Ngày 3/6, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã giới thiệu cuốn sách “Một số tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông” cùng những tư liệu gốc có giá trị pháp lý lần đầu được công bố.
Cuốn sách là công trình được đúc rút từ Đề tài thư mục Hán Nôm về thực thi chủ quyền của Việt Nam do Viện Nghiên cứu Hán Nôm thực hiện trong nhiều năm. Thể hiện xuyên suốt trong cuốn sách là sự nhất quán trong việc quản lý của Nhà nước phong kiến Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông. Đặc biệt, thông qua các tư liệu lịch sử, nhóm biên soạn còn có phát hiện thú vị, đó là vấn đề chủ quyền của Việt Nam với Trường Sa và Hoàng Sa đều được nhà nước phong kiến đưa vào sách giáo khoa như: “Khải đồng thuyết ước” hay “Tu thân luân lý khoa”. Thuyết phục hơn cả là tấm bản đồ Việt Nam có in hình ảnh của Hoàng Sa trong sách “Khải đồng thuyết ước”, khắc in năm 1881.
PGS. TS Trịnh Khắc Mạnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, căn cứ lịch sử trong cuốn sách là minh chứng để bác bỏ những luận điệu xuyên tạc của Trung Quốc. Việc Trung Quốc nói rằng Hoàng Sa là của họ từ 2000 năm trước hoàn toàn không có căn cứ. Tư liệu bản đồ của họ in thời kỳ cận đại và đầu thế kỷ XX cho thấy, biên giới Trung Quốc chỉ kéo dài đến đảo Hải Nam.
Còn ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, Viện đã lên kế hoạch để xuất bản cuốn sách bằng tiếng Anh, phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới.