Cụ thể hóa việc sử dụng kinh phí cho bảo vệ và phát triển thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Thông tư liên tịch hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020 theo Quyết định 188/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ mới được Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT ban hành.

Theo đó, việc sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế thực hiện nhiệm vụ chi cho công tác rà soát, lập hồ sơ thành lập các khu bảo tồn biển, các khu bảo tồn vùng nước nội địa do Trung ương quản lý; việc thả bổ sung một số loài thủy sản bản địa quý hiếm, có giá trị kinh tế cao vào một số lưu vực sông và hồ chính thuộc khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa cấp quốc gia do Thủ tướng Chính phủ thành lập. Đồng thời, nguồn kinh phí này cũng chi cho công tác hợp tác quốc tế về điều tra nguồn lợi thủy sản (trên biển và nội địa), quản lý các loài cá di cư, quản lý các khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa xuyên quốc gia…

Khai thác thủy sản ven bờ tại huyện Hải Hậu, Nam Định                  Ảnh: Huy Hùng

Thông tư cũng nêu rõ việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ chuyên môn về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản của các cơ quan trung ương được chi từ nguồn kinh phí sự nghiệp đào tạo.

Được biết, Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020 đặt mục tiêu đến năm 2015, thành lập và đưa vào hoạt động 10 khu bảo tồn biển và 19 khu bảo tồn vùng nước nội địa; hoàn thành việc quy hoạch vùng cấm khai thác, vùng cấm khai thác thủy sản có thời hạn, đồng thời công bố danh mục các nghề cấm, đối tượng cấm. Đến năm 2020, cơ bản phục hồi nguồn lợi hải sản vùng ven bờ, đặc biệt là một số loài làm nguyên liệu chế biến cho các sản phẩm thủy sản gắn với làng nghề truyền thống có thương hiệu tại Việt Nam…

Minh Dương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!