(TSVN) – Xây dựng và phát triển các chuỗi thực phẩm an toàn “Từ trang trại đến bàn ăn” là một giải pháp có tính đột phá và đảm bảo bền vững để quản lý tốt chất lượng, an toàn thực phẩm, đồng thời đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, góp phần bảo vệ sức khỏe cho cả cộng đồng. Với lĩnh vực thủy sản, chiến lược này còn là cơ hội để khẳng định chất lượng sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu ngày một khắt khe từ các thị trường.
Đầu năm 2020, Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra chiến lược “Từ trang trại đến bàn ăn” (Farm to fork), thuộc khuôn khổ của “Thỏa thuận Xanh châu Âu” (European Green Deal) – một chương trình tham vọng nhằm thiết lập một chuỗi sản xuất thực phẩm bền vững, lành mạnh với chất lượng đồng đều đến năm 2050. Mục tiêu cốt lõi là hướng đến đảm bảo an ninh lương thực và sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học. Đồng thời, chiến lược cũng lưu ý đến việc duy trì giá cả thực phẩm phải chăng và mang lại lợi nhuận kinh tế công bằng cho tất cả các bên tham gia.
Chiến lược đặt ra 5 mục tiêu chính cần đạt được vào năm 2030, bao gồm: Giảm 50% việc sử dụng và nguy cơ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học và 50% việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nguy hại hơn; Giảm thất thoát chất dinh dưỡng ít nhất 50% mà vẫn đảm bảo không làm suy giảm độ phì nhiêu của đất; Giảm sử dụng phân bón ít nhất 20%; Giảm 50% doanh số bán thuốc kháng sinh cho động vật nuôi và trong nuôi trồng thủy sản; 25% diện tích đất nông nghiệp được chuyển đổi sang canh tác hữu cơ.
Định hướng ngành thủy sản trong giai đoạn tới phải đi vào chiều sâu để cân bằng giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, thiên nhiên
Hoạt động nuôi trồng thủy sản truyền thống đang góp phần đáng kể vào lượng khí thải nhà kính tại Việt Nam. Vì vậy, việc chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh không chỉ là một yêu cầu cấp thiết mà còn là con đường duy nhất để ngành có thể phát triển bền vững.
Theo Cục Thủy sản, Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm trong việc xuất khẩu thủy sản sang các thị trường khó tính, và việc duy trì và nâng cao tiêu chuẩn an toàn thực phẩm sẽ là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành. Theo đó, các địa phương cần nắm rõ các quy định về an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản của Việt Nam và một số quốc gia nhập khẩu, quy định trong lĩnh vực an toàn thực phẩm tại công đoạn nuôi và an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản.
Toàn bộ chuỗi sản xuất từ trang trại đến bàn ăn bao gồm: nuôi trồng, thu hoạch, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ. Trong công đoạn nuôi kiểm soát con giống, nguồn nước, tác nhân gây ô nhiễm và thuốc kháng sinh. Việc lạm dụng kháng sinh sẽ dẫn đến tồn dư trong nuôi trồng thủy sản không chỉ gây hệ lụy rất lớn đến hệ sinh thái, nguồn nước, mà nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ người sử dụng và mất uy tín của sản phẩm thủy sản trên thương trường.
Định hướng ngành thủy sản trong giai đoạn tới phải đi vào chiều sâu để cân bằng giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, thiên nhiên. Đó là giảm khai thác và chuyển đổi sang nuôi trồng. Tiếp tục phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, tiến tới sản xuất không có phát thải và đảm bảo tuân thủ các định hướng của thị trường trong thời gian tới để chủ động hội nhập. Trong giai đoạn tới có rất nhiều định hướng cần triển khai, từ Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đẩy mạnh triển khai các quy định của pháp luật trong lĩnh vực thủy sản, những mô hình mới, những định hướng mới trong lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thủy sản.
Do vậy, Cục Thủy sản sẽ tiếp tục cùng với các địa phương, hiệp hội ngành hàng và ngư dân trong quá trình thực hiện cũng như tổ chức triển khai để tới đây Việt Nam có vùng biển xanh, sạch đẹp hơn, sản phẩm thủy sản được gắn nhãn xanh trên thị trường quốc tế, đảm bảo cam kết của chúng ta là không có phát thải và bảo vệ môi trường một cách tốt nhất, đồng thời đảm bảo đa dạng sinh học, đời sống của cộng đồng ngư dân ven biển, những người làm ngành thủy sản phải được nâng lên một cách bền vững.
Mới đây, ngân hàng HSBC Việt Nam và Công ty CP Vĩnh Hoàn (thương hiệu hàng đầu trong ngành cá tra) đã tham gia ký kết một thỏa thuận tài trợ tín dụng thương mại xanh. Đây khoản tín dụng xanh đầu tiên mà HSBC Việt Nam cấp cho Vĩnh Hoàn, đồng thời là khoản tín dụng xanh đầu tiên mà ngân hàng tài trợ trong lĩnh vực thủy sản. Hợp đồng được kỳ vọng sẽ khuyến khích các doanh nghiệp khác trong ngành tích cực tham gia quá trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam.
Thông tin tại Hội nghị Bảo vệ môi trường lĩnh vực thủy sản năm 2024 do Cục Thủy sản phối hợp với Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tổ chức diễn ra ngày 20/11 vừa qua cho thấy, vấn đề môi trường trong sản xuất thủy sản là hết sức cấp thiết trong việc hướng đến sản xuất xanh, bền vững và nhận được sự quan tâm của các cấp, bộ, ngành cũng như chính quyền các địa phương.
Điển hình là việc triển khai có hiệu quả Đề án Bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021 – 2030 được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 29/7/2022. Cụ thể, ác tổ chức nghiên cứu khoa học đã chủ động đề xuất, tổ chức nghiên cứu các nội dung kỹ thuật trong hoạt động sản xuất thủy sản theo hướng bền vững; các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản, sản xuất thức ăn có sự quan tâm, chủ động đầu tư xây dựng hệ thống sản xuất xanh, ít phát thải, giảm rác thải; các tổ chức quốc tế phối hợp với các cơ quan quản lý thường xuyên tổ chức truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường ngành thủy sản…
Được biết, Dự án “Ứng dụng hệ thống biogas vào việc xử lý, kiểm soát chất thải trong hoạt động nuôi tôm nước lợ” tại tỉnh Sóc Trăng của Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam, dự kiến giai đoạn 2024 – 2026 triển khai 150 mô hình trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, mô hình “Nuôi tôm tuần hoàn” của Tổ chức GIZ đã triển khai 2 điểm trên địa bàn tỉnh và một số mô hình đã được tỉnh xây dựng và ứng dụng hiệu quả như quy trình nuôi công nghệ cao 2, 3 giai đoạn, nuôi theo VietGAP, công nghệ semi biofloc, nuôi thủy sản kết hợp…
Ngọc Anh
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho rằng, thời gian tới, để thúc đẩy hiệu quả bảo vệ môi trường ngành thủy sản, các bên liên quan cần tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ ưu tiên: phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; mô hình sản xuất thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải… trong các hoạt động sản xuất thủy sản. Cùng đó, phải giảm tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch thủy sản; quan tâm sát sao các hoạt động bảo vệ môi trường tại các cảng cá và trên tàu cá.
Farm to fork có thể hiểu là “tự sản xuất, tự phân phối”, nơi các doanh nghiệp khép kín chuỗi sản xuất thực phẩm nhằm hướng tới một hệ thống cân bằng lương thực, đảm bảo vệ sinh và thân thiện môi trường. Mô hình này bao gồm mục tiêu giảm thiểu tác động đến môi trường và khí hậu nhưng vẫn đảm bảo lợi nhuận kinh tế công bằng cho doanh nghiệp và nông dân.