Chuyên đề: VietGAP cho cá tra (bài 3)

Chưa có đánh giá về bài viết

Bài 3: VietGAP – Vẫn khó đầu ra Bài 1: Thêm VietGAP, cá tra “được” gì? Bài 2: Gian nan VietGAP  Bài 3: VietGAP – Vẫn khó đầu ra Bài 4: Nuôi cá tra VietGAP khó hay dễ?  Bài 5: Tương đồng và thiết thực… (Thủy sản Việt Nam) – Cá tra là một trong […]

Bài 3: VietGAP – Vẫn khó đầu ra

Bài 1: Thêm VietGAP, cá tra “được” gì?

Bài 2: Gian nan VietGAP 

Bài 3: VietGAP – Vẫn khó đầu ra

Bài 4: Nuôi cá tra VietGAP khó hay dễ? 

Bài 5: Tương đồng và thiết thực…

(Thủy sản Việt Nam) – Cá tra là một trong ba đối tượng nuôi được chọn để áp dụng tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, vấn đề đầu ra cho sản phẩm cá tra VietGAP còn quá nhiều bất cập. Ông Kim Văn Tiêu (ảnh), Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chia sẻ về vấn đề này.

Những ưu điểm của VietGAP so với các tiêu chuẩn khác như ASC, GlobalGAP, MSC là gì, thưa ông?

Áp dụng tiêu chuẩn VietGAP cho con cá tra của Việt Nam cũng thực hiện theo tiêu chuẩn chung, cơ bản của GlobalGAP, ASC… Tuy nhiên, vì GlobalGAP, ASC… là các tiêu chuẩn quốc tế nên bao gồm rất nhiều tiêu chuẩn, chi phí để có chứng nhận rất lớn, gây khó khăn cho việc áp dụng. Hiện nay, người nuôi muốn có chứng nhận MSC (của Hội đồng Bảo tồn biển quốc tế) thì phải trả 100.000 USD ở lần đầu chứng nhận với thời hạn 1 năm và 12.000 USD/năm trong những lần chứng nhận sau; Chứng nhận GlobalGAP mất 8.000 USD cho năm đầu và 2.000 USD cho các năm sau. Do đó, có rất ít doanh nghiệp đầu tư sản xuất áp dụng tiêu chuẩn đó, còn với các hộ nuôi nhỏ lẻ thì đó là một việc rất khó thực hiện được.

Trong khi, VietGAP cho cá tra chỉ gồm 68 tiêu chuẩn và phù hợp điều kiện sản xuất của Việt Nam, bao gồm các tiêu chuẩn chung như an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường, an sinh xã hội, hài hoà với Bộ quy tắc ứng xử về nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm (CoC) của FAO và các tiêu chuẩn quốc tế đang được áp dụng, nên việc triển khai thực hiện sẽ nhiều thuận lợi hơn.

 

Theo ông, doanh nghiệp và người nuôi cần đầu tư những gì để sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP?

Sản xuất cá tra cần sự đầu tư lớn, nếu một ha ao nuôi với sản lượng khoảng 500 tấn, chi phí cả vụ thường lên tới hơn 10 tỷ đồng, đa phần các hộ nuôi đều phải vay vốn ngân hàng. Với chi phí đầu vào (giống, thức ăn, thuốc…) tăng cao như hiện nay, nguồn vốn vay không kịp thời, cá tra thành phẩm thì liên tục rớt giá, đã đẩy người nuôi rơi vào tình trạng khó khăn, thua lỗ.

Cùng đó, việc chuyển đổi từ nuôi cá đơn thuần sang nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP với người dân cũng không dễ, do cơ sở nuôi cá người dân chưa xây dựng ao lắng, ao xử lý nước thải, thói quen sản xuất…, nên nay xây dựng ao nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ rất tốn kém. Do đó, khi tiêu chuẩn VietGAP được ban hành năm 2011, nhiều doanh nghiệp và hộ dân không đủ vốn để cải tạo cơ sở nuôi theo hướng mới, nên việc áp dụng tiêu chuẩn này vẫn còn khó khăn và chưa được nhiều người hưởng ứng.

Việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vẫn còn khó khăn và chưa được nhiều người hưởng ứng – Ảnh: Phan Thanh Cường  

Giá thành sản phẩm cá tra áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP hiện nay thế nào, thưa ông?

Hiện, các sản phẩm cá tra khi đã đạt tiêu chuẩn VietGAP nhưng giá thành sản phẩm lại không cao hơn so với sản phẩm thông thường khác. Người tiêu dùng cũng không phân biệt đâu là sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, đâu là sản phẩm sản xuất theo quy trình cũ, nên việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.

 Một bất cập lớn trong quá trình áp dụng VietGAP vào sản xuất đó là vấn đề đầu ra của sản phẩm, các sản phẩm đạt tiêu chuẩn này đều chưa có tên tuổi riêng, chưa có sự phân biệt và nhận diện rõ ràng, giá bán sản phẩm không chênh lệch. Trong khi, chi phí sản xuất lại cao hơn nhiều, vẫn chưa có sự gắn kết chặt chẽ và hiệu quả giữa sản xuất và tiêu thụ. Điều quan trọng nhất ở đây là giá bán do thị trường quyết định (người mua) chứ không phải người sản xuất hay cơ quan ban hành chính sách, cho nên người sản xuất phải xem xét và tính toán chặt chẽ.

 

Áp dụng tiêu chuẩn VietGAP đã mang lại lợi ích gì trong nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững?

Áp dụng tiêu chuẩn VietGAP sẽ góp phần thay đổi cách nuôi truyền thống có nhiều rủi ro, chất lượng sản phẩm thấp, sang nuôi bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế bệnh dịch, tạo ra sản phẩm sạch hơn. VietGAP sẽ tạo sự liên kết giữa 4 nhà (nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà quản lý) bền chặt hơn giúp quá trình tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi, lợi nhuận trong chuỗi sản xuất được phân phối hợp lý, phù hợp sản xuất lớn hiện nay.

>> “Hiện, các sản phẩm cá tra khi đã đạt tiêu chuẩn VietGAP nhưng giá thành sản phẩm lại không cao hơn so với sản phẩm thông thường khác” – ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết.

Phương Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!