Cùng vực dậy ngành thức ăn thủy sản…

Chưa có đánh giá về bài viết

“Cung vượt cầu”, cộng với tình hình xuất khẩu một số đối tượng thủy sản thời gian qua gặp khó khăn, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản “lộ” điểm yếu. PV Thủy sản Việt Nam trao đổi với ông Phạm Văn Bên – Chủ doanh nghiệp tư nhân Cỏ May, chuyên sản xuất thức ăn cá tra ở khu công nghiệp Sa Đéc, Đồng Tháp.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản đang đối mặt thua lỗ, phá sản, theo ông, nguyên nhân do đâu?

Nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản gặp khó khăn phải giảm công suất hoặc ngưng hoạt động, chỉ bán thức ăn gối đầu cho người nuôi đã làm ăn lâu dài. Còn lại thị trường mới hầu như bỏ ngỏ vì quá nhiều rủi ro. Không chỉ doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng “chịu trận” chung. Doanh nghiệp của tôi đang chịu lỗ bởi nguyên liệu đầu vào tăng quá cao. Tuy nhiên, việc tăng giá thức ăn không dễ dàng gì, bởi công ty nào tăng giá trước sẽ mất đi thị trường mà thị trường quyết định sự tồn tại của doanh nghiệp. Thị trường thức ăn thủy sản đang trong giai đoạn sàng lọc.

 

Sự tất yếu này có ý nghĩa gì?

Qua đợt sàng lọc này sẽ giúp cho ngành chế biến thức ăn phát triển mạnh hơn. Những nhà máy còn khả năng trụ lại sẽ được đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm để phát triển bền vững.

 

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này ?

Nguyên nhân chủ yếu là mất cân bằng giữa cung và cầu. Đây là lệ lụy tất yếu của quá trình phát triển thiếu bền vững của ngành thức ăn thủy sản. Vấn đề cốt lõi ở đây vẫn là nghề nuôi thủy sản đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt nghề nuôi cá tra. Nhiều người nuôi thua lỗ nên đã bỏ nghề, treo ao. Chính vì vậy đã ảnh hưởng lớn đến ngành chế biến thức ăn thủy sản.

 

Vậy theo ông, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản trong nước đang cần hỗ trợ những gì?

Chúng ta vận hành theo yếu tố thị trường: cung – cầu. Sự mất cân bằng đã dẫn đến hệ quả xấu như hiện nay. Trước khó khăn trên, Nhà nước cần can thiệp nhằm vực dậy ngành thức ăn thủy sản. Để làm được điều đó phải vực dậy ngành nuôi trồng thủy sản. Trước mắt, cần có giải pháp hỗ trợ thiết thực cho người nuôi và doanh nghiệp chế biến cá tra. Về lâu dài cần quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản sao cho hợp lý.

Vũ Mưa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!