Người dân nuôi cá lồng bè ở đập phụ thủy điện Sông Tranh 2 (xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My) phản ánh, khoảng một tuần nay cá tự nhiên ở khu vực đập thủy điện chết nổi trên mặt hồ, dạt vào bờ bốc mùi hôi thối.
Cá chết tấp vào bờ đập phụ thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: THANH THẮNG
Người dân cho rằng, cá tự nhiên chết có khả năng do nguồn nước hồ thủy điện bị ô nhiễm. Ông Lê Thịnh Bảo (69 tuổi, thị trấn Trà My, Bắc Trà My) cho biết, gia đình ông nuôi 6 lồng bé cá (gồm diêu hồng, trê, trám) tại khu vực đập phụ thủy điện Sông Tranh 2. Tình trạng cá rô phi bên ngoài chết với số lượng lớn khiến ông rất lo lắng, lo ngại cá nuôi trong lồng bè xảy ra cảnh tương tự. Hiện mỗi ngày ông phải theo dõi sát diễn biến của cá trong lồng bè.
Ông Bảo nói: “Người nuôi cá lồng bè tại khu vực này đang rất lo sợ nguồn nước không đảm bảo. Ngoài ra, cá tự nhiên chết nhiều nhưng không có đơn vị thu gom xử lý khiến môi trường bị ô nhiễm. Rất mong các cơ quan chức năng sớm kiểm tra và tìm hiểu nguyên nhân để người dân an tâm”.
Các hộ nuôi cá lồng bè lo ngại nguồn nước hồ thủy điện ô nhiễm. Ảnh: THANH THẮNG
Ghi nhận của chúng tôi vào chiều 14.7, tại khu vực đập phụ thủy điện Sông Tranh 2, xác cá rô phi đủ kích cỡ tấp vào bờ, đang phân hủy bốc mùi hôi thối. Theo ước tính của người dân, đã có hàng tấn cá chết dạt vào bờ.
Sáng 15.7, ông Huỳnh Ngọc Thiệu – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My cho hay, khi tiếp nhận thông tin cá chết ở đập thủy điện Sông Tranh 2, đơn vị đã cử cán bộ kỹ thuật đến kiểm tra.
Nguồn nước ở khu vực xã Trà Bui chảy vào hồ thủy điện Sông Tranh 2 có màu đen, sủi bọt trắng và mùi hôi. Ảnh: THANH THẮNG
“Đối với 14 hộ dân nuôi cá lồng bè tại khu vực đập phụ thủy điện hiện chưa bị ảnh hưởng, cán bộ kỹ thuật đã hướng dẫn các chủ hộ phương pháp phòng ngừa nếu có trường hợp nước bị ô nhiễm. Lượng cá chết ở khu vực trên không nhiều. Đơn vị sẽ lấy mẫu nước gửi về tỉnh kiểm tra để đánh giá lại môi trường nước trong hồ thủy điện” – ông Thiệu nói.
Thanh Thắng
Theo Báo Quảng Nam