(TSVN) – Một nghiên cứu mới tại Đan Mạch cho thấy hỗn hợp vi khuẩn từ vi tảo dùng làm thức ăn sống có thể ức chế tác nhân gây bệnh ở cá, mở ra hướng giảm sử dụng kháng sinh trong nuôi thủy sản.
Nuôi trồng thủy sản, giống như các ngành sản xuất thâm canh khác, dễ gặp phải các đợt bùng phát dịch bệnh do vi khuẩn, vốn trước đây chủ yếu được kiểm soát bằng kháng sinh. Tuy nhiên, hiệu quả vaccine trên cá giai đoạn ấu trùng còn hạn chế, trong khi tình trạng kháng kháng sinh ngày càng trầm trọng, buộc giới khoa học phải tìm kiếm các giải pháp thay thế. Một hướng tiếp cận đầy hứa hẹn là sử dụng vi khuẩn có lợi (probiotic) để ức chế mầm bệnh – chiến lược đang được áp dụng ngày càng rộng rãi trong nông nghiệp công nghệ cao và chăn nuôi.
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học nhằm phát triển một phương pháp sinh học kiểm soát dịch bệnh mà không cần dùng đến kháng sinh. Họ xây dựng hệ thống thử nghiệm in vitro để đánh giá khả năng ức chế mầm bệnh của cộng đồng vi khuẩn đi kèm hai loài vi tảo thường được sử dụng làm thức ăn sống trong trại ương thủy sản: Tetraselmis suecica và Isochrysis galbana. Dựa trên giả thuyết rằng sự kết hợp các chủng vi khuẩn có thể tạo ra hiệu quả hiệp đồng cao hơn so với từng chủng đơn lẻ, nhóm nghiên cứu tập trung xác định các tổ hợp vi khuẩn có tiềm năng nhất.
Giáo sư Lone Gram, tác giả chính của nghiên cứu tại Đại học Kỹ thuật Đan Mạch, cho biết: “Để kiểm tra khả năng ức chế mầm bệnh của các cộng đồng vi khuẩn, chúng tôi gắn protein huỳnh quang xanh (GFP) vào vi khuẩn gây bệnh ở cá nhằm theo dõi sự phát triển của chúng. Dựa vào tín hiệu huỳnh quang và mức độ suy giảm của nó, chúng tôi xác định được cộng đồng vi khuẩn nào có khả năng ức chế mầm bệnh.”
Kết quả cho thấy các hỗn hợp vi khuẩn phân lập từ vi tảo có khả năng ức chế sự phát triển của Vibrio anguillarum – một tác nhân gây bệnh phổ biến ở cá nuôi. Đáng chú ý, một số chủng chỉ phát huy hiệu quả kháng khuẩn khi kết hợp với nhau, cho thấy vai trò quan trọng của tính cộng sinh và tương tác trong hệ vi sinh vật.
“Chúng tôi đã chứng minh rằng hệ vi sinh vật đi kèm vi tảo – nguồn thức ăn sống trong nuôi trồng thủy sản – có chứa những cộng đồng vi khuẩn có khả năng ức chế mầm bệnh,” Giáo sư Gram cho biết. “Phát hiện này mở ra triển vọng thiết kế hệ vi sinh vật bảo vệ vật nuôi, giảm phụ thuộc vào kháng sinh và góp phần ngăn chặn sự lan rộng của vi khuẩn kháng thuốc.”
Tuấn Minh
Theo WorldFishing