. Người nuôi tôm không phân biệt được tình trạng vàng thau lẫn lộn này, nên mua nhầm tôm giống kém chất lượng, hoặc tôm bị nhiễm bệnh. 

Ngoài ra, hoạt động của các tổ cộng đồng nuôi tôm ở nhiều tỉnh, thành phố còn nhiều hạn chế, ý thức một số hộ nuôi còn kém, chưa có sự đoàn kết trong công tác bảo vệ môi trường, chưa chấp hành nghiêm các khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Khi dịch bệnh xảy ra, nhiều hộ nuôi không báo cáo cho cơ quan chức năng, mà tự ý thu hoạch và không xử lý mầm bệnh, trước khi xả thải ra môi trường, làm lây lan dịch bệnh. 

Thêm vào đó, hiện nay nhiều vùng nuôi có hệ thống công trình nuôi không đảm bảo yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, hầu hết không có ao lắng, ao xử lý nước, lấy nước trực tiếp từ ngoài vào ao nuôi, hệ thống cấp thoát nước chưa riêng biệt… Tất cả những yếu tố này là những nguyên nhân khiến dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp. 

Theo Cục Thủy sản, qua thời gian kiểm tra môi trường khu vực ĐBSCL (2021 – 2023) cho thấy, chất lượng môi trường nước cấp phục vụ NTTS nói chung và tôm nước lợ nói riêng có hiện tượng ô nhiễm, ảnh hưởng đến sinh trưởng, tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện bệnh. 

Đây cũng là điều dễ hiểu. Bởi có một thực trạng tồn tại nhiều năm ở ĐBSCL là hạ tầng thủy lợi và hạ tầng giao thông, có “lịch sử” trước đây là để trồng lúa. Do đó, khi các địa phương chuyển sang nuôi tôm, nhưng vẫn sử dụng chung hạ tầng này, vì vậy, ô nhiễm môi trường sau nhiều vụ nuôi là khó tránh khỏi. 

Kịp thời ứng phó 

Trước nguy cơ bệnh mới xâm nhập, Cục Thủy sản đã báo báo và đề xuất Bộ NN&PTNT sớm hoàn thiện các hướng dẫn ban đầu về phòng bệnh TPD trên tôm, trên cơ sở khuyến cáo của các nhà khoa học. Kèm theo đó là hướng dẫn để quản lý tốt chất lượng tôm giống, trong quá trình sản xuất cung cấp cho nuôi thương phẩm. 

Đồng thời, tổ chức truyền thông, hướng dẫn các địa phương, cơ sở sản xuất giống và người nuôi tôm, thực hiện các biện pháp quản lý tốt ao nuôi, từ khâu cải tạo, chọn lựa con giống, đến chất lượng thả nuôi và quản lý tốt môi trường ao nuôi để phòng bệnh TPD. Giao Cục Thú y thực hiện điều tra dịch tễ học của bệnh TPD ở một số cơ sở sản xuất giống, vùng nuôi tôm nước lợ trọng điểm ở Việt Nam; tham mưu các giải pháp và chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ việc nhập tôm bố mẹ, tôm giống và thức ăn tươi sống từ Trung Quốc vào Việt Nam… 

Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, dự báo các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024 hiện tượng thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, gây ra những yếu tố bất lợi cho nuôi tôm, làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh và gây khó khăn cho sản xuất – kinh doanh. 

Để kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, Cục Thú y đề nghị các địa phương tăng cường nguồn lực, triển khai giám sát chủ động dịch bệnh, theo kế hoạch quốc gia phòng chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên nuôi thủy sản giai đoạn 2021 – 2030; gắn kế hoạch giám sát chủ động dịch bệnh của doanh nghiệp, địa phương, với việc tổ chức xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định. 

Theo Cục Thú y, phải đặc biệt nắm chắc diễn biến tình hình dịch bệnh, hiện tượng tôm chết nhiều và chết bất thường, để kịp thời hướng dẫn, đề xuất các giải pháp tổng hợp, trong công tác phòng, chống dịch bệnh (lấy mẫu xét nghiệm tác nhân gây bệnh; hướng dẫn xử lý triệt để ao bệnh nhằm giảm thiểu thiệt hại, giảm thiểu nguy cơ lây lan rộng và làm ô nhiễm môi trường…). Ðồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về dịch bệnh thủy sản và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ kỹ thuật cho các địa phương, doanh nghiệp có nhu cầu. 

Người nuôi tôm chú trọng áp dụng biện pháp phòng bệnh chủ động, áp dụng các quy trình nuôi tôm tuần hoàn nước, nhằm hạn chế xả thải ra môi trường. Khi phát hiện tôm nuôi có dấu hiệu bất thường hoặc bị nhiễm bệnh, người nuôi cần báo cáo chính quyền địa phương biết, để có biện pháp xử lý kịp thời. Tuyệt đối không xả nước, xả chất thải chưa qua xử lý hoặc xác tôm chết, tôm bị bệnh ra môi trường. 

>> Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Phần lớn diện tích nuôi tôm của nước ta tập trung ở ĐBSCL. Trong khi vùng này, được dự báo bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu, nên thách thức về hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh trên tôm là không thể xem nhẹ. 

ÔNG LÊ VĂN ĐÔNG, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ NN&PTNT TRÀ VINH 

Không nên quá bi quan 

Người nuôi không nên quá bi quan, chọn phương án nuôi trồng an toàn để giảm thiểu rủi ro do biến đổi khí hậu. Thời tiết tại ĐBSCL đang vào mùa mưa cùng với triều cường dâng trên các sông, là yếu tố bất lợi về môi trường nước, tác động rất xấu đến sức khỏe tôm nuôi và dễ gây ra dịch bệnh. Người nuôi nên tạm ngừng thả giống TTCT và tôm sú một thời gian để cải thiện môi trường ao nuôi. Đối với hộ nuôi tôm ao đất, nông dân có thể chuyển đổi sang nuôi một số loại thủy sản khác để cải thiện thu nhập. 

ÔNG NGUYỄN VĂN LÂM, CHI CỤC TRƯỞNG CHI CỤC CHĂN NUÔI VÀ THÚ Y PHÚ YÊN 

Tích cực theo dõi dự báo thời tiết 

Để phòng, chống dịch bệnh các tháng cuối năm , người nuôi lựa chọn con giống chất lượng, được xét nghiệm các loại bệnh nguy hiểm và phải được kiểm dịch theo đúng quy định. Đối với tôm hùm và các đối tượng cá nuôi lồng bè đặc biệt lưu ý trong mùa mưa bão, cần tích cực theo dõi dự báo thời tiết, thông tin quan trắc cảnh báo môi trường của ngành chức năng để chủ động, kịp thời áp dụng các biện pháp ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại. 

ÔNG LÊ VĂN QUÊ, CHỦ TỊCH HIỆP HỘI GIỐNG THỦY SẢN NINH THUẬN 

Chủ động các biện pháp phòng ngừa 

Trong thời gian gần đây, một số thông tin từ các cơ sở sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh cho biết có hiện tượng tôm giống chết nhanh không rõ nguyên nhân xảy ra ở giai đoạn Post. Các thông tin trên đã được Chi cục Thú y và Chăn nuôi tỉnh tiếp nhận, lấy mẫu phân tích và gửi cho các Viện để có kết quả, nhằm xác định loại bệnh học trên tìm nguyên nhân và hướng xử lý. Hiện, Hiệp hội chưa nhận được thông tin chính thống nào từ các doanh nghiệp hội viên về tình trạng này. Tuy nhiên, chúng tôi luôn tuyên truyền phổ biến rộng rãi đến các hội viên chủ động các biện pháp phòng ngừa đặc biệt là vệ sinh an toàn sinh học trong sản xuất, kiểm soát kỹ các nguồn cung ứng hàng hóa thức ăn đầu vào và phân loại nguy cơ... 

Lê Loan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!