Có “phao” 9.000 tỷ, vẫn mừng ít lo nhiều

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Chính phủ vừa thông qua gói hỗ trợ 9.000 tỷ đồng để cứu ngành cá tra. Chưa biết “chiếc phao” này cứu được những ai, nhưng xem ra các doanh nghiệp và người nuôi đều có chung tâm trạng: mừng ít, lo nhiều.

Người nuôi hy vọng được cứu

Sau nhiều lần thắng, bại, hiện nay người nuôi cá tra có hai dạng, một là hộ nuôi tư nhân, hai là dạng liên kết với doanh nghiệp. Dù người nuôi cá ở dạng nào, trong bối cảnh ảm đạm của ngành cá tra hiện nay thì vẫn khổ như nhau. Bởi thế, khi gói hỗ trợ 9.000 tỷ đồng được Chính phủ thông qua để cứu ngành cá tra thì người nuôi cá là vui nhất, vì “người bạn” của họ sẽ được giải cứu.

Chị Nguyễn Thị Kim – một hộ nuôi cá tra ở Cồn Khương (Cần Thơ) cho biết: “Gia đình nuôi có 5 ao thôi nhưng tính ra cũng gần 1.000 tấn cá, điều này đồng nghĩa với việc hàng chục tỷ đồng nằm dưới ao. Nhưng khổ nỗi, hơn phân nửa là vốn vay ngân hàng. Bởi thế, nghe tin Chính phủ hỗ trợ 9.000 tỷ đồng với lãi suất 11,4% năm thì cũng là điều tốt từ trước đến nay!”.

Đuối sức vì giá cá giảm, vốn vay khó tiếp cận

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX Thủy sản Thới An cho biết, cuối cùng “đứa con thứ 3” của ngành nông nghiệp đã được Chính phủ giải cứu. Dù chưa biết hiệu quả thế nào nhưng người nuôi cá đã thấy nhẹ nhõm, chỉ mong các doanh nghiệp khi tiếp cận nguồn vốn nhanh chân đến thu mua cá của dân.

 

Tiếp cận vốn khó hay dễ?

Gói hỗ trợ 9.000 tỷ đồng này Chính phủ giao cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam cùng các ngân hàng thương mại cho các doanh nghiệp vay với lãi suất 11,4%/năm, thời gian vay 4 tháng.

Khác với tâm trạng của người nuôi cá, nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra cho rằng gói hỗ trợ 9.000 tỷ đồng của Chính phủ cứu ngành cá tra lúc này khó đạt kết quả như ý. Bởi thế, nhiều doanh nghiệp e dè cho rằng cuộc chiến chỉ mới bắt đầu, vì “chiếc bánh” quá nhỏ so với cơn khát vốn của hàng trăm doanh nghiệp và người nuôi trồng.

Ông Nguyễn Xuân Hải, đại diện Công ty CP Cửu Long (An Giang) cho rằng, thời gian vay 4 tháng là quá ngắn, ít nhất cũng phải 7 – 8 tháng hoặc 1 năm. Vì 4 tháng chỉ đủ doanh nghiệp đi mua cá về chế biến. Nếu trong 4 tháng doanh nghiệp may mắn bán được cá thì lỡ có trục trặc trong khâu xuất hàng hoặc thanh toán của nhà nhập khẩu, chẳng biết lấy tiền đâu mà trả cho ngân hàng. Hiện, nhiều doanh nghiệp không chỉ lo vấn đề thời gian vốn vay của gói hỗ trợ mà điều họ lo nhất là làm sao tiếp cận được nguồn vốn này.

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương Cần Thơ nhận định, gói hỗ trợ này quá nhỏ so với tổng lượng doanh nghiệp và người nuôi cá ở ĐBSCL. Vì thế, nói là gói hỗ trợ giải cứu ngành cá tra như hiện nay là không khả quan. Bởi theo tính toán, cứ 100 tấn cá tra nông dân lỗ 200 – 300 triệu đồng. Như vậy, với mức lãi suất 11,4%/năm thì tiền bán cá chỉ đủ trả lãi suất ngân hàng.

Đại diện người nuôi và HTX Thủy sản Thới An, ông Nguyễn Ngọc Hải cho biết, hơn ai hết, người nuôi cá rất mong doanh nghiệp sẽ nhanh chóng tiếp cận được vốn hỗ trợ của Chính phủ. Tuy nhiên, mối “thâm tình” giữa doanh nghiệp và ngân hàng như hiện nay vẫn còn nhiều lấn cấn về quy định cho vay. Ngoài ra, thực tế có nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đáo hạn vốn vay cũ thì làm sao có “hồ sơ đẹp” để vay vốn mới, dù nguồn vốn đó là nguồn vốn hỗ trợ từ Chính phủ.

>> Hiện nay, riêng khu vực ĐBSCL đã có trên 200 doanh nghiệp chế biến, thì với 4.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp, nếu không có “đũa thần”, các các doanh nghiệp “chết lâm sàng” làm sao tiếp cận được vốn!

Hải Hành – Lê Hoàng Vũ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!