(TSVN) – Qua 4 đợt thanh tra, kiểm tra thực tế tại Việt Nam và các cuộc làm việc trực tuyến với Việt Nam, phía EC đã ghi nhận đánh giá cao sự minh bạch, thái độ nghiêm túc, quan điểm của Việt Nam thể hiện trong các báo cáo tiến độ và cho rằng Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong chống khai thác IUU, đặc biệt là trong công tác hoàn thiện thể chế.
Nổi bật đó là việc Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW (Chỉ thị 32), về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản. Chỉ thị xác định, công tác chống khai thác IUU là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trước hết là các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu ở ngành, địa phương có trách nhiệm trực tiếp đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự thống nhất, đồng bộ, quyết tâm cao thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo “thẻ vàng” trong năm 2024.
Chống khai thác IUU là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Ảnh: Lê Thạch
Ngày 31/5 vừa qua, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC) đã tổ chức phiên họp cho ý kiến lần đầu đối với các dự thảo Nghị quyết: Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm quy định khai thác, mua bán và vận chuyển trái phép thủy sản. Ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC chủ trì phiên họp.
Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về hành vi vi phạm trong lĩnh vực khai thác và đánh bắt thủy hải sản gồm 9 điều quy định cụ thể về phạm vi điều chỉnh.
Cụ thể như:
– Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi khai thác thủy sản vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản;
– Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi khai thác thủy sản nguy cấp, quý, hiếm;
– Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi đưa phương tiện giao thông đường thủy để khai thác trái phép thủy sản;
– Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi tổ chức, môi giới đưa phương tiện giao thông đường thủy, ngư dân khai thác trái phép thủy sản ở vùng biển không thuộc quyền quản lý của Việt Nam;
– Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm về lắp đặt, quản lý, sử dụng thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS);
– Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức để đưa phương tiện giao thông đường thủy, ngư dân khai thác trái phép thủy sản ở vùng biển không thuộc quyền quản lý của Việt Nam hoặc vận chuyển trái phép thủy sản.
Theo đánh giá của Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về hành vi vi phạm trong lĩnh vực khai thác và đánh bắt thủy hải sản là vấn đề lớn đối với quốc gia. Đây cũng là một trong những nội dung mà phía EC khuyến cáo Việt Nam trong việc tăng cường xử lý cả về mặt hành chính lẫn hình sự đối với lĩnh vực này (khai thác thủy sản trái phép).
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, đối với vấn đề xử lý vi phạm hành chính, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 49/CĐ-TTg ngày 15/5/2024 yêu cầu tập trung phát hiện, điều tra và xác minh thông tin để xử lý vi phạm quy định về Hệ thống giám sát hành trình tàu cá (VMS). Còn về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm này đang rất được mong đợi bằng việc ban hành Nghị quyết này.
Theo lộ trình, vào tháng 6/2024, với sự tham gia các đơn vị có liên quan như: Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ NN&PTNT, Văn phòng Chính phủ, các Ủy ban của Quốc hội… cùng họp và cho ý kiến lần cuối đối với dự thảo nghị quyết này trước khi ký ban hành.
Trước đó, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy đã ký ban hành Kế hoạch số 1061/KH-TTCP thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP của Chính phủ ban hành chương trình hành động và kế hoạch của Chính phủ triển khai thực hiện Chỉ thị số 32.
Theo đó, Thanh tra Chính phủ yêu cầu tổ chức nghiên cứu, quán triệt các nội dung phù hợp với từng đối tượng, thành phần, nhằm giúp cho cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, người lao động nắm vững, hiểu rõ nội dung cơ bản của Chỉ thị số 32. Việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt phải nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức. Tăng thời lượng đưa tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định về chống khai thác IUU, các vụ việc vi phạm bị truy tố, xét xử, xử phạt vi phạm hành chính. Đồng thời tham gia đóng góp ý kiến trong việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực thủy sản.
Ngoài ra, Báo Thanh tra, Tạp chí Thanh tra, Cổng Thông tin điện tử của Thanh tra Chính phủ tăng thời lượng đưa tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định về chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng”, các tấm gương điển hình, tiêu biểu, phê phán các hành vi vi phạm quy định chống khai thác IUU, các vụ việc vi phạm bị truy tố, xét xử, xử phạt vi phạm hành chính. Tổng Thanh tra Chính phủ giao Vụ I chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế và các đơn vị có liên quan tham mưu giúp lãnh đạo Thanh tra Chính phủ tham gia đóng góp ý kiến trong việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực thủy sản khi có yêu cầu.
Vân Anh