Đó là khẳng định của ông Phạm Văn Tánh (ấp Thanh Nhung I, xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang) khi vừa thu hoạch xong ao nuôi tôm đất 3.000m2 đầu tiên với lợi nhuận gần 20 triệu đồng. Đây là đối tượng tôm mới, kinh nghiệm nuôi chưa có nên tính ra hiệu quả nuôi chỉ mới đạt hơn 50%.
Ông Phạm Văn Tánh là một trong những người nuôi tôm nước lợ thâm canh đầu tiên ở xã Phước Trung với gần 16 năm kinh nghiệm gắn bó với nghề nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng thâm canh. Tuy nhiên, qua đúc kết cho thấy nghề nuôi tôm nước lợ ngày càng nhiều rủi ro về dịch bệnh, giá cả, nên tính ra hiệu quả của cả quá trình nuôi tôm gần như hòa vốn. Chính vì vậy, ông Tánh đã chuyển đổi 2 trong số 4 ao nuôi tôm thẻ chân trắng sang nuôi tôm đất, mong có lợi nhuận bền vững hơn.
Ông Tánh đang kiểm tra sàng ăn ao tôm đất mới thả nuôi được 1 tháng
Ông Tánh cho biết, gia đình ông có 4 ao nuôi tôm với tổng diện tích 12.000m2; tính cả diện tích ao lắng, bờ bao thì tới 25.000m2. Năm 2012, ông Tánh thả nuôi 3 vụ tôm thẻ thì cả 3 vụ đều “gãy” trong thời gian 25 – 30 ngày tuổi (chết sớm do dịch bệnh) khiến ông bị lỗ 200 triệu đồng.
Đầu năm 2013, nghe tin một số địa phương nuôi tôm đất hiệu quả, ông Tánh mạnh dạn thả 600.000 con tôm đất giống trong ao 3.000m2 (mật độ 200 con/m2) để nuôi thử nghiệm. Sau 80 ngày thả nuôi, ông Tánh thu hoạch được 900kg tôm đất thương phẩm cỡ 200 con/kg, bán được với giá 85.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí sản xuất gồm tôm giống (giá 20 đồng/con), thức ăn (1,2 tấn), nhân công…, tính ra ông còn lãi gần 20 triệu đồng.
Theo ông Tánh, hiệu quả của ao tôm này chưa cao do thiếu kinh nghiệm nuôi, lượng thức ăn dư thừa khiến tôm giống hao hụt cao. Nếu cho tôm ăn vừa đủ thì ao tôm đất này có thể tiết kiệm được 200 kg thức ăn (giá 37.500 đồng/kg), sản lượng tôm đất thu được sẽ cao hơn với hệ số thức ăn tương đương 1 (tức 1kg thức ăn cho 1kg tôm).
“Do tôm đất giống có kích thước rất nhỏ, không thấy bằng mắt thường nên khó kiểm soát được lượng tôm giống. Do đó, cũng chẳng biết tôm giống thả nuôi có đúng kế hoạch hay không”, ông Tánh cho biết thêm.
Hiện nay, ông Tánh cũng đang có 1 ao nuôi tôm đất 3.000m2 được 2 tháng tuổi, tôm đạt kích cỡ khoảng 250 con/kg và một ao tôm đất đã thả giống nuôi được 1 tháng. Hai ao tôm này hứa hẹn đạt hiệu quả cao hơn, với lợi nhuận dự kiến trên 30 triệu đồng sau hơn 2,5 tháng thả nuôi. Tiếp nối thành công này, ông Tánh đang chuẩn bị mua tôm đất giống để thả nuôi vào ao tôm đã thu hoạch. Ngoài ra, một số người nuôi tôm cùng huyện và tỉnh cũng đã manh nha phong trào nuôi tôm đất trong ao nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng bị dịch bệnh.
“Nuôi tôm đất thì tôi ăn ngon, ngủ khỏe, không phải lo nghĩ về môi trường dịch bệnh. Bởi chỉ cần lấy nước sông vào (không phải xử lý nước như tôm sú, tôm thẻ chân trắng), thả giống và cho tôm ăn là chờ tới ngày thu hoạch. Trong suốt quá trình nuôi, chỉ cần đo độ mặn nước trong ao một lần để công ty giống thuần độ mặn tôm giống về ngưỡng thích hợp, nhằm giảm hao hụt khi thả. Hiện nay, tôm đất cũng được thương lái ưu tiên mua nên cũng dễ tiêu thụ”, ông Tánh nói.
Trước thành công của mô hình nuôi tôm đất tại gia đình ông Phạm Văn Tánh cùng một số hộ nuôi khác, có thể nói đây là giải pháp chuyển đổi hiệu quả từ các ao nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng thâm canh, bán thâm canh lâu năm bị dịch bệnh.
>> Người nuôi cần lưu ý, tôm đất chỉ được tiêu thụ nội địa, nhu cầu thị trường không nhiều nên cần cân nhắc kỹ, không nên ồ ạt thả nuôi theo phong trào để tránh tình trạng dội chợ, rớt giá. |