Hàng năm, vào mùa mưa bão thời tiết, nhiệt độ thường thay đổi thất thường, mầm bệnh dễ xâm nhập và lây lan ra các ao nuôi thủy sản, ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng và phát triển của vật nuôi, đặc biệt là ở con tôm. Hiện nay người nuôi tôm đang tích cực triển khai tốt các giải pháp để bảo vệ nguồn thủy sản của gia đình.
Bước vào vụ thả tôm vụ 3, gia đình anh Nguyễn Đình Tuấn ở xóm 11, xã Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu, Nghệ An) thả 4.000 m2 giống CP. Vụ tôm này anh Tuấn cũng như các hộ nuôi khác trong toàn xã thường phải đối mặt với các cơn bão, khó khăn trong công tác chăm sóc, bảo vệ tôm trong quá trình phát triển.
Hơn nữa, thời tiết thay đổi đột ngột, môi trường nước không đảm bảo mỗi khi mưa xuống làm cho sức đề kháng của tôm yếu dễ xảy ra dịch bệnh, do vậy anh Tuấn thường sử dụng các loại thuốc chống xốc, khử phèn, kim loại nặng…. Đồng thời, thường xuyên bám sát ao nuôi để khi lượng nước trong ao lớn kịp thời tháo nước ở tầng mặt ao hoặc hút nước đáy ra bớt bên ngoài. Sau đó, tiến hành cấp nước từ ao lắng vào để điều hòa độ mặn ở ao nuôi cho phù hợp.
Việc thường xuyên theo dõi thời tiết để điều tiết nước ở ao nuôi quyết định rất lớn đến hiệu quả vụ nuôi.
Quỳnh Thanh hiện có 75 ha nuôi tôm, trong đó có 38 ha nuôi theo hướng VietGap. Do điều kiện thường có các đợt mưa lớn, mực nước lên cao nên hàng năm tôm vụ 3 toàn xã chỉ thả đạt từ 70 – 75% diện tích.
Để đảm bảo an toàn cho tôm, các hộ nuôi đã tự thành lập 3 tổ cộng đồng hoạt động tình nguyện. Các tổ đã phân công thành viên luân phiên nhau thường xuyên đi kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở các gia đình nâng cao ý thức giữ gìn môi trường nuôi.
Cùng với đó, khi tôm xảy ra dịch bệnh bên cạnh việc kịp thời báo cáo lên cấp trên thì tổ sẽ hướng dẫn hộ nuôi cách xử lý ban đầu để tránh lây lan ra diện rộng. Sau khi mỗi đợt mưa kết thúc, địa phương tuyên truyền cho bà con rắc vôi bột xung quanh bờ để giảm độ phèn.
Đồng thời, ở dưới ao nuôi đánh các vi sinh, các chế phẩm sinh học và bổ sung khoáng chất để tôm cứng vỏ, khỏe mạnh đảm bảo phát triển bình thường. Không những thế, xã cũng nhắc nhở người nuôi cho quạt nước chạy liên tục tránh thiếu ô xy và hiện tượng phân tầng nước trong ao nuôi. Đặc biệt, có nhiều hộ của xã Quỳnh Thanh cũng đã tiến hành giăng lưới phía trên mặt ao ngăn con chim nèn nèn sà xuống bắt tôm và mang mầm bệnh từ vùng nuôi này sang vùng nuôi khác.
Việc chuẩn bị các điều kiện, phương tiện sẵn sàng sẽ giảm thiểu thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản mùa mưa bão.
Ông Hồ Xuân Xuyên – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu cho biết: “UBND xã ra thông báo chỉ đạo cho HTX nuôi trồng thủy sản chỉ đạo bà con thực hiện một số biện pháp để phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa bão. Cụ thể đó là dùng vôi, các chế phẩm sinh học để phòng ngừa cho tôm và làm tốt công tác môi trường xung quanh.”
Cùng với xã Quỳnh Thanh, hiện nay các địa phương có diện tích nuôi tôm như Quỳnh Bảng, An Hòa, Quỳnh Minh… cũng đang tích cực hoàn thiện, bổ sung các biện pháp bảo vệ hồ tôm. Các xã đều chú trọng công tác tu sữa, gia cố những đoạn bờ bị xuống cấp và cống tiêu, thoát nước. Không ngừng kiểm tra chất lượng nước trong ao nuôi để có biện pháp điều chỉnh phù hợp, cân bằng độ PH. Không những thế, chuẩn bị đầy đủ máy nổ, máy phát điện, máy sục khí đề phòng khi mất điện, đảm đảm cho quạt nước được quay thông suốt nhằm cung cấp đầy đủ ô xy cho tôm.
Ông Lê Văn Quyết – Phó chủ tịch UBND xã An Hòa cho biết: “Với diễn biến phức tạp của mưa bão, lũ thì diện tích nuôi trồng thủy sản có nguy cơ bị ngập lớn nhất, gây thiệt hại không nhỏ cho người nuôi. Xác định được điều đó nên xã đã chỉ đạo vùng nuôi nạo vét các kênh mương, khơi thông dòng chảy. Giao trách nhiệm cho cán bộ nông nghiệp theo dõi diễn biến thời tiết để thông báo trên thông tin đại chúng để người nuôi chủ động đối phó nhằm bảo vệ thủy sản nuôi một cách có hiệu quả.”