Những năm qua, Công ty Điện lực Sóc Trăng (PC Sóc Trăng) đã triển khai thực hiện nhiều Dự án điện nông thôn trên địa bàn, tạo động lực mạnh mẽ, góp phần đưa vùng chuyên canh tôm mở rộng diện tích, tăng sản lượng tôm xuất khẩu, đồng thời hoàn thành tiêu chí số 4 trong xây dựng nông thôn mới (NTM).
PC Sóc Trăng đưa điện về vùng đồng bào Khơ me
Để làm rõ hơn vai trò của ngành Điện trong xây dựng NTM tại địa phương, Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Minh Hải – Giám đốc PC Sóc Trăng xung quanh vấn đề này.
PV: Thời gian qua, PC Sóc Trăng đã rất nỗ lực đưa điện về nông thôn theo kế hoạch đề ra. Điện về, các vùng tôm chuyên canh của Sóc Trăng được khởi sắc. Ngoài hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế – xã hội, việc xây dựng lưới điện nông thôn còn có vai trò đắc lực trong hoàn thành chỉ tiêu số 4 trong xây dựng NTM. Xin ông cho biết quy mô và hiệu quả của những công trình điện nông thôn tiêu biểu mà PC Sóc Trăng đã và đang triển khai?
Giám đốc Huỳnh Minh Hải: Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn đầu tư nhưng PC Sóc Trăng đã phấn đấu, bám sát quy hoạch phát triển Điện lực tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2011 – 2015, xét đến 2020 để hoàn thành mục tiêu đầu tư các công trình xây dựng cơ bản, nhằm nâng cấp chống quá tải, phát triển mới lưới điện đáp ứng nhu cầu phụ tải, cấp điện vùng sâu, vùng xa…
Trong giai đoạn 2012 – 2016, Công ty đã triển khai một số dự án trọng điểm với tổng mức đầu tư 1.156,22 tỷ đồng, tiêu biểu như: Dự án cải tạo lưới điện phân phối nông thôn tỉnh Sóc Trăng – RD, tổng vốn đầu tư là 31,60 tỷ đồng, hoàn thành năm 2012; Dự án cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện, chủ yếu là đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng (3 giai đoạn), tổng vốn đầu tư 618,04 tỷ đồng, cấp điện cho 45.408 hộ dân, hoàn thành giai đoạn 3 vào năm 2016; Dự án nâng cao hiệu quả năng lượng khu vực nông thôn tỉnh Sóc Trăng vay vốn Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), tổng vốn đầu tư là 9,23 tỷ đồng, hoàn thành năm 2014; Dự án lưới điện phân phối phục vụ nuôi tôm nước lợ tỉnh Sóc Trăng (DPL3) với tổng mức đầu tư 187,5 tỷ đồng, hoàn thành năm 2016….
Các dự án hoàn thành đã góp phần củng cố lưới điện, đảm bảo cung cấp điện ổn định cho các khu vực nuôi tôm trọng điểm trên địa bàn Tỉnh. Đến tháng 5/2018, Công ty đã thực hiện cấp điện cho 11.597 hộ nuôi tôm với tổng diện tích ao nuôi 53.133 ha.
Ông Huỳnh Minh Hải – Giám đốc PC Sóc Trăng nhận Huân chương lao động hạng Nhì
Đối với công tác thực hiện Tiêu chí số 4 về điện nông thôn, Công ty đã tranh thủ và cân đối các nguồn vốn từ các dự án cũng như nguồn vốn đầu tư xây dựng được Tổng công ty phân bổ hàng năm để triển khai đầu tư các công trình lưới điện, kết quả đến năm 2018, trên địa bàn toàn tỉnh Sóc Trăng có 17 phường, 12 thị trấn và 80 xã, trong đó chỉ còn 10 xã chưa đạt Tiêu chí số 4 về điện nông thôn. Trong thời gian sắp tới, nhằm đảm bảo thực hiện đạt Tiêu chí số 4 trên địa bàn các địa phương xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ của Tỉnh giai đoạn 2018-2020, Công ty Điện lực Sóc Trăng đã triển khai khảo sát, lập danh mục các công trình và đang phối hợp cùng Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng hoàn chỉnh các thủ tục thực hiện ứng vốn Ngân sách Tỉnh để triển khai thực hiện đầu tư trên địa bàn 20 xã, cấp điện cho 2.608 hộ dân.
PV: Từ khi đường dây 500kV Bắc – Nam vận hành, PC Sóc Trăng đã kịp thời đưa lưới điện vươn dài, trải rộng khắp các địa phương toàn tỉnh. Tuy vậy, một số địa phương vùng sâu và vùng xa vẫn chưa có điện . Xin ông cho biết tình hình đó đến nay được cải thiện như thế nào? Và bức tranh về điện nông thôn tỉnh Sóc Trăng hiện nay?
Từ việc đẩy mạnh đầu tư phát triển lưới điện xuyên suốt quá trình hình thành của Công ty, quy mô quản lý lưới điện của Công ty đã không ngừng tăng trưởng. Tính đến cuối năm 2017, quy mô quản lý lưới điện của Công ty bao gồm 3.107,82 km đường dây trung thế; 5.269,23 km đường dây hạ thế; 5.629 trạm biến áp với tổng dung lượng 574.023,50 kVA cung cấp điện đến tất cả các xã trên địa bàn Tỉnh. Đến tháng 01/2018, 100% số xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh có điện lưới Quốc gia và số hộ dân nông thôn có điện là 223.363 hộ, đạt 99,32%.
Giai đoạn 2016 – 2018, Công ty đã triển khai thực hiện Dự án xóa câu phụ với tổng mức đầu tư 25,23 tỷ đồng, cấp điện cho 9.667 hộ dân. Trong thời gian sắp tới, Công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư các công trình, dự án lưới điện trên địa bàn Tỉnh nhằm hoàn thiện, củng cố và phát triển khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của nhân dân tỉnh Sóc Trăng. Dự kiến trong giai đoạn 2018 – 2020, ngành Điện sẽ triển khai một số dự án lớn, mang tính cấp thiết với tổng mức đầu tư 1.072,20 tỷ đồng, tiêu biểu như: Dự án cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện khu vực Thành phố, Thị xã, Thị trấn tỉnh Sóc Trăng vay vốn KfW (giai đoạn 3): Tổng mức đầu tư: 156,38 tỷ đồng; Chương trình hỗ trợ chính sách cải cách ngành Điện giai đoạn 4 vay vốn ODA (DPL4): Tổng mức đầu tư 73,68 tỷ đồng; Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Sóc Trăng thuộc Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo theo QĐ 2081/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ đã được Bộ Công Thương phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi khu vực tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2016-2020 (số 11830/QĐ-BCT ngày 30/10/2015) với tổng mức đầu tư 426,1 tỷ đồng;….
Người dân ở vùng sâu, vùng xa tỉnh Sóc Trăng đã có đủ điện phục vụ sản xuất nuôi tôm
Các công trình, dự án nguồn điện và lưới điện hoàn thành sẽ giúp nâng cao chất lượng điện áp, cung cấp điện kịp thời, ổn định, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện phục vụ sinh hoạt – sản xuất kinh doanh của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
PV: Năm 2018, PC Sóc Trăng ngoài việc tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của EVN SPC giao còn triển khai quyết liệt chủ đề của EVN: “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”. Xin ông cho biết những chuyển động tích cực và hiệu quả của việc bố trí và sử dụng nguồn nhân lực tại Công ty?.
Bên cạnh tập trung thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu, kế hoạch theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của ngành Điện, Công ty Điện lực Sóc Trăng luôn chú trọng quan tâm đến công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như chăm lo cho đời sống cán bộ công nhân viên, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, thúc đẩy Công ty phát triển bền vững.
Hằng năm, Công ty tiến hành tổ chức công tác đào tạo nội bộ, bồi huấn nghiệp vụ, đào tạo chuyên sâu, nâng cao trình độ chuyên môn, tập trung đào tạo tay nghề cho người lao động; Rà soát, bố trí, phân công công việc phù hợp với trình độ, năng lực của từng CBCNV; Nâng cao năng suất lao động, đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe, tăng thu nhập để nâng cao đời sống cán bộ công nhân viên.
Trong năm 2018, Công ty Điện lực Sóc Trăng đã triển khai 4.295 lượt đào tạo cho CBCNV trong Công ty với tổng chi phí 749 triệu đồng. Bên cạnh tổ chức các lớp bồi huấn kỹ năng, đào tạo nội bộ, Công ty còn đăng ký các khóa đào tạo tại Tổng công ty Điện lực miền Nam cũng như các lớp đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn (Đại học, Thạc sỹ), trình độ Ngoại ngữ để các CBCNV có nhu cầu tham gia. Đến cuối năm 2018, cơ cấu CBCNV theo trình độ của Công ty như sau: 16 thạc sỹ, 233 cử nhân, 19 cao đẳng, 224 trung cấp, 326 công nhân kỹ thuật và 20 trình độ khác.
Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chính là một trong các yếu tố chủ đạo trong quá trình hoạt động và phát triển của Công ty Điện lực Sóc Trăng trong thời gian sắp tới.
PV: Xin cám ơn ông và kính chúc PC Sóc Trăng đạt toàn diện, xuất sắc những mục tiêu kế hoạch đề ra trong năm 2018.