Chuỗi cung ứng cá tra bền vững

Chưa có đánh giá về bài viết

Chưa bao giờ ngành cá tra khó khăn như hiện nay, người nuôi muốn bỏ ao, doanh nghiệp thua lỗ, giá xuất khẩu sụt giảm mạnh… Một dự án mới vừa được triển khai với kỳ vọng nâng cao tính cạnh tranh của cá tra Việt Nam.

Phương hướng, mục tiêu cụ thể

Xuất phát từ những khó khăn của ngành cá tra Việt Nam hiện nay, Dự án “Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam (SUPA)” có tổng giá trị gần 2,4 triệu euro do Trung tâm Sản xuất Sạch hơn Việt Nam (VNCPC) chủ trì thực hiện, với sự tham gia của VASEP, WWF Việt Nam và WWF Áo đã được khởi động.

Dự án này sẽ hình thành một chuỗi liên kết từ trước khi nuôi cá đến khi tiêu thụ, bao gồm: Trước khi nuôi (các nhà sản xuất thức ăn, ươm cá, sản xuất thuốc và hóa chất); nuôi (các doanh nghiệp nuôi cá, các doanh nghiệp vừa và nhỏ nuôi và chế biến kết hợp); chế biến (các doanh nghiệp chế biến cá, các doanh nghiệp vừa và nhỏ nuôi và chế biến kết hợp); thương mại (các nhà mua và phân phối quốc tế, các nhà thương mại Việt Nam); thị trường cuối (các nhà bán lẻ lớn, các cửa hàng). Không chỉ dừng ở liên kết “3 nhà, 4 nhà” để nâng cao chuỗi giá trị cá tra, phát triển bền vững trước đây thì SUPA sẽ gắn kết các bên liên quan từ người nuôi, doanh nghiệp, nhà nhập khẩu, nhà bán lẻ, nhà máy chế biến đến truyền thông, tổ chức NGO…

Mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu cá tra bền vững – Ảnh: An Đăng

Mục tiêu đến cuối Dự án sẽ có ít nhất 70% doanh nghiệp đạt mục tiêu sản xuất, chế biến cá tra quy mô trung bình và lớn; 30% doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi và trang trại quy mô nhỏ độc lập, chủ động tham gia quy trình sử dụng tài nguyên hiệu quả và sản xuất sạch hơn; ít nhất 50% doanh nghiệp tham gia cung cấp được sản phẩm bền vững, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế cho thị trường.

 

 “Làn gió mới”

Dự án SUPA dự kiến kéo dài từ tháng 4/2013 đến tháng 3/2017, nhằm mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu cá tra bền vững, thân thiện môi trường, mang lại lợi ích kinh tế – xã hội. Dự án được đánh giá là khá toàn diện, giúp đưa ngành cá tra Việt Nam đi đúng hướng, bởi: Đây là dự án đầu tiên tại Việt Nam cho ngành cá tra có phương thức tiếp cận thị trường và người tiêu dùng; đẩy mạnh nhu cầu thị trường về tiêu thụ cá tra phát triển bền vững; tạo dựng thương hiệu tốt cho cá tra, củng cố niềm tin người tiêu dùng;…

Cá tra Việt Nam đã có mặt tại 137 quốc gia và vùng lãnh thổ – Ảnh: Bảo Yến

Với người nông dân, Dự án sẽ tập huấn kỹ thuật nuôi cá, quản lý chất lượng, thu thập thông tin thị trường giúp nông dân. Ngoài ra, nông dân còn được hướng dẫn các kỹ năng như đàm phán hợp đồng mua bán, xúc tiến thương mại với nhà nhập khẩu. Dự án sẽ xây dựng trang trại mẫu, nuôi theo quy trình khoa học, giúp người nuôi tiếp cận công nghệ, tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế.

Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu được tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ quốc tế để thúc đẩy tiêu dùng cá tra tại châu Âu, tăng cường truyền thông đến người tiêu dùng. EU và WWF Áo sẽ nghiên cứu thông tin về thị trường EU cho các doanh nghiệp, tư vấn cách thực hiện để đạt các tiêu chuẩn quốc tế. Doanh nghiệp được hỗ trợ về công nghệ chế biến phụ phẩm từ cá tra, nhằm nâng cao giá trị và đa dạng sản phẩm từ cá tra.

Tuy nhiên, với những “thói quen, tật xấu” vẫn đang tồn tại của ngành cá tra bấy lâu nay như một căn bệnh mạn tính thì rất cần một “làn gió mới” đủ mạnh như một liều thuốc vừa có thể chữa trị dứt điểm, vừa nâng cánh cho ngành cá tra Việt Nam. Hy vọng, ngày đó sẽ không xa.

>> Cá tra Việt Nam đã có mặt tại 137 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm hơn 90% sản lượng cá tra toàn cầu và chiếm 30 – 34% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Tuy nhiên, ngành cá tra đang đối mặt nhiều thách thức cả trong và ngoài nước, như: vấn đề chống bán phá giá, mất cân đối cung cầu, sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu…

Thanh Thủy

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!