(TSVN) – Trung tuần tháng 5, mặc dù giá tôm đang ở mức cao và độ mặn tại các vùng nuôi đều đã đạt ngưỡng cho phép, thế nhưng, trên khắp các vùng nuôi tôm ở ĐBSCL, không khí mùa vụ vẫn khá trầm lắng. Bên cạnh đó, tình hình thu hoạch tôm cũng không mấy khả quan, dẫn đến nguồn cung tôm nguyên liệu chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Nguyên nhân chủ yếu là do tác động bất lợi từ thời tiết và dịch bệnh khiến tỷ lệ nuôi thành công không như mong đợi.
Thông thường, từ tháng 5 đến hết tháng 8 hàng năm là thời điểm nguồn cung tôm nguyên liệu khá dồi dào, giá tôm sẽ bớt căng thẳng so với những tháng đầu và cuối năm. Tuy nhiên, điều đó đã không lặp lại trong vụ tôm nước lợ năm 2025 này, khi hiện tại đã vào trung tuần tháng 5, nhưng nguồn cung tôm nguyên liệu vẫn còn thấp, giá tôm duy trì ở mức cao. Nguyên nhân chủ yếu là do tác động bất lợi từ thời tiết và dịch bệnh khiến tỷ lệ nuôi thành công không như mong đợi.
Theo ghi nhận tại Sóc Trăng, ở một số vùng nuôi, từ cuối năm 2024 đến tháng 2/2025, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm cao gây bất lợi cho quá trình phát triển của tôm, tôm chậm lớn, dễ mắc bệnh EHP. Còn từ tháng 2 đến nay, tình trạng nắng nóng gay gắt, xen kẽ là những trận mưa trái mùa khá lớn, làm môi trường biến động mạnh, tôm bị tress, nhiều dịch bệnh nguy hiểm như: EHP, phân trắng, đốm trắng, gan tụy cấp,… bùng phát gây thiệt hại cho tôm trong giai đoạn từ thả giống đến 45 ngày tuổi. Trước tình hình trên, một bộ phận người nuôi chưa dám thả giống vụ mới.
4 tháng đầu năm 2025, cả nước thu hoạch 250.500 tấn tôm thương phẩm. Ảnh: PTC
Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Kiên Giang, nắng nóng kéo dài trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 4 đã làm 152,45 ha tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại; trong đó có 134,75 ha tôm nuôi bị nhiễm bệnh; 17,7 ha tôm thiệt hại do sốc môi trường. Bệnh đốm trắng gây chết tôm chiếm gần 94% diện tích tôm bị nhiễm bệnh. Ngoài ra, một số bệnh như hoại tử gan tụy cấp tính cũng xuất hiện trên tôm nuôi, giai đoạn 30 – 40 ngày, làm tôm bị chết rải rác, hao hụt, giảm năng suất và sản lượng, người dân phải thu hoạch sớm, chỉ đủ bù đắp một phần chi phí mua con giống, cải tạo ao nuôi, hoặc mất trắng.
Còn tại tỉnh Trà Vinh, theo ông Trần Trường Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, toàn tỉnh cũng đã có 286 ha tôm sú và 499,1 ha TTCT thiệt hại do bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp và phân trắng.
Theo báo cáo của Cục Thủy sản và Kiểm Ngư, sau 4 tháng đầu năm, cả nước thả nuôi ước đạt 612.019,5 ha tôm nước lợ; trong đó, diện tích thả nuôi tôm sú là 569.257,7 ha và TTCT là 42.761,8 ha. Sản lượng tôm thu hoạch ước đạt 250.500 tấn, trong đó tôm sú đạt 75.000 tấn, TTCT đạt 175.500 tấn. Riêng khu vực nuôi tôm trọng điểm ĐBSCL, ngoại trừ các tỉnh có diện tích nuôi tôm sú quảng canh, quảng canh cải tiến chiếm đa số có tiến độ thả nuôi đạt trên 90% kế hoạch, còn lại các tỉnh có diện tích nuôi TTCT lớn tiến độ thả nuôi nhìn chung vẫn diễn ra khá chậm.
Tỉnh Kiên Giang đã thả nuôi 127.726 ha tôm nước lợ, đạt 93,2% kế hoạch năm 2025; trong đó diện tích tôm nuôi công nghiệp đạt 1.560 ha, tôm – lúa 103.878 ha, tôm quảng canh cải tiến 22.288 ha. Đến nay, sản lượng thu hoạch ước đạt 15.232 tấn.
Tiến độ thả nuôi TTCT ở tỉnh Trà Vinh cũng còn chậm, nhất là nuôi thâm canh mật độ cao. Tính đến hết tháng 4/2025, diện tích thả nuôi tôm sú ước khoảng 17.744 ha, cao hơn cùng kỳ 4.012 ha, đạt 73,94% kế hoạch; diện tích thả nuôi TTCT 4.298 ha, trong đó có 930 ha nuôi thâm canh, thấp hơn cùng kỳ 380 ha, đạt 53,72% kế hoạch. Sản lượng tôm nước lợ ước gần 23.000 tấn.
Riêng Sóc Trăng, tỉnh có diện tích nuôi TTCT lớn nhất khu vực ĐBSCL, tính đến hết tháng 4/2025, diện tích thả nuôi tôm nước lợ mới đạt 12.255 ha; trong đó, TTCT đạt 9.930,9 ha và tôm sú 2.305,5 ha. Tuy nhiên, số diện tích này sẽ được tăng đáng kể trong quý II/2025 vì hiện tại các yếu tố về môi trường, thời tiết và nhất là giá tôm đều đang khá thuận lợi.
Theo nhận định của Sở Nông nghiệp và Môi trường Kiên Giang, từ nay đến hết vụ tôm nước lợ năm 2025, tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến bất lợi, khả năng diện tích tôm nuôi tiếp tục bị dịch bệnh trong thời gian tới là rất cao. Để hạn chế tôm nuôi bị thiệt hại, từ đầu vụ ngành chuyên môn đã phối hợp với các địa phương truyên truyền người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Khuyến cáo người dân vùng nuôi tôm – lúa hạn chế thả giống hoặc chia thành nhiều đợt thả nuôi khác nhau, không thả mật độ cao trong cao điểm nắng nóng. Người dân cần xử lý triệt để mầm bệnh trong ao trước khi thả nuôi đợt mới.
Đối với ao nuôi tôm công nghiệp, các hộ nuôi tăng cường bố trí thêm dàn quạt nước, sục khí thường xuyên để cung cấp đủ ôxy cho tôm. Đồng thời kết hợp sử dụng thêm chế phẩm sinh học giúp ổn định môi trường ao, bổ sung vào thức ăn khoáng chất, vi sinh đường ruột, Vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho tôm.
Bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiếp tục hỗ trợ xét nghiệm miễn phí mẫu bệnh phẩm trên tôm và phát hóa chất Chlorine khi có dịch mới phát sinh; tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh giống tôm kém chất lượng; xử lý nghiêm trường hợp người dân có tôm nhiễm bệnh không khai báo, xả thải ra kênh, rạch làm lây lan dịch bệnh.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Sóc Trăng, bà Quách Thị Thanh Bình cho biết, thời điểm hiện nay, tôm rất dễ mắc các bệnh như: bệnh hoại tử gan tụy cấp, phân trắng, EHP,… nên người nuôi cần đặc biệt quan tâm đến các yếu tố môi trường ao nuôi. Riêng ngành chuyên môn sẽ tăng cường các cuộc hội nghị chuyên đề tại các vùng nuôi tôm trọng điểm, kịp thời thông tin về môi trường nước, thời tiết và dịch bệnh, nhằm đưa ra các giải pháp khuyến cáo kỹ thuật để đảm bảo diện tích nuôi phát triển tốt và hạn chế thiệt hại do dịch bệnh. Cùng với đó là triển khai áp dụng mô hình nuôi theo hướng VietGAP, tổ chức các cuộc hội thảo đầu bờ, tập huấn kỹ thuật; tăng cường xúc tiến thương mại sản phẩm ngành hàng tôm của tỉnh.
Giá tôm sú hiện vẫn cao hơn 50.000 đồng/kg so cùng kỳ năm trước, TTCT tăng từ 2.000 - 8.000 đồng/kg tùy theo kích cỡ. Đây được xem là động lực để giúp người nuôi an tâm thả tôm theo lịch thời vụ đã được khuyến cáo, giúp đẩy nhanh tiến độ thả nuôi, đảm bảo nguồn cung tôm nguyên liệu cho doanh nghiệp chế biến vào cao điểm tới đây.
An Xuyên