Cơ hội cho mô hình nuôi tôm trên cát

Chưa có đánh giá về bài viết

Nuôi tôm trên cát được đánh giá là đưa công nghiệp vào sản xuất nông nghiệp mang lại giá trị cao trên đơn vị diện tích, nhằm chuyển dịch cơ cấu nghề theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng giá trị xuất khẩu cho nhiều tỉnh ven biển. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã nảy sinh nhiều tác động. Chia sẻ về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Tấn Ban – Sở NN&PTNT Khánh Hòa.

Trong nhiều năm trở lại đây, nhiều tỉnh ven biển của Việt Nam, đặc biệt là tại miền Trung đẩy mạnh phát triển mô hình nuôi tôm trên cát và ít nhiều đã có những thành công, nhận định của ông về vấn đề này?

Trong những năm gần đây, nhiều tỉnh ven biển của Việt Nam, đặc biệt là khu vực miền Trung phát triển mô hình nuôi tôm trên cát như các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận… bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế nhất định cho người nuôi.

Nuôi tôm trên cát được tiến hành theo hình thức nuôi tôm công nghiệp với qui trình kỹ thuật nuôi tôm thâm canh, thả nuôi với mật độ cao. Nguồn nước nuôi là nước biển và nước ngầm được bơm từ các hệ thống giếng khoan với độ sâu tùy theo nhu cầu về độ mặn trong quá trình nuôi. Hệ thống ao được bọc bạt hoàn toàn, nên không có hiện tượng nước thẩm lậu, môi trường nước ít bị ảnh hưởng của môi trường chất nền đáy do đó hạn chế được sự lây truyền mầm bệnh theo chiều ngang.

Một số mô hình nuôi tôm trên cát đã tạo được bước đột phát về năng suất và sản lượng nuôi, với năng suất từ 10 – 14 tấn/ha/vụ, đối với phương thức nuôi này có thể nuôi 2 – 3 vụ/năm. Các dự án NTTS với diện tích lớn (20 – 50 ha hoặc hơn) đã góp phần không nhỏ cho việc sử dụng nguồn lao động nông thôn, đồng thời tạo nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu.

Mô hình nuôi tôm trên cát đã có những thành công bước đầu – Ảnh: Huy Hùng

Tại Thừa Thiên – Huế, nuôi tôm trên cát theo hướng bền vững được xem là một hướng đi cần tập trung khai thác trong chương trình xây dựng nông thôn mới, thay vì hình thức đánh bắt tự nhiên trên vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai. Năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012, tại các tỉnh khu vực miền Trung nuôi tôm gặp rất nhiều khó khăn và bị thiệt hại do hiện tượng bệnh dịch thì Thừa Thiên – Huế vẫn có một sản lượng tôm đáng kể (nuôi tôm trên cát) cung cấp cho các nhà máy chế biến phía Bắc.

Tuy nhiên, để nuôi tôm trên cát mang tính bền vững và hiệu quả cần phải quy hoạch vùng nuôi, quy định chặt chẽ về quản lý nguồn nước ngầm, về điều kiện nuôi trồng của các hệ thống này để việc nuôi tôm trên cát không trở thành “lợi bất cập hại” như hiện nay.

 

Mặc dù được đánh giá hiệu quả bước đầu, nhưng nhiều chuyên gia lo ngại về hậu quả của mô hình này, đặc biệt về môi trường và nguồn nước ngầm. Tình trạng này có nghiêm trọng không, thưa ông?

Nghiêm trọng. Như đã đề cập ở trên, bên cạnh hiệu quả mang lại từ mô hình nuôi tôm trên cát thì vấn đề đáng lo ngại nhất là sự ô nhiễm môi trường nước biển ven bờ và mặn hóa nguồn nước ngọt.

Việc khai thác nước ngầm cho việc nuôi tôm: Hầu hết các hộ không sử dụng nước mặt (lấy nước biển tự nhiên) mà sử dụng nguồn nước ngầm để nuôi tôm. Trung bình mỗi hộ nuôi có khoảng 3 – 5 giếng khoan, độ sâu của các giếng này tùy theo nhu cầu độ mặn trong quá trình nuôi. Do đó, lượng nước ngầm phục vụ nuôi tôm tương đối lớn, mà vùng cát ven biển thường có trữ lượng nước ngầm thấp, nếu lạm dụng quá mức dễ dẫn đến lún sụt địa tầng và tăng sự xâm nhập mặn lấn sâu vào khu vực nội đồng.

Vấn đề xả thải từ ao nuôi tôm:Hiện tại, việc qui hoạch vùng nuôi triển khai chưa đồng bộ, việc xả nước thải từ các ao nuôi tôm tại khu vực nuôi thâm canh nếu không được quản lý và kiểm soát sẽ làm ô nhiễm nguồn nước ngầm, nguồn nước biển, ảnh hưởng môi trường tự nhiên ven bờ. Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ nuôi vùng kế cận mà còn ảnh hưởng đến hoạt động nuôi thủy sản lồng bè ở khu vực biển tiếp giáp.

Ngoài ra, phong trào nuôi tôm trên cát phát triển mạnh trong bối cảnh tự phát dễ dẫn đến tình trạng rừng phòng hộ/ngập mặn có thể bị thu hẹp, ảnh hưởng trực tiếp đến dân sinh. Hơn nữa, việc xả nước thải trực tiếp ra môi trường xung quanh gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, làm phát sinh và lây lan dịch bệnh cho tôm nuôi. Một số khu vực bãi ngang, do địa hình phức tạp, việc đặt hệ thống cấp nước vô cùng khó khăn, nếu tính toán không kỹ dễ dẫn đến tình trạng xây dựng xong không sử dụng được hoặc thời gian sử dụng quá ngắn so với kinh phí đầu tư.

 

Và nếu “không thể cản được” thì để đảm bảo phát triển hài hòa, mô hình nuôi tôm trên cát cần những điều kiện gì, thưa ông?

Theo tôi được biết, ở một số tỉnh miền Trung cũng rất quan tâm đến việc kiểm soát hoạt động nuôi tôm trên cát. Ví dụ, tỉnh Quảng Nam đã ra Quyết định số 1514/QĐ-UBND ngày 11/5/2009 của UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch ngắn hạn nuôi tôm thẻ chân trắng trên vùng đất cát ven biển của huyện Thăng Bình. Đồng thời Chi cục NTTS Quảng Nam có văn bản hướng dẫn nuôi tôm chân trắng trên vùng cát.

Riêng tại Khánh Hòa, vấn đề nuôi tôm trên cát rất được quan tâm. Với hệ thống cơ quan quản lý nhà nước chặt chẽ (UBND huyện/thị/thành phố, các Ban Quản lý Khu kinh tế biển, Sở Tài nguyên Môi Trường, Sở NN&PTNT…) cùng với đội ngũ cán bộ quản lý đảm bảo khả năng kiểm soát được vấn đề này trên phương diện cơ sở khoa học cũng như trên thực tế. Về phía Sở NN&PTNT Khánh Hòa, chúng tôi nhận thấy được mặt trái của phương thức nuôi tôm trên cát và các bài học kinh nghiệm của các tỉnh bạn, Sở đã chỉ đạo cho Chi cục NTTS thực hiện việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ các vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh, đặc biệt là vấn đề nuôi tôm trên cát.

Đối với những đơn vị có nhu cầu phát triển mô hình nuôi tôm trên cát thì cần giải trình được vấn đề không gây ô nhiễm môi trường nước biển ven bờ và mặn hóa nguồn nước ngọt, đảm bảo sự hài hòa về lợi ích kinh tế – xã hội cho người dân địa phương.

 

Vậy theo ông, trong thời gian tới, chúng ta có nên chủ trương phát triển mở rộng mô hình này không?

Để trả lởi cho câu hỏi này, cần phải đặt lợi ích và mặt trái của mô hình lên bàn cân để tính toán. Đồng thời, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương: điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế – xã hội, đã có quy hoạch chi tiết cho vùng nuôi, đối tượng nuôi và hình thức nuôi trên cát chưa? Có báo cáo về đánh giá tác động môi trường, đánh giá trữ lượng nguồn nước ngầm tại địa phương…

Nhưng về phía Sở chủ quản nhận thấy, mô hình này tuy có mang lại lợi ích về kinh tế trước mắt nhưng về lâu dài nếu có chủ trương phát triển cần phải có các quy định quản lý cụ thể. Bởi nếu không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng như đã phân tích ở trên. Do đó, theo tôi không khuyến khích phát triển mở rộng mô hình này.

Hiện nay tại Khánh Hòa, một số đơn vị có nhu cầu nuôi tôm trên cát tại bãi cát ven biển khu vực xã Vạn Thạnh và Vạn Thọ (huyện Vạn Ninh) như Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Dũng Hoa và một số hộ nuôi tôm có nhu cầu muốn chuyển đổi từ nuôi tôm kiểu truyền thống sang nuôi tôm trên cát tại xã Vạn Thọ. Tuy nhiên, Sở NN&PTNT Khánh Hòa không đồng ý cho phép nuôi tại khu vực này vì những vấn đề đáng lo ngại như đã nói.

Trân trọng cảm ơn ông!

>> Việc nuôi tôm trên cát hiện nay không được quản lý một cách chặt chẽ về quy hoạch, về việc sử dụng nguồn nước ngầm, điều kiện vệ sinh thú y trong nuôi thương phẩm. Các hộ nuôi tôm trên cát đang xả thải không theo quy định làm ô nhiễm vùng nước biển ven bờ cũng như gây thiệt hại cho các hộ nuôi tôm theo hướng truyền thống (lấy nước biển tự nhiên) ở các vùng trung triều.

Hồng Hà

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!