Hơn 20 bộ tiêu chuẩn khác nhau đang áp dụng cho nuôi trồng thủy sản (NTTS), trong khi lợi ích thật sự mang lại không rõ ràng. Tình trạng chồng chéo các bộ tiêu chuẩn áp dụng gây nhiều khó khăn cho người nuôi.
Hiện nay, có nhiều chứng chỉ đang áp dụng trong nuôi cá tra với hơn 20 bộ tiêu chuẩn như SQF1000, BAP, ACC, GlobalGAP, MSC, ASC… và hàng loạt các tiêu chuẩn chất lượng bền vững cho con tôm đang khiến cả người nuôi lẫn nhà quản lý gặp khó khăn.
Ông Võ Hồng Ngoãn (Bạc Liêu) cho rằng: Việc áp dụng những tiêu chuẩn cho con tôm nuôi chủ yếu được thực hiện tại các doanh nghiệp lớn, bởi những người nuôi nhỏ lẻ không có điều kiện tham gia những chứng chỉ này do chi phí cao.
Áp dụng những tiêu chuẩn chồng chéo khiến người nuôi cá tra càng khó khăn hơn – Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc Hợp tác xã cá tra Thới An, Cần Thơ: Ngành cá tra đang chết dần, trong khi người nuôi tiếp tục lỗ, có xu hướng bỏ ao thì việc áp dụng những tiêu chuẩn chồng chéo trong nuôi cá tra cũng khiến họ càng khó khăn hơn. Tiêu chuẩn của rất nhiều quốc gia nhập khẩu lại dồn lên sản phẩm khiến doanh nghiệp buộc phải áp dụng. Vì nếu doanh nghiệp không theo thì sản phẩm sẽ không thể xuất khẩu tới những quốc gia này. Trong khi tổ chức tiêu chuẩn nào cũng đưa ra lý do phải có mới bán được và giá cao hơn giá thị trường. Nhưng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho biết, giá bán không hơn mà phải phụ thuộc vào giá thị trường, thậm chí còn giảm mạnh.
Theo phân tích của một chuyên gia ngành thủy sản, thị trường có quá nhiều tiêu chuẩn đã dẫn đến sự hỗn loạn và sự thiếu tương thích giữa nhà sản xuất với các thị trường chính. Những chi phí thực hiện tiêu chuẩn không cần thiết (do các yêu cầu chồng chéo, đối kháng nhau) và sự suy giảm niềm tin của người tiêu dùng do những thông điệp thiếu nhất quán.
Trong thời gian tới, nhiều kiến nghị trong việc điều chỉnh hoạt động của các chứng chỉ được thực hiện. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau, ông Châu Công Bằng khẳng định: Việc áp dụng quá nhiều bộ tiêu chuẩn không chỉ gây rối cho người nuôi mà cơ quan quản lý cũng gặp khó khăn trong việc hướng dẫn tập huấn, tổ chức thực hiện. Cụ thể, với việc nuôi tôm tại Cà Mau khi áp dụng tiêu chuẩn VietGAP như hiện nay còn gặp khó khăn do quy trình thủ tục mới ban hành, tập huấn cho cán bộ và người dân chưa đi vào quỹ đạo. Tổ chức chứng nhận sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP vẫn đang trong quá trình thực hiện. Kinh phí cho hoạt động cũng chưa có nhiều, địa phương đã kêu gọi tổ chức Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) hỗ trợ nuôi theo mô hình mẫu với diện tích 10 mẫu tôm. Ông Bằng kiến nghị, về lâu dài, cần phải có cơ quan quản lý Trung ương đưa ra mối quan hệ với thị trường xuất khẩu, đưa ra bộ tiêu chuẩn có thể đáp ứng cho tất cả những thị trường xuất khẩu.
>> Theo ông Võ Hồng Ngoãn, cần sớm áp dụng tiêu chuẩn thống nhất để có thể đáp ứng được yêu cầu thị trường, cũng là việc nên làm để sản phẩm xuất khẩu có thể đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu khó tính nhất. Trước mắt, nên tổ chức nuôi tôm theo quy trình bền vững, an toàn sinh học, không sử dụng kháng sinh, hóa chất cấm. |