Chuyển giao công nghệ khuyến nông: Bí quyết “cầm tay chỉ việc”…

Chưa có đánh giá về bài viết

“Cán bộ khuyến nông phải bám sát dân, phải biết cách thuyết phục dân, phải “cầm tay chỉ việc” mới có thể thay đổi nhận thức và thực hành của người dân”. Đó là những bí quyết được Tiến sĩ Phùng Quốc Quảng (ảnh) – Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (KNQG) chia sẻ với Thủy sản Việt Nam về công tác khuyến nông nhân dịp đầu xuân mới.

Qua 20 năm thành lập và phát triển, đến nay, vai trò của Trung tâm KNQG trong ngành nông nghiệp đã được khẳng định. Nhìn lại chặng đường đã qua, ông có chia sẻ gì?

Ngày 1 tháng 3 năm 1993, Chính phủ ban hành Nghị định số 13/NĐ-CP về công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư. Với Nghị định này, Hệ thống Khuyến nông nhà nước ở nước ta chính thức được thành lập. Đây là sự ra đời mang tính tất yếu trong bối cảnh cả nước thực hiện công cuộc đổi mới vĩ đại do Đảng ta khởi xướng từ Đại hội VI.

Trong suốt 20 năm qua, Trung tâm KNQG tiền thân là Ban Khuyến nông (thuộc Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, nay là Bộ NN&PTNT) và Bộ phận Khuyến ngư (thuộc Vụ Nghề cá, Bộ Thủy sản) cùng với Hệ thống Khuyến nông cả nước, được sự hưởng ứng của hàng chục triệu nông dân đã có những đóng góp to lớn vào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nhiệp; xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân trên các vùng, miền.

 

Những năm qua, ngành nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, về dịch bệnh, chất lượng con giống… Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng quan trọng nhất là vấn đề công nghệ. Vậy theo ông, khắc phục tình trạng này như thế nào?

Đúng là vấn đề công nghệ rất quan trọng. Không có công nghệ thì khuyến nông không có gì để chuyển giao. Nhưng có công nghệ rồi thì việc chuyển giao như thế nào cho đạt và có hiệu quả cũng lại là một vấn đề.

Trước hết nói về công nghệ để chuyển giao hay ta vẫn thường nói là tiến bộ kỹ thuật. Thực tế, các tiến bộ kỹ thuật (TBKT) để chuyển giao cho nông dân hiện nay rất thiếu. Các viện, các nhà khoa học nghiên cứu thì nhiều nhưng nghiên cứu xong, nghiệm thu xong thường… bỏ vào tủ. Nguyên nhân là do họ không đi sâu nghiên cứu những vấn đề sản xuất cần, người nông dân cần. Hoặc chỉ nghiên cứu những yếu tố kỹ thuật mang tính đơn lẻ mà không tính đến các vấn đề mang tính tổng thể, như các điều kiện kinh tế, xã hội chẳng hạn… Đấy là chưa nói đến tính nghiêm túc trong công tác nghiên cứu.    

Tiến sỹ Phùng Quốc Quảng trao đổi với nông dân về kỹ thuật nuôi cừu sinh sản ở Ninh Thuận

Có TBKT tốt rồi thì việc chuyển giao là nhiệm vụ của khuyến nông. Cán bộ khuyến nông phải bám sát dân, phải biết cách thuyết phục dân, phải “cầm tay chỉ việc” thì mới có thể thay đổi nhận thức và thực hành của người dân. Trong quá trình chuyển giao, cán bộ khuyến nông cũng cần đúc rút kinh nghiệm và tổ chức các cuộc tham quan, hội thảo để tuyên truyền và nhân rộng.

 

Một vấn đề nữa ở nước ta hiện nay là công tác tuyên truyền, hay nói cách khác là “kênh” để kết nối giữa nhà khoa học và người nông dân vẫn còn hạn chế trong nhiều ngành nghề. Trung tâm KNQG triển khai công tác này thế nào, thưa ông?

Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay thì hoạt động thông tin tuyên truyền rất quan trọng, nhất là thông tin đến người nông dân. Phải thông tin, tuyên truyền như thế nào để nông dân hiểu đúng, làm đúng. Rất tiếc là trong thời gian qua có lúc, có nơi chúng ta thông tin tuyên truyền chưa tốt. Chẳng hạn, tuyên truyền để nông dân “trồng cây gì, nuôi con gì”, chúng ta tập trung “vẽ lên màu hồng” hơi thái quá về những khoản lãi theo kiểu “đếm cua trong lỗ” mà không có phân tích, cảnh báo rủi ro về yếu tố thị trường.

Đối với Trung tâm KNQG, trong thời gian qua, hoạt động khuyến nông nói chung và hoạt động thông tin tuyên truyền nói riêng luôn theo sát định hướng của Bộ NN&PTNT và được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ. Bộ luôn tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, kinh phí hỗ trợ để triển khai các hoạt động. Nhờ đó mà trong 20 năm qua, hoạt động thông tin tuyên truyền của Trung tâm thu được các kết quả rất tích cực. Trung tâm đã tổ chức được 60 hội thi; tổ chức thành công gần 50 hội chợ với gần 7.000 gian hàng nông nghiệp, thu hút hàng triệu lượt người đến tham quan; mở 120 diễn đàn “Khuyến nông @ nông nghiệp”… Ngoài ra, Trung tâm còn in và phát hành Bản tin Khuyến nông Việt Nam với trên 200 số; in và phát hành gần 7.000 đĩa hình và gần 300 đầu sách kỹ thuật. Trang Web Khuyến nông Việt Nam có lượng truy cập nhiều nhất trong số các trang Web của Bộ NN&PTNT (bình quân trên 11.000 lượt truy cập mỗi ngày).

Lãnh đạo Trung tâm KNQG thăm mô hình nuôi cá lồng bè trên sông Kinh Thầy, Hải Duơng

Hàng năm, Trung tâm còn phối hợp với hàng chục cơ quan báo chí, truyền thông đại chúng để tuyên truyền chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn của Đảng và Nhà nước, các TBKT mới, các mô hình hay, các điển hình tiên tiến trong sản xuất…

 

Năm 2013 được dự báo vẫn chưa hết khó của toàn ngành nông nghiệp nói chung; định hướng phát triển của Trung tâm thời gian tới và trọng tâm là gì, thưa ông?

Thời gian tới, Trung tâm sẽ bám sát hơn nữa chiến lược phát triển của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tăng cường khuyến nông áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. 

Đồng thời, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến nông để khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải. Phương thức hỗ trợ khuyến nông cần điều chỉnh theo hướng phân biệt rõ hơn đối với hai nhóm mục tiêu và đối tượng: nhóm hộ nghèo, hộ sản xuất thuộc vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nhóm hộ sản xuất hàng hóa lớn, chủ trang trại.

Trung tâm sẽ tiếp tục cải tiến, đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động để nâng cao hiệu quả công tác. Đa dạng hóa các phương pháp và phương tiện khuyến nông, đặc biệt đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số vào hoạt động tuyên truyền, đào tạo.

Bên cạnh công tác phổ biến, chuyển giao khoa học, công nghệ, hoạt động khuyến nông cần tăng cường bồi dưỡng kiến thức tổ chức quản lý nông trại, kiến thức kinh doanh, cung cấp thông tin, tăng cường kết nối các đối tác trong chuỗi giá trị hàng hóa nông sản, giúp nông dân chủ động tham gia thị trường công nghệ, vật tư và nông sản để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

>> Năm 2013, tổng kinh phí khuyến nông trung ương được phân bổ là 267,29 tỷ đồng. Trong đó, dự án khuyến nông trung ương là 213,444 tỷ đồng với 103 dự án (chiếm 80%); nhiệm vụ khuyến nông thường xuyên là 48,500 tỷ đồng (chiếm 18%); 5,346 tỷ đồng dành cho công tác quản lý và kiểm tra .

Thu Hồng (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!