Cuộc đua giữ thế thượng phong…

Chưa có đánh giá về bài viết

Chưa bao giờ ngành tôm Việt Nam phải đối mặt nhiều khó khăn cả trong và ngoài nước như hiện nay. Cuộc đua nhằm giữ giá, thị trường và vị thế con tôm Việt Nam ngày càng quyết liệt hơn; trong đó Việt Nam đang ở thế có nhiều bất lợi.

Bất lợi về giá

Tính đến ngày 15/7/2012, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU đạt 154 triệu USD, giảm 23,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Không riêng Việt Nam, xuất khẩu tôm của hàng loạt nước châu Á khác (như Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia…) sang EU cũng giảm. Đơn cử, 5 tháng đầu năm 2012, xuất khẩu tôm đông lạnh của Thái Lan sang EU chỉ đạt 79 triệu USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Do nhu cầu từ các thị trường chính (như Mỹ, Nhật Bản, EU…) chưa có dấu hiệu phục hồi nên giá tôm thế giới liên tục sụt giảm, nhất là tại Nhật.

Ngành tôm Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn – Ảnh: An Đăng

Trên thị trường Nhật Bản, tôm Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt về giá với tôm nhập khẩu từ Ấn Độ, với nhiều lợi thế nghiêng về quốc gia này. Giá tôm sú Ấn Độ luôn rẻ hơn 20 – 25%, khiến tôm Việt Nam buộc phải hạ giá bán, thậm chí xuống thấp ngang giá tôm nguyên liệu. Giá tôm sú Ấn Độ rẻ hơn nhiều so với tôm sú Việt Nam, một phần do kỹ thuật nuôi, phần khác do lãi suất tiền vay cộng với rủi ro trong nuôi tôm của nông dân Ấn Độ thấp, dẫn đến tổng chi phí đầu vào của tôm sú Ấn Độ thấp hơn.

 

Áp lực về nguồn cung

Theo số liệu của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), sản lượng tôm nuôi thế giới trong năm 2012 ước đạt 3,188 triệu tấn, trong đó châu Á chiếm khoảng 86% sản lượng toàn cầu, đạt 2,762 triệu tấn. Dự kiến, sản lượng tôm Trung Quốc trong năm 2012 đạt 1,048 triệu tấn, Thái Lan sẽ vượt 600.000 tấn, Indonesia là 442.757 tấn.

Đặc biệt tại Ấn Độ, mới đây, nước này đã nới lỏng quy định hạn chế nhập khẩu tôm thẻ chân trắng bố mẹ. Theo đó, nhập khẩu tôm chân trắng bố mẹ sẽ không phải qua kiểm dịch virus Baculovirus penaei. Với việc sửa đổi này, sản xuất tôm thẻ chân trắng của Ấn Độ có nhiều thuận lợi hơn và sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Cơ quan Phát triển Xuất khẩu Thủy sản Ấn Độ (MPEDA) dự đoán, sản lượng tôm thẻ chân trắng của Ấn Độ trong năm 2012 có thể đạt 60.000 tấn, gấp đôi so với năm 2011. Nhiều dự báo khác thậm chí cho rằng con số này có thể lên đến 100.000 tấn.

Việt Nam cũng đã mở rộng nuôi tôm thẻ chân trắng, nhưng sản xuất tôm thẻ chân trắng của Việt Nam đang phải đối mặt nhiều vấn đề (như dịch bệnh, chi phí sản xuất tăng cao…), dẫn đến nguồn cung bất ổn.

 

Cạnh tranh về thị phần

Trên thị trường thế giới, tôm Việt Nam đang phải cạnh tranh với nhiều quốc gia sản xuất tôm hàng đầu khác (như Thái Lan, Indonesia, Ecuador, Trung Quốc…).

Tại Mỹ, tôm Việt Nam với giá thành sản xuất cao đang mất dần ưu thế về giá, trong khi tôm Ecuador, Indonesia, Ấn Độ ngày càng gia tăng vị thế của mình. Số liệu của Cơ quan Quản lý đánh bắt cá biển quốc gia của NOAA cho thấy, 6 tháng đầu năm 2012, Mỹ đã nhập khẩu 44.065 tấn tôm từ Ecuador, 37.404 tấn từ Indonesia, 20.364 tấn từ Ấn Độ – (lần lượt tăng tương ứng 21%, 6% và 26,7%). Trong khi đó, nhập khẩu tôm Việt Nam vào Mỹ giảm 1,3% so với cùng kỳ năm 2011, chỉ đạt 16.612 tấn.

Tại Nhật Bản, tôm Thái Lan đang “soán ngôi” của tôm Việt Nam. Các số liệu về nhập khẩu tôm nguyên liệu đông lạnh vào Nhật Bản 6 tháng đầu năm 2012 cho thấy, Thái Lan đã vươn lên vị trí dẫn đầu với 16.236 tấn, Việt Nam rơi xuống vị trí thứ ba với 14.069 tấn, sau cả Indonesia (15.048 tấn). Tôm Việt Nam còn phải chịu áp lực cạnh tranh lớn với tôm Ấn Độ trên thị trường Nhật. 5 tháng đầu năm 2012, Ấn Độ là quốc gia duy nhất có mức tăng trưởng xuất khẩu trên hai con số, với 27,9% trong số 5 nước cung cấp tôm nhiều nhất cho thị trường Nhật Bản là Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc (chiếm trên 79% tổng nguồn cung tôm cho Nhật Bản).

Ngoài chính sách giá và nguồn cung tốt, không thể không nhắc tới chất lượng tôm Ấn Độ xuất khẩu sang Nhật. Trong 6 tháng đầu năm 2012, Ấn Độ chỉ có 2 lô tôm bị Hệ thống Cảnh báo thực phẩm nhập khẩu của Nhật Bản cảnh báo dư lượng AOZ, trong khi Việt Nam có tới 36 lô tôm bị cảnh báo chỉ tiêu này.

>> Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu tôm Việt Nam trong tháng 7/2012 tiếp tục giảm 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm trên 4% trong tháng 6/2012. Tuy nhiên, dự báo đà sụt giảm này trong những tháng tới sẽ chững lại, xuất khẩu tôm có thể sẽ hồi phục nhờ nguồn cung tôm nguyên liệu được cải thiện và nhu cầu nhập khẩu của các thị trường tăng.

Sao Mai

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!