Công nghệ sản xuất giống cá trân châu

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Cá trân châu (mú lai, cá song trân châu, mú trân châu; tên tiếng Anh: Pearl grouper) là giống cá biển được lai tạo giữa trứng cá song hổ (E. fuscoguttatus) và tinh cá song vua (E. lanceolatus) bằng phương pháp IVF (in vitro fertilisation). Con lai có đặc điểm sinh trưởng nhanh, sức đề kháng tốt, cho hiệu quả kinh tế cao khi phát triển nuôi trồng. Cá trân châu được sản xuất và nuôi phổ biến tại nhiều nước khu vực Đông – Đông Nam châu Á, trong đó có Việt Nam.

Công nghệ sản xuất nhân tạo

Đàn cá bố mẹ: Nguồn gốc tự nhiên, độ tuổi >5+ năm; không nhiễm bệnh; khối lượng (song vua >35 kg/con; song hổ >3,5 kg/con). Chuyển đổi giới tính cá song vua (cá cái thành cá đực) bằng hormone 17α – MT (liều lượng >20 mg/kg khối lượng thân), liên tục 3 – 12 tháng. Đàn cá được nuôi trong lồng bè hoặc trên bể khi đàn cá bố mẹ được thuần hóa.

Thức ăn: Cá tạp tươi, khoáng, vitamin; định kỳ bổ sung cua, mực, nhuyển thể… với khẩu phần 3 – 5%, tần suất 1 – 2 ngày/lần.

Sản xuất trứng thụ tinh: Khi 2 đàn cá song vua thành thục cùng thời điểm có thể tiến hành thu tinh và trứng để thụ tinh nhân tạo. Thụ tinh cá song vua bằng phương pháp hút (qua ống silicon) hoặc nặn vuốt. Trữ tinh trong các xilanh (dung tích 10 – 20 ml/ống). Bảo quản ở nhiệt độ <10oC. Kích thích cá song hổ thành thục bằng hormone ((liều lượng: 800 – 2.000 UI HCG + 30 – 60 μg LHRH-a3) hoặc để đàn cá thành thục tự nhiên. Khi trứng ở giai đoạn IV (đường kính >800µm, trứng tròn đều, màng và vỏ tách rời, nhân hơi lệch về cực động vật). Trứng thu bằng phương pháp vuốt nặn và chứa vào các bát nhựa sạch. Thời điểm thu trứng quan trọng, quyết định sự thành công của việc thụ tinh tạo phôi cá trân châu. Trứng và tinh được trộn đều theo tỷ lệ 1 – 2 ml tinh/100 g trứng 2 – 5 phút sau đó đưa vào xô nước biển sạch sục khí 10 – 15 phút.

Công nghệ sản xuất giống cá trân châu

Tách trứng và ấp nở: Thu trứng nổi, xử lý bằng iodin với liều lượng 10 ppm/10 – 20 phút để hạn chế nhiễm khuẩn trước khi chuyển vào bể ấp. Bể ấp có hình trụ, dung tích 0,4 – 1 m3, mật độ trứng ấp khoảng 500 trứng/L. Phôi phát triển và nở thành ấu trùng khoảng 19 – 22 giờ sau thụ tinh (điều kiện môi trường: Độ mặn: 28 – 32‰, nhiệt độ: 29ºC; DO: 4 – 5,2 mg/L; pH: 8 – 8,2).

Các loại thức ăn

+ Tảo đơn bào (Nannochloropsis oculata; Isochrysis galbana) nuôi sinh khối trong hệ thống bể 5 – 30 m3, môi trường dinh dưỡng F2/Conway, cường độ ánh sáng 8.000 lux, nhiệt độ duy trì ở 24 – 260C, độ mặn 28‰.

+ Sản xuất ấu trùng trochophore: Tách tuyến sinh dục đực cái trộn lẫn và hòa tan trong nước biển 1 – 2 giờ. Thu trứng thụ tinh bằng lưới 25µ, rửa sạch trước khi sử dụng.

+ Luân trùng (B. plicatilis và B. rotundiformis): Nuôi sinh khối trong các bể xi măng 10 m3. Thức ăn sử dụng là hỗn hợp tảo N. oculata, I. galbana bổ sung men bánh mỳ. Mật độ vi tảo trong các bể nuôi được duy trì 1×106 tb/ml, bổ sung men bánh mì 1 lần/2 g/ngày/1 triệu luân trùng.

+ Nuôi sinh khối Copepod: Nuôi trong ao với dung tích 500 – 5.000 m3. Cho ăn bằng hỗn hợp tảo Isochrysis galbana, Nannochloropsis oculata và Chaetoceros calcitrans với tỷ lệ cho ăn là 1:1:1 và bổ sung các loại thức ăn nuôi tôm thương phẩm.

+ Nuôi sinh khối artemia trưởng thành: Nuôi trong các bể 10 m3, thức ăn là các loại tảo, thức ăn ương tôm giống như: Fripak, Lanzy…

Ương nuôi ấu trùng thành cá hương trong ao

Gây màu nước

Cấp nước (lọc cát) vào ao đến độ sâu 50 – 70 cm, cấp tảo đơn bào (N. oculata), mật độ: 1.103 tb/ml để làm nguồn giống, môi trường nuôi tảo: F2. Khi tảo đạt mật độ 1.106 tb/ml cấp thêm nước đến độ sâu 1,1 – 1,2 m. Chỉ tiêu môi trường nuôi: Độ mặn : 25 – 32‰; Nhiệt độ: 25 – 28oC; pH: 7.5 – 8.5; DO >4 mg/L.

+ Luân trùng (P. similis; B. rotundiformis, B. plicatilis) được nuôi từ hệ thống các bể 2,5 – 10 m3 đạt, mật độ: 1.000 – 1.600 cá thể/ml. Sau khi tảo (tại ao ương) đạt mật độ 10×106 tb/ml, luân trùng được chuyển xuống ao tiếp tục nhân nuôi sinh khối, cho đến khi đạt mật độ 10 – 20 ct/ml. Ao được che 1/3 diện tích bằng lưới đen (để giảm bớt cường độ ánh sáng). Duy trì sục khí 24/24h, đảm bảo hàm lượng ôxy 4,5 – 5 mg/L.

Quản lý chăm sóc ao ương

+ Trứng thụ tinh (16h) được thả khi mật độ luân trùng đạt 5 – 10 ct/ml.

+ Theo dõi mật độ động vật phù du (ĐVPD) là thức ăn trong ao (chủ yếu là luân trùng, copepod) để bổ sung, đảm bảo mật độ luân trùng: 10 – 20 ct/ml; Copepod (các giai đoạn): 2 – 3 ct/ml (khi copepod không đủ mật độ, bổ sung thêm bằng Nauplii Artemia)

+ Giai đoạn 20 – 35 ngày tuổi (biến thái thành cá hương): Sử dụng Copepoda, Artemia trưởng thành và thức ăn tổng hợp.

Kỹ thuật nuôi cá hương lên cá giống

Ấu trùng biến thái hoàn toàn thành cá hương sau 25 – 35 ngày. Để nâng cao tỷ lệ sống giai đoạn này cần là đầy đủ dinh dưỡng và thường xuyên san lọc và phân cỡ nhằm hạn chế cá ăn lẫn nhau, tần suất 3 – 7 ngày/lần. Thức ăn: Sử dụng thức ăn công nghiệp NRD (INVE), Ocialis. Cho ăn 3 – 4 lần/ngày, đến khi cá ngừng ăn. Hàng ngày thay khoảng 100 – 300% nước tùy theo giai đoạn phát triển, mức độ ô nhiễm nước và tùy thuộc mật độ cá thả. Siphon và vệ sinh đáy bể thường xuyên để giữ môi trường không ô nhiễm.

Công nghệ sản xuất giống cá trân châu

Ảnh minh họa

 

Thu hoạch và vận chuyển cá hương, cá giống

 Ngừng cho cá ăn 24 – 48h. Vận chuyển kín bằng túi ôxy (với cá 4 – 5 cm; túi có kích thước 50×100 cm đóng với mật độ 80 con/túi 15 lít, thời gian vận chuyển khoảng 12 – 15h. Vận chuyển bằng tàu có văng thông thủy: 12 – 15 kg/m3 (cá 8 – 10 cm) trong thời gian vận chuyển 15 – 16h.

Hoàng Nhật Sơn

Viện Nghiên cứu NTTS I

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!