(TSVN) – Nhằm bảo vệ tốt nguồn lợi thủy sản, môi trường, hệ sinh thái, việc chuyển đổi nghề khai thác hải sản vẫn luôn được đặt ra cấp bách. Mới đây, kế hoạch này đã được hiện thực hóa sau Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Trong Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đây, mục tiêu đặt ra là chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi, môi trường, hệ sinh thái sang các nghề khai thác hải sản có ảnh hưởng ít hơn hoặc chuyển đổi một số tàu cá có nghề khai thác hải sản ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi, môi trường, hệ sinh thái sang lĩnh vực khác để từng bước cân bằng lại cường lực khai thác phù hợp với khả năng phục hồi tái tạo nguồn lợi thủy sản; từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả đội tàu cá trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi; cải thiện môi trường làm việc và đảm bảo 100% ngư dân chuyển đổi nghề có việc làm ổn định, thu nhập bảo đảm cuộc sống sau khi chuyển đổi nghề.
Đến năm 2025, số lượng tàu cá được chuyển đổi là khoảng 2.000 chiếc. Trong đó, chuyển đổi 1.000 tàu cá hoạt động ở vùng biển ven bờ (tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6 m đến dưới 12 m); Chuyển đổi 1.000 tàu cá hoạt động ở vùng lộng (tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 m đến dưới 15 m).
Chuyển đổi nghề cho tàu cá để cân bằng cường lực khai thác. Ảnh: ST
Cùng đó, chuyển đổi 700 tàu cá làm nghề lưới kéo khai thác vùng khơi sang các nghề lồng bẫy, chụp, vây, câu, dịch vụ hậu cần; chuyển đối 300 tàu làm nghề lưới rê thu ngừ khai thác vùng khơi sang các nghề lồng bẫy, chụp, vây, câu, dịch vụ hậu cần; tập huấn, đào tạo nghề cho 50.000 ngư dân có tàu cá chuyển đổi nghề phù hợp với nghề chuyển đổi mới.
Giai đoạn đến 2030, số lượng tàu cá phải chuyển đổi là 4.000 chiếc. Trong đó, chuyển đổi 2.500 tàu cá hoạt động ở vùng ven bờ (tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6 m đến dưới 12 m); chuyển đổi 1.500 tàu cá hoạt động ở vùng lộng (tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 m đến dưới 15 m). Đồng thời, chuyển đổi 1.000 tàu làm nghề lưới kéo khai thác vùng khơi sang các nghề lồng bẫy, chụp, vây, câu, dịch vụ hậu cần, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ nuôi trồng thủy sản, nghề cá giải trí; chuyển đổi 1.000 tàu làm nghề lưới rê thu ngừ khai thác sang các nghề lồng bẫy, chụp, vây, câu, dịch vụ hậu cần, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ nuôi trồng thủy sản, nghề cá giải trí; Tập huấn, đào tạo nghề cho 70.000 ngư dân có tàu cá chuyển đổi nghề phù hợp với nghề chuyển đổi mới.
Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam cơ bản hoàn thiện việc chuyển tàu cá làm nghề khai thác hải sản ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi hải sản, môi trường, hệ sinh thái của các vùng biển; góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nâng cao hiệu quả quản lý đội tàu cá, ổn định đời sống của ngư dân; tham gia chủ động, có trách nhiệm để phát triển hiệu quả, bền vững ngành khai thác thủy sản.
Một trong những nhiệm vụ mà Đề án đặt ra là tăng cường quản lý nhà nước. Cụ thể, không cấp văn bản chấp thuận cho đóng mới, cải hoán, thuê, mua đối với tàu cá làm nghề cấm, nghề hạn chế phát triển theo quy định của pháp luật. Cùng đó, không cấp giấy phép khai thác thủy sản cho các tàu cải hoán, đóng mới khi không có văn bản chấp thuận cho cải hoán, đóng mới tàu cá.
Đồng thời, xác định số lượng hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản cắt giảm hằng năm theo loại nghề và bổ sung hợp lý số tàu cá cho phép đóng mới để đảm bảo đội tàu về ngưỡng bằng khoảng 60% số tàu cá hoạt động tại vùng ven bờ, khoảng 70% số tàu cá hoạt động tại vùng lồng, khoảng 90% số tàu cá hoạt động tại vùng khơi so với thời điểm khi bắt đầu thực hiện Đề án…
PV