Chung tay phát triển thủy sản Việt Nam: Bạn bè nước ngoài hiến kế

Chưa có đánh giá về bài viết

Năm 2013, ngành thủy sản Việt Nam sẽ tiếp tục gặp nhiều “sóng gió”. Đây là nhận định của nhiều chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thủy sản tại Việt Nam. Vậy cần phải làm gì để vượt qua những “con sóng dữ” này?

Ông Liou Hai Hua – Giám đốc bộ phận thủy sản Công ty TNHH Uni-President Việt Nam: Cần đa dạng đối tượng nuôi

Trong thời gian tới, ngành thủy sản Việt Nam cần đa dạng đối tượng nuôi, từ các loại cá nước ngọt, nước lợ cho đến nước mặn, đặc biệt hướng đến phát triển các đối tượng nuôi có tiềm năng xuất khẩu như cá chẽm, cá mú… Có như vậy mới có thể điều tiết được sản lượng cũng như giá cả.

Đối với ngành tôm nói riêng, khó khăn lớn nhất vẫn là dịch bệnh. Tỷ lệ nuôi thành công với tôm sú thấp, nguyên nhân chủ yếu là do nguồn tôm bố mẹ không tốt. Tôm bố mẹ được đánh bắt tự nhiên ngoài biển thường đã mang các mầm bệnh, nếu thả nuôi thì rủi ro rất lớn. Để khắc phục tình trạng này phải du nhập nguồn giống được chọn lọc nhân tạo không mang bệnh, tốc độ tăng trưởng nhanh. Hiện, các khu vực thuộc miền Tây và miền Nam đã chuyển dịch đối tượng nuôi từ tôm sú sang tôm thẻ chân trắng. Trên thực tế, quy trình nuôi của hai đối tượng này có nhiều điểm khác nhau, tuy nhiên ở một số nơi, người nuôi lại áp dụng quy trình nuôi tôm sú để nuôi tôm thẻ chân trắng, tỷ lệ thành công thấp hơn so với yêu cầu.

 

Ông Allen Wu – Giám đốc kinh doanh khu vực châu Á – Thái Bình Dương của NutriaD: Dịch bệnh là thách thức lớn nhất

Dịch bệnh trên tôm đã và đang gây thiệt hại lớn cho người nuôi, làm giảm giá trị xuất khẩu, giảm tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đây có thể là thách thức lớn nhất trong năm 2013 nếu tình hình không cải thiện được. Đối với cá tra, giá thấp và hỗ trợ tài chính kém cũng làm cho những người nuôi, doanh nghiệp giảm niềm tin đối với đối tượng này.

Cần nhiều công cụ và công nghệ mới để phòng bệnh cho tôm nuôi. Các biện pháp phòng bệnh cho tôm qua thức ăn cũng cần được áp dụng, bao gồm chất lượng thức ăn, mức độ dinh dưỡng, ức chế trực tiếp vi khuẩn phát triển. Hệ thống nhận biết mật độ (Quorum sensing) ngăn cản ở những nồng độ dưới MIC (nồng độ ức chế tối thiểu), điều phối sức khỏe đường ruột, từ đó giảm thiệt hại do bệnh, giảm tác động nhiễm khuẩn kế phát sau khi nhiễm virus; Tăng cường sức khỏe đường ruột và ổn định hệ vi sinh vật đường ruột (kích thích tăng trưởng tự nhiên)… Hiện tại, APEX® và Sanacore® GM là hai sản phẩm thảo dược có tác dụng làm tăng cường sức khỏe đường ruột vừa đăng ký của Nutriad Việt Nam.

 

Ông Liu Yi Sung – Phó Tổng giám đốc điều hành Công ty TNHH Grobest Industrial Việt Nam: Tìm biện pháp khắc phục EMS

Để khắc phục những khó khăn vướng mắc như trong thời gian qua, cùng với Bộ NN&PTNT, các doanh nghiệp thủy sản cần tiếp tục nỗ lực tìm biện pháp khắc phục EMS. Đồng thời, Chính phủ nên hạn chế nhập khẩu tôm nguyên liệu nhằm bảo hộ cho người nuôi tôm Việt Nam.

Tập Đoàn Grobest đã và đang tích cực nghiên cứu cải tiến công thức sản xuất thức ăn bằng công nghệ sinh học nhằm giảm tối đa chi phí nguyên liệu nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng; Tiếp tục kết hợp với các nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới sớm tìm ra cách khắc phục bệnh EMS; Đưa đội ngũ nhân viên kỹ thuật bám sát từng ao nuôi trên toàn quốc để hỗ trợ và cập nhật kỹ thuật tiên tiến cho người nuôi tôm. Mới đây, Grobest đã thành công trong việc cho ra đời hai sản phẩm là Grobest Green và Vannamei Green giúp tôm sau thu hoạch hoàn toàn không có hàm lượng Ethoxyquin.

Ông Marc Le Poul – Tổng Giám đốc Công ty Tomboy-Skretting Việt Nam: Tăng cường hỗ trợ người tiêu dùng

Thủy sản – ngành kinh tế then chốt đóng góp vào sự phát triển của đất nước vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, nuôi trồng thủy sản Việt Nam vẫn sẵn sàng cho những tham vọng để phát triển tốt hơn và vững mạnh hơn.

Cũng giống như hơn 40 quốc gia trên toàn thế giới mà Skretting đang hoạt động, Skretting cam kết là một đối tác vững mạnh trong việc cung cấp thức ăn chất lượng cao, là nơi người dân có thể tin cậy hoàn toàn vào việc có thể đưa các công nghệ tiên tiến cũng như mang đến thương hiệu quốc tế trong ngành. Hơn cả việc cung cấp thức ăn hiệu quả cao, người nông dân vẫn đang mong muốn tìm được các phương pháp nuôi với chi phí tối ưu mà vẫn đem lại giá trị tốt nhất cho các sản phẩm. Đó là chiến lược mà Skretting đã và đang thực hiện. Điều này không chỉ hỗ trợ cho người nuôi giảm bớt khó khăn trong thời điểm hiện nay, mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam nói chung.

 

 

Ông Flavio Corsin – Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững Hà Lan (IDH): Nên ưu tiên vốn cho các doanh nghiệp có hiệu quả

Có rất nhiều thách thức chồng chéo, như việc tiếp cận vốn đã diễn ra trong vài năm qua và có thể tiếp diễn trong năm 2013. Nhu cầu đối với các sản phẩm được chứng nhận cũng sẽ tiếp tục tăng, sẽ là một thách thức lớn đối với sản xuất quy mô nhỏ. Ngành tôm nuôi hiện vẫn còn bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Các nguyên nhân của Hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính (AHPNS) hay Hội chứng tôm chết sớm (EMS) vẫn chưa được tìm hiểu rõ và vẫn còn ảnh hưởng đến một số hộ nuôi, chủ yếu ở ĐBSCL. Bộ NN&PTNT đã có những nỗ lực kiểm soát sự bùng phát dịch bệnh, nhưng hiện nay vẫn có ít hiểu biết về nguồn gốc, nguyên nhân và biện pháp kiểm soát dịch bệnh này, làm cho đời sống của người nuôi khá khó khăn.

Tiếp cận vốn phải được xử lý xuyên suốt, nên ưu tiên các doanh nghiệp có hiệu quả và giải quyết các rủi ro tốt hơn. Tính bền vững của thực hành sản xuất nên đóng một vai trò nổi bật trong việc tiếp cận các tiêu chí tín dụng. Với cá tra, chúng tôi thấy rằng, phát triển theo hướng sản xuất bền vững. Đối với các ngành khác, như tôm, một số dự án nâng cấp các cộng đồng nuôi tôm quy mô nhỏ để thực hành bền vững hơn, thông qua Thực hành quản lý tốt hơn (BMP) hoặc việc cấp chứng nhận bước đầu thành công. Tuy nhiên, cần giải quyết những thách thức này một cách rộng rãi hơn. Và tôi chắc chắn rằng, nếu các bên liên quan sẵn sàng tham gia và giải quyết những thách thức đó, ngành thủy sản Việt Nam sẽ thành công!

 

Ông Luca Micciche –Trung tâm Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản bền vững (ICAFIS): Báo động đánh bắt quá mức

Đánh bắt quá mức là vấn đề thực tế nhất đối với thủy sản Việt Nam. Nhìn vào khối lượng khổng lồ các tàu cá đánh bắt gần hoặc xa bờ, có thể đoán được cuộc cạnh tranh giữa họ và áp lực mà cả môi trường và đa dạng sinh học đang phải hứng chịu.

Theo tôi, để ngành thủy sản Việt Nam phát triển bền vững trong thời gian tới cần: Khuyến khích sự phát triển của ngành đánh bắt xa bờ, một tiểu ngành bị thống trị bởi các tàu nước ngoài nhằm nâng cao vị thế của đội tàu đánh cá Việt Nam; Cải thiện quy hoạch và quản lý ven biển thông qua các dự án đặc biệt; Khuyến khích nuôi trồng thủy sản bền vững, giới thiệu và tạo điều kiện cho các hoạt động mới như sản xuất vi tảo ở các vùng ven biển; Và điều cuối cùng nhưng không kém quan trọng là trợ cấp cho các hoạt động du lịch và câu cá giải trí ở các vùng ven biển.

 

Ông Trang Giới Thành – Tổng Giám đốc Công ty Khoa kỹ sinh vật Thăng Long: Cần sự nỗ lực từ nhiều phía

2012 là một năm đầy khó khăn và vẫn sẽ tiếp tục đeo bám người nông dân trong năm 2013, bởi: Hội chứng EMS vẫn xảy ra trên tôm sú, tôm thẻ chân trắng, gây tổn thất lớn cho người nuôi. Tuy nhiên, nguyên nhân chưa được xác định; giá vật tư đầu vào liên tục tăng, nền kinh tế thế giới vẫn ảm đạm, giá tôm xuất khẩu khó nâng cao, khiến nuôi tôm giờ đây trở thành ngành “ba lời, bảy rủi, chín lo âu”…

Hạn này quá lớn, muốn “giải” được không thể một sớm một chiều, cần sự nỗ lực từ nhiều phía, nhất là cơ quan quản lý. Riêng Công ty Thăng Long, hiện đã nghiên cứu thành công mô hình nuôi mới áp dụng ương giống bằng Biofloc trong ao nhỏ. Mô hình mới này có thể hạn chế Hội chứng EMS, giúp tôm vượt qua được thời kỳ 30 ngày đầu nguy hiểm. Đồng thời, Công ty sẽ tiếp tục duy trì chất lượng thức ăn, giá bán hợp lý nhằm sát cánh cùng người nuôi để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Hồng Thắm (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!