Đây là phương châm mà Ban tổ chức Danh hiệu Chất lượng vàng Thủy sản Việt Nam đặt ra ngay từ khi khởi xướng ý tưởng. Mục đích không chỉ tìm ra những điển hình thật sự xuất sắc của ngành mà còn giúp Danh hiệu có được sức sống bền vững theo thời gian.
Nhiều cá nhân, mĩ hình nuĩi trồng thủy sản hiệu quả được vinh danh Ảnh: PTC
Đó là quy định rõ ràng của Ban tổ chức Danh hiệu Chất lượng vàng Thủy sản Việt Nam. Theo đó, bất cứ cá nhân, đơn vị nào tham gia bình chọn đạt được các tiêu chí về: Hiệu quả kinh tế; Hiệu quả xã hội; Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; Bảo vệ nguồn lợi và môi trường sinh thái, đều được đánh giá cao và có thể đi tiếp vào vòng sau của các đợt xét duyệt.
Nói vậy để thấy, Danh hiệu được tôn vinh không phụ thuộc vào đơn vị đó vốn điều lệ là bao nhiêu, là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, liên doanh hay trong nước mà phải là những doanh nghiệp đã và đang làm được những gì, cống hiến của họ cho ngành và cho đất nước như thế nào và họ đã mang đến những gì cho cộng đồng, nhất là những hoàn cảnh khó khăn, chính sách…
Hơn nữa, việc xét duyệt dựa trên hiệu quả cũng là cách để đảm bảo sự công bằng cao nhất, giải tỏa những khúc mắc của những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khi đăng ký tham gia chương trình. Đại diện Ban tổ chức cho biết, Danh hiệu “Chất lượng vàng Thủy sản Việt Nam” hướng đến các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong mọi lĩnh vực của ngành thủy sản, nhưng để được xét chọn, ngoài 4 tiêu chí bắt buộc, thì đó phải là những tấm gương tiêu biểu, người thật, việc thật và có những đóng góp đáng kể cho phát triển chung của ngành và xã hội, được cộng đồng công nhận. Đây cũng là cơ sở để Ban tổ chức phát hiện thêm nhiều nhân tố mới, những gương điển hình tiêu biểu nhằm kịp thời khuyến khích, động viên, tạo động lực cho họ trong sản xuất, kinh doanh.
Nhiều hồ sơ chất lượng cao
Vòng sơ khảo chương trình bình chọn đã bắt đầu, Ban tổ chức bước đầu ghi nhận những lượt hồ sơ tiêu biểu. Mặc dù chưa thể công bố chi tiết, nhưng theo đánh giá của đại diện Hội đồng bình chọn, chất lượng hồ sơ năm nay tương đối đồng đều, với cả các cá nhân và doanh nghiệp nên việc bình chọn gặp nhiều “khó khăn”, đồng thời “mất” nhiều thời gian hơn trong khâu xét duyệt.
Còn theo chia sẻ của Tổ thư ký, hiện nay việc nhận hồ sơ vẫn tiếp tục, vì nhiều yếu tố khách quan nên những hồ sơ gửi qua đường bưu điện chưa về kịp. Bởi theo quy định, thời hạn 31/6 được tính theo dấu bưu điện, nơi các cá nhân, doanh nghiệp chuyển.
Theo nhận định, với số lượng hồ sơ gửi về như hiện nay, để có thể đánh giá chính xác, Hội đồng bình chọn cần rất nhiều thời gian. Cùng đó, mặc dù hồ sơ tham gia chương trình đều thông qua giới thiệu của cơ quan chuyên ngành hoặc Hội Thủy sản các địa phương, thế nhưng, theo quy định, Ban tổ chức vẫn phải tiến hành thẩm định lại chất lượng, nhằm đảm bảo tính trung thực để tránh những sai sót không đáng có, đặc biệt, là để lòng tin của các cấp lãnh đạo, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp không đặt sai chỗ. Đây cũng chính là lý do để Danh hiệu Chất lượng vàng Thủy sản Việt Nam “bền” đến vậy, định kỳ 5 năm/2 lần, nhưng các đợt bình chọn Danh hiệu luôn nhận được sự ủng hộ lớn của cộng đồng những người làm thủy sản.
Theo khẳng định của đại diện Ban tổ chức, Danh hiệu không chỉ cổ vũ động viên các cá nhân, tập thể, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy sản tích cực sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh, xây dựng và phát triển thương hiệu, mà còn khuyến khích các nhà khoa học nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao; góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, động viên các cá nhân, thành phần kinh tế hăng say lao động sản xuất, đưa ngành thủy sản Việt Nam phát triển hiệu quả và bền vững.