(Thủy sản Việt Nam) – Hàng năm, cứ đến thời điểm cuối năm cá nuôi hay chết hàng loạt do thời tiết, gây thiệt hại cho người nuôi, ảnh hưởng đến nguồn cung cho thị trường. TSVN giới thiệu cùng bà con một số kỹ thuật chăm sóc cá cơ bản trong mùa lạnh.
Tăng cường dinh dưỡng và phòng bện
Ngay từ thời điểm hiện tại, nên tăng cường vỗ béo cho đàn cá vì khi vào mùa đông nhiệt độ xuống thấp cá ngừng ăn. Cho cá ăn đầy đủ thức ăn, bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết, đặc biệt là Vitamin C, nhằm giúp tăng cường sức đề kháng cho cá, với lượng 50-100mg/kg thức ăn (10 ngày 1 lần). Đối với cá nuôi bằng thức ăn công nghiệp thì bổ sung Vitamin C là rất cần thiết (vì Vitamin C dễ bị hao hụt trong quá trình chế biến thức ăn).
Sử dụng thuốc có nguồn gốc thảo dược như tỏi, vừa giúp cá tiêu hóa tốt khi nhiệt độ nước thấp lại vừa phòng ngừa một số bệnh nhiễm khuẩn. Cách dùng: Dùng 50g tỏi tươi giã lấy nước, trộn với thức ăn cho cá ăn, mỗi tuần cho ăn một lần để phòng bệnh.
Thông thường vào mùa đông, chỉ cho cá ăn trong khoảng từ 9 giờ sáng đến 15 giờ chiều hoặc điều chỉnh theo nhiệt độ.
Ngay thời điểm hiện tại, nên tăng cường vỗ béo cho đàn cá Ảnh: Thanh Nhã
Giảm tác động xấu từ thời tiết
Giảm tác động từ môi trường cũng là cách tốt nhất để giữ cá qua mùa lạnh, cụ thể:
– Khi mùa đông đến, cần cấp nước cao hơn mực nước bình thường ít nhất từ 30-50cm. Những ao nuôi vùng núi có thể tận dụng những nguồn nước chảy từ khe núi, suối bổ sung cho ao và giữ ổn định nhiệt.
– Đào rãnh sâu dưới đáy ao (chiều rộng 0,8-1m, độ sâu > 50cm cho cá trú ẩn. Hoặc dùng rơm bó thành bó đóng xuống ao, thả bèo chiếm 2/3 diện tích mặt ao nhằm tạo chỗ trú ẩn cho cá, hoặc có thể dùng bạt che mặt ao khi thời tiết khắc nghiệt như sương muối, rét đậm, rét hại.
– Những lồng bè trên hồ chứa: di chuyển lồng vào nơi kín gió, di chuyển lồng bè đến chỗ nước sâu hơn… Lưu ý: Khi xây dựng ao hay chọn vị trí đặt lồng bè cần tránh những hướng gió mạnh.
– Nhiều địa phương có điều kiện có thể tận dụng nguồn nước nóng từ nhà máy nhiệt điện để lưu giữ cá qua đông.
Phòng và trị một số bệnh động vật thủy sản nước ngọt
Sách gồm 42 trang do Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quốc gia (Bộ NN&PTNT) biên soạn, Nhà xuất bản Nông nghiệp phát hành năm 2010, cung cấp nhiều kiến thức cơ bản về bệnh học thủy sản, cách sử dụng thuốc thú y thủy sản, cách phòng và trị bệnh cho cá nước ngọt từ những bệnh thông thường như nấm, vi khuẩn đến các bệnh nguy hiểm như virus. Bên cạnh đó, sách hướng dẫn cho người nuôi cách phòng và trị bệnh của 3 loài thủy đặc sản là: lươn, ếch, baba.
Quốc Minh