T2, 06/07/2020 09:55

Công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Tiến sĩ Addison Lawrence – Một nhà khoa học nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu AgriLife Texas đã nghiên cứu thành công một công nghệ mới, hứa hẹn mang đến cuộc cách mạng cho ngành tôm.

Năng suất kỷ lục

Tiến sĩ Addison Lawrence cho biết, công nghệ mới – nuôi tôm siêu thâm canh trong đường máng nước xếp chồng lên nhau có thể thiết lập kỷ lục về năng suất tôm. Hiện, công nghệ mới đang trong quá trình chờ được cấp bằng sáng chế.

Công nghệ mới này có thể sản xuất ra tôm cỡ lớn với trọng lượng 31,7gram/con, hay còn biết đến với loại tôm U15 trên thị trường và sản lượng cao kỷ lục tới 25kg/m3 nước trong điều kiện không thay và không tái sử dụng nước. Tôm được nuôi trong các đường máng nước đặt trên 4 trụ, các đường máng này có nước lưu thông với chiều sâu khoảng 13 – 18cm. Khi tôm phát triển hơn, chúng được chuyển vào máng dưới và tôm con lại được bổ sung vào máng trên. Trong khi đó, quá trình thu hoạch tôm trưởng thành ở máng dưới cũng được diễn ra. Những máng nuôi tôm được giám sát chặt 24/24 giờ bằng máy tính và có thể truy xuất nguồn gốc. Khi hệ thống vận hành ổn định có thể sản xuất tới 454.000 tấn tôm/1 acre mặt nước/năm hay 454.000 tấn tôm/2 acre mặt đất/năm.

Với tốc độ sản xuất này, Lawrence tin rằng, các nhà sản xuất tôm thương mại sẽ có tiềm năng rất lớn để tăng lợi nhuận biên của mình.

 

Tiến sĩ Addison Lawrence (bên trái), người sáng chế ra công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh trong đường máng nước xếp chồng lên nhau

Giảm phụ thuộc vào tôm nhập khẩu

Hiện nay, các trại nuôi tôm truyền thống tại Mỹ chỉ sản xuất được 9.080 tấn tôm/acre/năm. Các nước nhiệt đới nuôi tôm quanh năm có thể sản xuất tới 27.239 tấn tôm/năm. Mỹ nhập khẩu khoảng 90% số lượng tôm tiêu thụ. Theo Lawrence, khi công nghệ mới này được áp dụng chắc chắn sẽ giúp Mỹ giảm phụ thuộc vào tôm nhập khẩu. Đồng thời có tác dụng tích cực trong việc giải quyết nạn đói trên thế giới.

Lawrence mong muốn xây dựng những cơ sở nuôi tôm áp dụng công nghệ mới này gần các khu đô thị lớn trên toàn nước Mỹ, sản xuất và cung cấp tôm tươi cho thị trường quanh năm, chứ không phải chỉ được tiêu dùng tôm đông lạnh hay tôm tươi đã qua cấp đông.

Tôm nuôi theo công nghệ mới sẽ được bán với giá cao tại các siêu thị và nhà hàng ở New York, Chicago, Las Vegas và các thành phố khác. Nhưng điều quan trọng nhất chính là hệ thống này có thể cung cấp nguồn protein cho thế giới khi mà dân số đang bùng nổ như hiện nay.

Đơn vị đầu tiên trên thế giới sở hữu và vận hành ứng dụng thương mại nuôi trong đường máng nước này của Lawrence là Công ty Royal Caridea của Maurice Kemp. Dự kiến Royal Caridea sẽ sản xuất khoảng 379.090 tấn tôm/năm với cơ sở nuôi rộng 18.130km2 nhưng chỉ với 15 – 20 nhân công.

>>  “Công nghệ mới này đảm bảo không có dịch bệnh, an toàn sinh học. Vì vậy chắc chắn sẽ đạt được hiệu quả kinh tế cao và thu hồi vốn nhanh. Nhưng điều tốt nhất là sẽ cung cấp nguồn protein chất lượng quanh năm” – Tiến sĩ Addison Lawrence khẳng định. 

Hồng Thắm

          Theo Fis, Thefishsite

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!