Là giải thưởng duy nhất của ngành thủy sản đến thời điểm hiện tại, Danh hiệu “Chất lượng Vàng thủy sản Việt Nam” đang ngày càng chứng tỏ sức lan tỏa mạnh mẽ khi mỗi đợt bình chọn, đã có hàng nghìn hồ sơ của các tập thể, cá nhân, doanh nghiệp gửi về cho Ban tổ chức.
Ba lần thành công
Những năm gần đây, ngành thủy sản luôn đóng vai trò quan trọng trong nền nông nghiệp Việt Nam nói riêng, kinh tế cả nước nói chung. Hàng năm, ngành hàng này mang về cho đất nước nhiều tỷ đô la Mỹ, cùng đó, thu hút lực lượng lao động lớn tham gia vào tất cả các lĩnh vực như: nuôi trồng, khai thác, chế biến xuất khẩu, dịch vụ hậu cần… Không chỉ vậy, thủy sản được đánh giá là giúp đảm bảo công tác an sinh xã hội, giúp nhiều hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo.
Năm 2016, trong khi nhiều lĩnh vực của ngành nông nghiệp lao đao vì khó khăn bủa vây, đặc biệt là mặt hàng lúa gạo. Biến đổi khí hậu đã khiến cho hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng nghiêm trọng đến “vựa” lúa ĐBSCL, khiến ngành này giảm sút rất mạnh. Tuy nhiên, đây lại là cơ hội để con tôm chứng tỏ được thế mạnh của mình. Không chỉ giúp thủy sản lấy lại đà tăng trưởng mà con tôm còn được đưa lên vai trò “đầu tàu” toàn ngành. Theo đánh giá, dư địa của con tôm còn nhiều, trong số hơn 700.000 ha tôm hiện nay, mới có 95.000 ha nuôi công nghiệp, còn hơn 600.000 ha là quảng canh, quảng canh cải tiến, tôm sinh thái năng suất còn thấp.
Với những gì đã và đang làm được, cùng với những nhiệm vụ đặt trước, ngành thủy sản đang ngày càng chứng tỏ được thế mạnh của mình. Có được thành công này là do những đóng góp quan trọng của toàn ngành, trong đó, không thể không kể đến vai trò của các nông – ngư dân, doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý… Những thành tích này rất xứng đáng được biểu dương.
Để kịp thời ghi nhận, năm 2009, Hội Nghề cá Việt Nam và Tạp chí Thủy sản Việt Nam đã khởi xướng và đề xuất Bộ NN&PTNT thực hiện chương trình bình chọn Danh hiệu “Chất lượng Vàng thủy sản Việt Nam”. Với những tiêu chí rõ ràng, mục đích chính đáng, Bộ NN&PTNT nhanh chóng phê duyệt và chỉ đạo thực hiện, đồng thời nhất chí chủ trương định kỳ tổ chức 5 năm/2 lần.
Ngay sau khi phát động, chương trình lập tức tạo hiệu ứng lớn, đã có hàng nghìn hồ sơ của các doanh nghiệp, tập thể, cá nhân gửi về tham gia. Lần đầu tiên năm 2009, Ban tổ chức nhận được trên 1.200 hồ sơ, qua nhiều vòng bình chọn nghiêm túc, đã có 78 doanh nghiệp, cá nhân được vinh danh; Năm 2012, với số lượng hồ sơ tương đương, Ban tổ chức lựa chọn được 82 đơn vị, cá nhân để trao tặng Danh hiệu; Năm 2014, với chủ đề “Hướng tới ngư dân”, Danh hiệu “Chất lượng Vàng thủy sản Việt Nam” lần thứ ba tiếp tục thu hút đông đảo sự tham gia của các đơn vị, cá nhân với số lượng hồ sơ vượt trội; kết quả, đã có 101 gương điển hình xuất sắc được biểu dương.
Đổi mới để tiếp tục lan tỏa
Qua ba lần tổ chức, Danh hiệu “Chất lượng Vàng thủy sản Việt Nam” vẫn khẳng định được sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng những người làm thủy sản. Không phải chỉ là giải thưởng duy nhất của ngành tính đến thời điểm hiện tại, mà đây thực sự “Danh hiệu vàng” đối với các đơn vị, cá nhân khi được kịp thời ghi nhận những cống hiến của họ trong sự phát triển chung của ngành và của nền nông nghiệp nước nhà.
Theo đánh giá chung, giải thưởng đã tạo động lực lớn cho doanh nghiệp, cá nhân, khuyến khích và động viên họ tiếp tục tích cực lao động sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm mang lại hiệu quả kinh tế, tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng và phát triển thương hiệu, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, đưa ngành thủy sản phát triển hiệu quả, bền vững, hội nhập kinh tế quốc tế.
Sự ghi nhận này là hoàn toàn xứng đáng dù vẫn rất nhỏ, bởi chính những đóng góp của các tập thể và cá nhân này đã góp phần đưa ngành thủy sản từ một lĩnh vực sản xuất nhỏ lẻ, nghèo nàn và lạc hậu trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp vào GDP ngày càng lớn và chiếm một vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Đồng thời, góp phần ổn định an sinh xã hội và sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Điều này hoàn toàn phù hợp với tiêu chuẩn xét thưởng Danh hiệu vàng này. Bởi để được ghi danh, các đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp phải đảm bảo 4 tiêu chí: Hiệu quả kinh tế; Hiệu quả xã hội; Ứng dụng khoa học công nghệ; Bảo vệ nguồn lợi và môi trường sinh thái.
Năm nay, ngoài việc lựa chọn top 100 doanh nghiệp, cá nhân tiêu biểu để trao tặng cúp vàng, chứng nhận, thì top 10 cá nhân xuất sắc sẽ được đề nghị Bộ NN&PTNT tặng Bằng khen; và 5 doanh nghiệp ba lần liên tiếp đạt Danh hiệu này sẽ được đề nghị Bằng khen của Chính phủ. Hy vọng với những điểm mới này, Danh hiệu “Chất lượng Vàng thủy sản Việt Nam, lần thứ tư, năm 2017” tiếp tục ghi dấu ấn quan trọng trong một năm hoạt động của toàn ngành.