Chăm sóc tôm thẻ chân trắng trong điều kiện thời tiết bất lợi

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Năm 2011, diễn biến thời tiết thay đổi phức tạp, từ tháng 1 đến nay, cường độ ánh sáng thay đổi lớn trong ngày và giữa các ngày, không dưới 10 đợt không khí lạnh hoạt động, đan xen những ngày trời nắng, mưa, kéo theo nền nhiệt độ nước trong ao thay đổi bất thường. Tình hình trên dẫn đến tăng nguy cơ phát bệnh trên tôm. Để khắc phục, người nuôi cần lưu ý các giải pháp kỹ thuật cơ bản:

Cho ăn

Đối với tôm mới thả:

– Cho ăn 0,8-1kg thức ăn công nghiệp/10 vạn post/ngày, sau đó cứ 2 ngày tăng 0,2-0,3kg. Nên cho tôm ăn vào các thời điểm nắng ấm, giảm lượng thức ăn khi trời âm u, nhiệt độ thấp. Những ngày thời tiết lạnh, giảm 20-30% lượng thức ăn. Khi tôm đạt 20 ngày, cho ăn khoảng  4-5 kg thức ăn/10 vạn/ngày.

– Sử dụng nhá (sàn cho ăn) để quản lý thức ăn. Khi tôm đạt 20 ngày tuổi, lượng thức ăn theo tỷ lệ: 1,5-2% lượng thức ăn thực tế. Sau 2 giờ 30 phút, tiến hành kiểm tra thức ăn. Tùy theo lượng thức ăn còn lại, số lượng tôm vào nhá mà điều chỉnh lượng thức ăn. Trong thời gian đầu sử dụng nhá có ý nghĩa hơn trong việc dự đoán tỷ lệ sống và tình hình sức khỏe tôm nuôi. Từ thời điểm này, cần bổ sung thêm men đường ruột và vitamin C giúp tôm tôm tiêu hóa và ăn nhiều hơn, theo tỷ lệ: 3g men tiêu hóa + 1g Vitamin C/1kg thức ăn. 

Đối với tôm sau 1 tháng tuổi

– Tôm phát triển chậm, đạt cỡ 800 – 900 con/kg, mật độ 100 con/m2 (lúc thời tiết nắng ấm 600-700 con/kg). Trong giai đoạn tôm đạt cỡ  200-300 con/kg, lượng thức ăn cho vào nhá theo tỷ lệ 1-1,5%, thời gian kiểm tra nhá từ 1 giờ 30 – 2 giờ; đến khi gần thu hoạch 0,5-1% tương ứng 1- 1 giờ 30. Lưu ý: phụ thuộc các điều kiện khác như màu nước, lột xác, thời tiết, bệnh…

 – Căn cứ vào các đặc điểm như kích cỡ (đồng đều), màu sắc vỏ (sáng, sạch), đường ruột (to, đầy thức ăn), màu phân… để đánh giá sức khỏe tôm nuôi và có biện pháp xử lý.

Tăng cường kiểm tra tôm nuôi để phát hiện dấu hiệu lạ            Ảnh: Thanh Nhã

 

Môi trường ao nuôi

– Duy trì mực nước đạt độ sâu 1,2-1,5m để ổn định nhiệt độ nước.

– Độ trong: 30- 40cm để hạn chế hiện tượng tảo tàn. Nếu độ trong lớn hơn 40cm, bổ sung phân có tỷ lệ: 0,5kg DAP + 0,25kg Urê/1000m3 vào lúc nắng ấm. Nếu độ trong nhỏ hơn 20cm (tảo đậm): giảm lượng thức ăn, sử dụng formol 2-3lít/1000m3 tạt vào khu vực góc ao, cuối hướng gió. Sau đó, nâng mức nước thêm từ 15-20cm.

– Độ pH: Hàng ngày, kiểm tra pH vào thời điểm 6 giờ và 14 giờ, pH dao động trong ngày không quá 0,5 đơn vị. Duy trì trong ngưỡng thích hợp (7,5- 8,5), nếu thấp hơn 7,5 vào buổi sáng, bón vôi CaCO3 7-10 kg/1000m3.

– Độ kiềm: Kiểm tra độ kiềm 1lần/tuần vào lúc 14 giờ, duy trì 80-120mg CaCO3/l. Khi tôm lột xác, kiểm tra độ kiềm để bổ sung vôi kịp thời.

– Định kỳ sử dụng men vi sinh. Tùy theo diễn biến của ao nuôi mà chọn các loại men vi sinh có thành phần chính khác nhau. Vi sinh Nitrosomona, Nitrobacter (Nitrosomonas spp, Nitrobacter spp) giảm xu thế tăng cao của NH3  chuyển hoá các hợp chất hữu cơ đơn giản thành các chất vô cơ (CO2, NH3); nhóm Bacillus (B. licheniformis, B. megaterium, B. polymyxa…) giúp giảm tảo do vừa sử dụng trực tiếp chất hữu cơ trong ao, vừa khử nitrate thành nitơ dạng khí thoát ra ngoài, làm giảm muối dinh dưỡng trong ao; nhóm Bacillus có tác dụng phòng bệnh, khi chúng phát triển số lượng rất lớn, cạnh tranh sử thức ăn của nguyên sinh động vật, các vi sinh vật và Vibrio có hại, ngăn cản sự phát triển của Vibrio

Khi sử dụng men vi sinh nên lưu ý khả năng gây thiếu ô xy, pH dao động lớn vào thời gian các vi khuẩn hiếu khí hoạt động mạnh, đặc biệt vào thời điểm sáng sớm, dễ gây sốc, ngợp và chết tôm.

 

Phòng bệnh

Khi thời tiết nắng ấm là thời điểm nhạy cảm của ao nuôi, điều kiện môi trường biến động mạnh, tôm nuôi dễ bị stress, khả năng nhiễm bệnh cao. Các biện pháp kỹ thuật cần lưu ý:

– Tăng cường sử dụng men vi sinh để ổn định môi trường.

– Nếu tôm có biểu hiện bệnh đường ruột (không đầy thức ăn, phân đứt quãng), nên dùng kháng sinh Cotrim-forte 1 viên/1kg thức ăn/2lần/ ngày, trong 7 ngày. Lưu ý, không kết hợp men vi sinh với thuốc kháng sinh khi cho ăn. 

– Khi tôm có biểu hiện “đóng rong”, nên xử lý nước bằng BKC vào lúc có nắng hoặc OLAN vào chiều tối, tăng cường ô xy.

– Khi ao nuôi có dấu hiệu dịch bệnh (tôm vào bờ hàng loạt, chết đáy), tiến hành niêm cống, đồng thời thông báo với các cơ quan chức năng xử lý đúng theo quy trình.

PHẠM THANH NHÂN

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!