T6, 12/04/2024 07:54

Châu Âu: Tìm động lực tăng trưởng thị trường thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) Lạm phát vẫn cao, dù đang giảm, cộng với chính sách tiền tệ thắt chặt và nhu cầu tiêu thụ yếu, đã kìm hãm kết quả tăng trưởng thị trường thủy sản EU. Năm 2024, dự báo sẽ tiếp tục là một năm đầy thách thức, đối với mục tiêu phục hồi và tăng trưởng thị trường thủy sản.

Vòng xoáy lạm phát 

Tỷ lệ lạm phát hàng năm của khu vực Eurozone giảm từ 2,9% vào tháng 12/2023 xuống 2,8% vào tháng 1/2024. Một năm trước, tỷ lệ lạm phát ở châu Âu là 8,6%. Lạm phát hàng năm của Liên minh châu Âu cũng giảm từ 3,4% vào tháng 12/2023 xuống 3,1% vào tháng 1/2024. Trong Báo cáo giá thủy sản châu Âu, Globefish ghi nhận 48% hàng hóa trong tháng 3/2024 không thay đổi về giá so với tháng 2/2024; 27% mặt hàng tăng giá và 25% mặt hàng hạ giá. 

Trong khi đó, vận tải biển tiếp tục gặp trở ngại, bởi phần lớn các chuyến hàng tới châu Âu đều được vận chuyển qua kênh đào Panama và Suez. Đáng nói, chỉ số giá cước container thế giới (WCI) đã tăng 20%, trong khoảng thời gian từ tháng 2/2024 đến tháng 3/2024, còn 3.160 USD; cao hơn 1.300 USD so cùng kỳ năm ngoái. Về lâu dài, cước vận tải biển tăng, sẽ kéo giá các loại thủy sản nhập khẩu vào châu Âu, gồm rô phi, cá tra, cá tuyết và tôm tăng cao hơn. 

Ngành thủy sản nội địa cũng gặp nhiều khó khăn, cộng với lạm phát, khiến nông dân bế tắc. Điển hình, do bị cua xanh xâm lấn, sản lượng ngao tại Italy năm ngoái giảm mạnh, so với mức trung bình 30.000 tấn của các năm trước. 

Dự báo, sản xuất ngao năm nay tiếp tục gặp nhiều khó khăn với mức giảm dự kiến 70%, khiến 3.000 công nhân có nguy cơ thất nghiệp. Tình hình ảm đạm còn kéo dài tới 2 năm tiếp theo. Một số khu vực Goro và Scardovari Consortia, ước tính thiệt hại ngao ít nhất 120 triệu USD. Tại những khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất ở Scardovari, sản lượng khai thác ngao trong tháng 12/2023 chỉ có 160 tạ, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 12.000 – 15.000 của 10 năm qua. Do đó, giá ngao châu Âu đã chạm mức cao kỷ lục 19,90 EUR/kg. 

Kích cầu mùa lễ 

Tuần lễ thánh Holy và Phục Sinh, mùa cao điểm tiêu thụ các sản phẩm thủy sản tại châu Âu, đã diễn ra trong các tháng đầu năm nay. Các hãng kinh doanh gấp rút tích trữ hàng hóa, vì nhiều kho lạnh ở châu Âu đang cạn kiệt, nhất là các sản phẩm chính. Nhu cầu tiêu thụ nhảy vọt trong mùa lễ, khiến giá hầu hết các loại thủy sản tại một số thị trường ở châu Âu bắt đầu tăng cao. 

Theo Globefish, mặt hàng tôm bất ngờ được săn đón trở lại, sau khi một năm dài ảm đạm; do đó, giá tôm cũng tăng mạnh. Thị trường cá ngừ cũng ấm dần lên, bởi nhu cầu tiêu thụ từ các nhà máy chế biến tại châu Âu bắt đầu phục hồi. Nhu cầu tiêu thụ tôm đỏ Argentina và cá tuyết khô Na Uy cũng tăng mạnh tại châu Âu trong tuần lễ Thánh, đặc biệt khi thời tiết lạnh giá ở Nam Âu sắp kết thúc. 

Theo ghi nhận của Eurofish, trong tháng 3, giá tôm thẻ chân trắng nuôi trên thị trường châu Âu tương đối ổn định. Đáng chú ý, một số loại tôm cỡ nhỏ từ Ecuador lại tăng giá. 

Giá fillet cá trích từ Na Uy biến động mạnh từ đầu năm 2024, giảm đột ngột rồi tăng trở lại nhanh chóng và đang neo ở mức giá cao trong tháng 3/2024. Giá hiện tại 2 USD/kg, tăng 6% so với tháng trước. Trong khi đó, mùa bạch tuộc ở phía Đông Indonesia sắp kết thúc, khiến nhu cầu tiêu thụ sản phẩm này sẽ tăng cao. Các hãng kinh doanh đang tích cực thu mua nguyên liệu trong giai đoạn này. Tình trạng khan hiếm nguồn cung tại châu Âu có thể diễn ra trong thời gian tới. 

Thị trường cá tráp, cá chẽm tại châu Âu ảm đạm trong các tháng đầu năm 2024, phần lớn do hoạt động buôn bán hai loại cá này, thường chậm lại trong mùa đông trái vụ. Tuy nhiên, những tuần gần đây, giá cá tráp tăng 14% do sản lượng thu hoạch thấp. Croatia trở thành tên tuổi mới nổi trong ngành cá chẽm và cá tráp châu Âu, khi liên tục tăng năng lực sản xuất. Phần lớn sự tăng trưởng này liên quan đến công ty Cromaris với sản lượng thu hoạch 13.000 tấn cá mỗi năm và chủ yếu xuất khẩu sang Italy. Tổng sản lượng cá chẽm, tráp của Croatia ước 16.000 tấn vào năm ngoái, dự kiến tăng lên 20.000 tấn vào năm 2024. 

Lực đẩy từ cá hồi 

Iceland dự kiến mở rộng khai thác cá tuyết chấm đen trong năm 2024, với tổng sản lượng ước 74.000 tấn, tăng 12.000 tấn so với năm 2023, nên giá sẽ ổn định. Hạn ngạch khai thác cá minh thái của Nga năm 2024 tăng mạnh 12% so với những năm trước. Ngoài ra, hạn ngạch cá minh thái Alaska của Nga cũng đạt hơn 2 triệu tấn, tăng 410.000 tấn so niên vụ 2022 – 2023. Sản lượng đánh bắt cá của Mỹ sẽ ổn định trong năm nay ở mức 1,5 triệu tấn. Cá minh thái Alaska là mặt hàng rất quan trọng đối với châu Âu, bởi đây là nguyên liệu cho các ngành công nghiệp chế biến giá trị gia tăng ở Đức, Anh và Bắc Iceland. Cá tuyết bắt đầu xuất hiện ở đảo Lofoten, cực Bắc Na Uy, nên sản lượng cá tuyết Na Uy tăng cao trong năm nay, khiến giá mặt hàng này càng thấp hơn. 

Sự tăng trưởng mạnh mẽ về giá trị của cá hồi, đây là một trong những động lực thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu của Na Uy trong tháng 2/2024 đạt mức cao kỷ lục, theo Hội đồng Thủy sản Na Uy (NCS). Na Uy đã xuất khẩu 78.522 tấn cá hồi, trị giá 9,1 tỷ NOK trong tháng 3/2024 giảm 3% khối lượng, nhưng tăng 5% giá trị so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, cá hồi fillet và các sản phẩm cá chế biến khác chiếm 30% tổng xuất khẩu. Ba Lan, Đan Mạch và Pháp là những thị trường lớn nhất trong thời gian này. 

Theo Seafood Source, dựa trên chỉ số giá cá hồi Nasdaq Salmon Index, giá trung bình mỗi kg cá hồi Na Uy (Atlantic tươi, bỏ đầu ruột) trong tuần 8 (19 – 24/2) đạt 116,69 NOK (10,17 EUR), tăng 7,53% so với tuần 7. Ngoài ra, giá trung bình mỗi kg cá hồi đã tăng 11,27 NOK (0,98 EUR) trong 4 tuần trước đó. Trong tháng 2/2024, Na Uy đã xuất khẩu 4.767 tấn cá hồi, thu về 454 triệu NOK, tăng 62% khối lượng và 40% giá trị so cùng kỳ năm ngoái. Ba thị trường quan trọng nhất trong tháng 2/2024 là Ukraine, Mỹ và Thái Lan. 

Theo phân tích của Rabobank, dự báo sản lượng tôm toàn cầu sẽ tăng khoảng 4,8% vào năm 2024, vượt mức đỉnh điểm vào năm 2022. Đồng thời, sản lượng cá hồi toàn cầu có thể sẽ tăng sau 2 năm giảm sút. 

Tuấn Minh (Tổng hợp)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!