Cơ hội đầu tư ở vựa thủy sản quốc gia

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thủy sản ở ĐBSCL đã phát triển mạnh hơn 20 năm qua, giá trị sản xuất tăng bình quân mỗi năm 11,1%. Các sản phẩm trong vùng khá đa dạng, mà chủ lực là cá tra và tôm nước lợ. Hiện nay, trong bối cảnh có nhiều thách thức thì cũng mở ra không ít cơ hội mới, như Hội nghị xúc tiến đầu tư thủy sản do Bộ NN&PTNT tổ chức cuối tháng 10/2023 ở Cần Thơ nhận định.

Nhu cầu ở địa phương 

Tỉnh Đồng Tháp có diện tích nuôi cá tra lớn nhất nước ta, năm 2022 thả nuôi 2.450 ha, sản lượng trên 505.000 tấn, tạo ra 8.232 tỷ đồng. Trong đó có 62% diện tích là vùng nuôi thuộc các doanh nghiệp, 38% diện tích là các hộ nuôi cá thể có liên kết đầu vào và liên kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp, cung cấp trên 92% nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. 

Hiện, Đồng Tháp đã có 379 cơ sở nuôi cá tra thương phẩm được cấp mã số nhận diện  ao nuôi với diện tích trên 1.627,6 ha mặt nước, trong đó có 661,7 ha của 24 doanh nghiệp và 965,9 ha của hộ cá thể. Trên 42% diện tích thả nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC và tương đương. Toàn tỉnh có 1.080 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra, sản xuất được 14 tỷ cá tra bột và 1,4 tỷ cá tra giống, cung ứng đủ nhu cầu cho người nuôi trong tỉnh và các tỉnh khác. 

Trong tỉnh có 30 nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu, công suất trên 530.000 tấn thành phẩm/năm, đáp ứng các điều kiện BRC, ISO, HACCP… Hầu hết phụ phẩm từ cá tra được chế biến ra những sản phẩm giá trị gia tăng với công suất 350.000 tấn/năm, hàng năm cho ra thị trường 80.000 tấn bột cá, mỡ cá; khoảng 1.800 tấn collagen và 17.700 tấn dầu cá. Có 34 nhà máy chế biến thức ăn thủy sản, công suất 3,9 triệu tấn, đáp ứng nhu cầu các vùng nuôi trong tỉnh. 

Hiện nay, Đồng Tháp khuyến khích phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả, bảo vệ môi trường sinh thái và an toàn dịch bệnh. Ưu tiên thực hiện Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất giống cá tra tập trung 469 ha ở các huyện Cao Lãnh, Tân Hồng, Lấp Vò, Châu Thành và TP Hồng Ngự. Khuyến khích phát triển chuỗi liên kết bảo đảm chất lượng, giá trị gia tăng cao. 

Còn tỉnh Sóc Trăng đã phát triển tôm nước lợ từ cung ứng giống đến nuôi trồng, chế biến xuất khẩu khá sớm ở ĐBSCL. Trong đó có 9 doanh nghiệp lớn chuyên chế biến xuất khẩu tôm, chiếm 75% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh. Tuy nhiên, các khâu giống và thức ăn nuôi tôm tại tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu và đang được khuyến khích đầu tư nâng cao sản lượng cũng như chất lượng. 

Sản lượng tôm nuôi hằng năm ở Sóc Trăng khoảng 200.000 tấn, cần 240.000 – 250.000 tấn thức ăn (FCR 1.2 – 1.3), hiện chủ yếu do ngoài tỉnh cung cấp. Nên tỉnh đang ưu tiên đầu tư nhà máy sản xuất thức ăn cho tôm tại địa bàn. Về giống tôm nước lợ, nhu cầu hàng năm 18 – 20 tỷ con, trong tỉnh mới có 2 doanh nghiệp đăng ký sản xuất là Công ty Việt Úc và Công ty TNHH Bình Minh, chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu. Sóc Trăng đang kêu gọi đầu tư sản xuất giống tôm nước lợ ở khu “Nuôi tôm công nghệ cao, sản xuất tôm giống” tại huyện Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu. 

Yêu cầu phát triển hiện đại 

Số liệu của Cục Thủy sản, năm 2022 diện tích nuôi cá tra toàn vùng 5.500 ha và sản lượng đạt 1,6 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu 2,4 tỷ USD. Nuôi tôm nước lợ 628.200 ha chiếm 85,5% diện tích nuôi tôm nước lợ của cả nước, sản lượng 899.000 tấn, chiếm 87,8% sản lượng cả nước, kim ngạch xuất khẩu đóng góp hơn 80% vào 4,3 tỷ USD của cả nước. 

Về sản xuất giống, kết quả 9 tháng đầu năm 2023, toàn vùng ĐBSCL có 2.820 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra, đã cung cấp 1,395 tỷ con cá giống. Đối với tôm nước lợ, toàn vùng có 809 cơ sở sản xuất ương dưỡng, chiếm 65,5% tổng số cơ sở của cả nước (1.236), sản xuất được 51,439 tỷ con giống, chiếm 47,4% sản lượng giống của cả nước (108,487 tỷ con). 

Nhiều nơi ở ĐBSCL đã ứng dụng các công nghệ nuôi tiên tiến như nuôi tuần hoàn, nuôi nước chảy, nuôi trong nhà, kỹ thuật Biofloc. Các địa phương đều có nhiều hệ thống nuôi tuần hoàn (RAS); công nghệ Biofloc, nuôi nhiều giai đoạn, nuôi trong nhà màng, nuôi ghép và nuôi kết hợp, nuôi sạch. 

Tiến bộ trong nghiên cứu rõ rệt nhất là chủ động được công nghệ sản xuất giống, chuyển giao sản xuất nhân tạo nhiều giống, loài thủy sản để cung cấp cho nuôi thương phẩm. Kết quả không chỉ làm đa dạng hóa các đối tượng nuôi mà còn làm tăng số lượng sản phẩm có giá trị kinh tế cao, tạo ra bước nhảy vọt cho nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS) nước ta và ĐBSCL, đặc biệt là nghề nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, cá biển. 

Tuy nhiên, Cục Thủy sản cũng chỉ ra, nhìn chung công nghệ sản xuất giống thủy sản vẫn chưa đủ khả năng tạo lập được bộ giống mới đáp ứng các yêu cầu về sạch bệnh, kháng bệnh, tỷ lệ sống cao, tốc độ tăng trưởng nhanh. Chất lượng giống tốt, sạch bệnh còn chiếm tỷ lệ thấp, đàn tôm sú bố mẹ còn phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, đàn tôm thẻ chân trắng bố mẹ còn phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu; cá tra bố mẹ chưa được chọn lọc để cung cấp đủ cho các cơ sở sản xuất. Nền sản xuất đang manh mún, vẫn còn nhiều cơ sở nuôi nhỏ lẻ, chưa tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Liên kết trong sản xuất theo chuỗi còn rất nhiều hạn chế dẫn đến hiện tượng “được mùa mất giá” ở nhiều nơi. Từ đó, nhu cầu hiện đại ngành NTTS ở ĐBSCL đã đặt ra cấp thiết và mở ra nhiều cơ hội đầu tư. Nhất là đầu tư phát triển NTTS theo vùng sinh thái, xây dựng các vùng nuôi tập trung thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Theo Cục Thủy sản, ưu tiên đầu tư hoàn thiện hệ thống công trình thủy lợi để chủ động cấp nước; nâng cấp đê bao, bờ bao ở các vùng nuôi trồng tập trung. Đầu tư hạ tầng vùng chuyển đổi sang NTTS, ưu tiên đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng ở những vùng nuôi tôm nước lợ, vùng chuyển đổi từ trồng lúa sang tôm nước lợ. Đầu tư hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường nước ở các vùng NTTS tập trung, đảm bảo quan trắc kịp thời biến động môi trường, thông tin, cảnh báo cho cơ quan quản lý thủy sản, các cơ sở nuôi trong vùng. 

Ưu tiên đầu tư hạ tầng vùng sản xuất giống cá tra tập trung tại Đồng Tháp, An Giang; vùng sản xuất giống TTCT tại Bạc Liêu; vùng sản xuất giống tôm sú tại Cà Mau; vùng sản xuất giống phục vụ nuôi biển tại Kiên Giang. 

Ngọc Duyên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!