Ngày 9/6, tại TP Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám chủ trì Hội nghị Ban chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL và triển khai Nghị định 36/2014/NĐ-CP (NĐ 36).
NĐ 36 có hiệu lực thi hành từ 20/6/2014, là công cụ pháp lý cần thiết, tạo cơ chế để có thể kiểm soát sản xuất, giám sát tình hình tiêu thụ sản phẩm, khắc phục các bất cập, vướng mắc thời gian qua; đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngành hàng liên quan trong quá trình sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá tra.
Cần chấn chỉnh
Theo các tỉnh có vùng nuôi cá tra ở ĐBSCL, đến cuối tháng 5/2014 toàn vùng thả nuôi 2.954 ha, giảm 19% so cùng kỳ năm trước; trong đó thu hoạch 1.487 ha (giảm 13%), sản lượng 335.023 tấn (giảm 19,7%). Giá bán cá tra nguyên liệu có chuyển biến: Tháng 1/2014 giá 21.000 – 23.000 đồng/kg; nhưng từ tháng 2 tăng lên và đạt đỉnh vào tháng 4 với 27.000 đồng/kg, người nuôi bắt đầu có lãi. Tuy nhiên, hiện thị trường xuất khẩu chững lại nên nhu cầu mua cá của doanh nghiệp chế biến giảm, giá cá tra loại 0,8 – 0,85 kg/con chỉ còn 22.000 – 23.000 đồng/kg.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Tính đến cuối tháng 4/2014, xuất khẩu cá tra đạt giá trị trên 546 triệu USD, tăng 2,1% so cùng kỳ năm 2013. Xuất khẩu sang hai thị trường chính EU và Mỹ giảm nhưng các thị trường khác phát triển ổn định. Với sản phẩm xuất khẩu chủ yếu cá tra fillet đông lạnh, nguyên con, chiếm 99,3% tổng khối lượng; còn lại hàng chế biến giá trị gia tăng.
Cũng theo VASEP, trong lúc giá cá tra xuất khẩu chưa tăng, hoạt động sản xuất và tiêu thụ cá tra trong nước lại chịu tác động giá vật tư đầu vào tăng và một số doanh nghiệp cạnh tranh thiếu lành mạnh; một số đơn vị hạ giá bán, mua nhỏ giọt để ép giá, việc ký hợp đồng với người nuôi lỏng lẻo… Do vậy, NĐ 36 ra đời được kỳ vọng sớm chấn chỉnh những bất cập vừa qua.
Chặng đường mới
Năm 2014, Ban chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra đặt mục tiêu ổn định diện tích và sản lượng nuôi. Thế nhưng khi bàn giải pháp thực hiện NĐ 36, một số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản chưa hết băn khoăn.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch VASEP cho biết, về quy hoạch, quản lý cân đối cung – cầu, quy hoạch theo địa giới hành chính, theo sản lượng hay quy hoạch trên diện tích vùng nuôi, cần làm rõ và có biện pháp chế tài trong kiểm soát. Đại diện một số doanh nghiệp đề nghị quy định rõ tỷ lệ mạ băng, thống nhất phương pháp, chỉ tiêu chất lượng, công khai thông tin và chịu trách nhiệm ghi trên bao bì…
TS Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng, qua 4 tháng đầu năm giá cá đã chấm dứt chu kỳ suy thoái; nhu cầu mua cá đang được cải thiện, giá mua trên ngưỡng giá thành. Tình hình sản xuất, tiêu thụ cá phần nào ổn định nhờ thực hiện các biện pháp chỉ đạo của Chính phủ. Hiện, Hiệp hội đã chuẩn bị nhân sự sẵn sàng, đảm bảo đủ năng lực kiểm tra, giám sát các hoạt động theo NĐ 36 về điều kiện sản xuất, xuất khẩu cá tra và sắp tới thực hiện theo quy chế Bộ Tài chính xây dựng quy trình, phương pháp tính phí giá thành, tiến tới công bố giá sàn cá tra.
>> Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám: NĐ 36 giúp ngành cá tra có hành lang pháp lý thuận lợi quản lý toàn bộ chuỗi sản xuất. Tuy nhiên, cần đưa ra những kế hoạch cụ thể nhằm quản lý ngành hàng cá tra thật tốt, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp và người nuôi. Tháng 7 tới, Bộ sẽ ban hành quy hoạch tổng thể vùng nuôi cá tra; chậm nhất đến cuối năm 12/2014 các địa phương ban hành quy hoạch chi tiết. |