(TSVN) – Theo các chuyên gia, người nuôi hãy cùng nắm tay nhau, cùng chia sẻ những kết quả, giải pháp có hiệu quả để giúp nhau có được mô hình nuôi ngày càng toàn diện hơn. Hãy cùng lắng nghe, học hỏi và tùy tình hình tài chính, kỹ thuật của mình mà vận dụng hợp lý vào khu nuôi, vì không có một mô hình nào là hoàn thiện cho tất cả.
Trước đây khi nuôi tôm có vấn đề chúng ta bắt đầu du nhập mô hình của nước ngoài, đặc biệt là của Thái Lan, như: ao nổi, ao bê tông, ao nhỏ 1.000 – 1.200 m2…; nhưng qua thực tế, theo ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam (Vinacleanfood) là không hiệu quả, khi chi phí đầu tư, vận hành đều rất cao, nhưng năng suất thì chưa cao và đặc biệt là rủi ro về dịch bệnh cũng không có sự thay đổi nhiều. Ông Phục dẫn giải: “Cụ thể như đối với EHP, vấn đề không nằm ở mái che lưới lan, hay ao bê tông… mà chủ yếu là từ con giống, môi trường ao và nguồn nước cấp. Vậy thì, việc khuyến khích đầu tư những mô hình này cho người nuôi trong khu vực miền Nam theo tôi là không phù hợp, không nên khuyến cáo rộng rãi”.
Cần xây dựng và nhân rộng các quy trình/mô hình nuôi tôm hiệu quả, thích ứng với dịch bệnh và giảm giá thành. Ảnh: PTC
Theo ông Phục, chúng ta vẫn cứ nuôi ao chìm theo truyền thống, diện tích dễ quản lý là từ 2.000 – 3.000 m2/ ao và không nên nuôi nước cạn theo lý thuyết của các đơn vị chuyển giao mô hình trước đây; vì môi trường ao nuôi rất dễ ô nhiễm và mật độ trở nên dày đặc hơn, do phần lớn mô hình này đều thả nuôi với mật độ cao. Sở dĩ, trước đây nuôi nước cạn vì nghĩ rằng như thế để đảm bảo đủ lượng ôxy hòa tan, nhưng ngày nay, cho dù mức nước sâu đến 1,8 – 2,2 m chúng ta vẫn có thể cung cấp đủ lượng ôxy hòa tan cho ao nuôi và thả với mật độ 300 con/m2 là bình thường. Khi thấy sức tải môi trường đến ngưỡng thì người nuôi tiến hành thu tỉa hoặc san ao, nên năng suất rất cao và kéo theo giá thành thấp. Quan tâm đến sức tải môi trường là một giải pháp giúp giảm chi phí.
Chia sẻ từ ông Phục, giải pháp thứ hai là chi phí sử dụng điện tạo ôxy cho ao nuôi. Mọi người thường nghĩ đầu tư nhiều ôxy sẽ dễ nuôi và nuôi tôm mau lớn, nên thường cố tạo ôxy hòa tan đạt mức 7 ppm, nhưng kết quả không có sự khác biệt lớn đối với những ao khác. Sau đó, Vinacleanfood học hỏi kinh nghiệm từ trại nuôi của Sao Ta nhưng có sự cải tiến: giai đoạn đầu chỉ sử dụng quạt và hệ thống Nano bubble. Giải pháp này có ý nghĩa thực tiễn lớn là chi phí đầu tư thấp nhờ trong nước tự sản xuất được; hai là tạo dòng chảy và xiphong rất là tốt; rất dễ vệ sinh là yếu tố quan trọng giúp ngăn ngừa EHP (do EHP thường bám vào ống thổi ôxy rất khó vệ sinh), đặc biệt là khi cần thu tỉa thì hệ thống Nano bubble không bị ảnh hưởng. Chỉ cần duy trì ôxy ở mức 4,5-6 là tôm phát triển tốt, nên chỉ cần bố trí hệ thống tạo ôxy vừa đủ để giảm chi phí tiền điện. Hiện có trại nuôi chi phí tiền điện lên hơn 10.000 đồng/ kg tôm thương phẩm, nhưng với trại nuôi của Vinacleanfood, chi phí này chỉ hơn 5.000 đồng, nhưng nếu nuôi tốt có thể giảm xuống còn dưới 5.000 đồng/kg. Như vậy, nếu chúng ta có giải pháp tạo ôxy tốt, chi phí đầu tư thấp, dễ vận hành, ít nhiễm bệnh sẽ giảm được khoảng 5.000 đồng tiền điện trên 1 kg tôm. Đây là con số tiết kiệm điện năng khá lớn và rất có ý nghĩa, nên giải pháp về ôxy là hết sức cần thiết để nâng cao hiệu quả, giảm giá thành.
Tiếp theo là vấn đề xiphong, theo ông Phục, hiện nay hầu hết công việc này được thực hiện thủ công vừa tốn chi phí cao lại dễ bị lây bệnh cho tôm, nhất là EHP. Vì vậy, Vinacleanfood đã trang bị hệ thống xiphong tự động. Nếu nuôi ao diện tích 1.200 – 1.600 m2 thì hệ thống này rất hiệu quả và hạn chế rủi ro dịch bệnh rất lớn. Còn đối với dịch bệnh thì nên phòng là chính chứ không sử dụng kháng sinh để ngừa. Nếu sử dụng kháng sinh phòng ngừa thì 1 kg tôm tốn 6.000 – 8.000 đồng tiền kháng sinh và dẫn đến phát sinh nhiều vấn đề tiêu cực và làm tôm tăng trưởng chậm. Phòng ngừa phải bắt đầu từ khâu thiết kế hệ thống ao, xử lý nước, ngăn ngừa lây nhiễm chéo, từ công nhân, công cụ và chim cò… còn lại là chúng ta tầm soát. Với mô hình và giải pháp trên, ông Phục tin rằng năm 2024, Vinacleanfood sẽ nuôi được tôm với số lượng lớn hơn và hiệu quả cao hơn nhờ giảm được giá thành về mức gần với Ecuador.
Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, do tình hình lạm phát, suy thoái kinh tế thế giới cùng với việc cung ứng tôm giá rẻ từ Ecuador ngày càng nhiều nên việc tiêu thụ tôm của Việt Nam gặp khó khăn, giá cả xuống rất thấp. Sắp tới, để giảm thiểu rủi ro, theo ông Lực có nhiều vấn đề cần phải quan tâm và triển khai thực hiện. Đối với cơ quan Nhà nước đang cố gắng làm sao giảm thiểu rủi ro, hạn chế dịch bệnh trong nuôi tôm. Riêng người nuôi cũng quan tâm đến chuyện “ăn chắc, mặc bền”, chỉ tổ chức nuôi trong phạm vi khả năng tài chính và kỹ thuật của mình cho phép. Riêng vấn đề giảm giá thành, ông Lực đề xuất: “Trước tiên đó là con giống. Muốn cải thiện điều này rất cần nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ sở sản xuất con giống cũng như vai trò kiểm soát chất lượng trong lưu thông. Thứ hai là nước sạch cho vùng nuôi. Chắc chắn là sắp tới cơ quan chức năng sẽ có sự quan tâm chăm lo đảm bảo đủ nước sạch cho vùng nuôi, bởi hiện nguồn nước tại các vùng nuôi đang ô nhiễm rất nhiều”.
Trước thách thức của năm 2024, theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, có rất nhiều việc chúng ta cần phải làm. Đầu tiên là tổ chức lại sản xuất để giảm tình trạng nhỏ lẻ, manh mún, từ đó chúng ta chia sẻ những kinh nghiệm để sản xuất tốt hơn. Vấn đề thứ hai cần tính đến đó là giảm giá thành sản xuất vì có rất nhiều khâu trong quá trình sản xuất mà chúng ta còn có thể tiết giảm, như thông qua ứng dụng các quy trình kỹ thuật cũng giúp tiết giảm chi phí. Vấn đề thứ ba là kiểm soát tốt môi trường và dịch bệnh để hạn chế thiệt hại và nâng cao tỷ lệ nuôi tôm thành công. Đây là những bước mà người dân và địa phương cần quan tâm.
Còn về phía cơ quan quản lý Nhà nước, theo ông Luân cần tiếp tục kiểm soát tốt chất lượng con giống khi xuất khỏi trại giống phải là con giống sạch bệnh, tuân thủ đúng các quy định nhất là quy định về thú y thủy sản. Thứ hai là kiểm soát chất lượng thức ăn làm sao đảm bảo giá và chất lượng phản ánh đúng để tăng tỷ lệ thành công cho người nuôi. Thứ ba là chuyển giao khoa học công nghệ, các quy trình nuôi tốt, các hình thức sản xuất tốt, để từ đó các địa phương và người dân hiểu được sự sống còn của ngành tôm để đồng lòng cùng nhau triển khai. Thứ tư là Nhà nước sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng để đảm bảo ngay từ đầu môi trường các vùng nuôi được tốt. Một điểm rất quan trọng hướng tới ngành tôm phải hướng tới đó là đảm bảo môi trường trong khu vực nuôi, từ đó tạo cơ sở cho việc xây dựng thương hiệu xanh cho tôm Việt Nam.
ÔNG TRẦN ĐÌNH LUÂN, CỤC TRƯỞNG CỤC THỦY SẢN
Liên kết để truy xuất nguồn gốc sản phẩm dễ dàng
Các vùng nuôi hiện nay nếu không tổ chức lại để có kết nối tốt hơn đối với các nhà cung cấp giống, thức ăn, hoặc chuyển giao kỹ thuật thì từng hộ nhỏ lẻ sẽ rất khó. Việc liên kết hộ nuôi với nhau sẽ đảm bảo người nuôi tiếp cận tốt hơn với các nguồn cung cấp đầu vào tốt hơn, khoa học công nghệ tốt hơn. Từ đó, chúng ta liên kết được với tất cả các khâu trong chuỗi để có thể truy xuất nguồn gốc, vì đây là yêu cầu bắt buộc từ tất cả các thị trường. Để làm được việc này, đề nghị các địa phương phải rà soát, cấp mã số cơ sở nuôi tôm. Đây là những điều kiện ban đầu, từ đó hình thành nên những chuỗi sản xuất, nhằm khẳng định với các nhà nhập khẩu rằng nguồn gốc sản phẩm của chúng ta rõ ràng, minh bạch. Bên cạnh việc chúng ta chứng minh tôm sản xuất trong nước tốt và phù hợp với yêu cầu các nước, sẽ giúp nâng cao vị thế tôm Việt Nam trên thị trường.
ÔNG HOÀNG THANH VŨ, PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY CP THỰC PHẨM SAO TA
Cần có phương án giảm giá thành thực chất và hiệu quả
Giá tôm ở thị trường Mỹ giao quý I/2024 được chào thấp, chỉ 120.000 đồng/kg cho loại 30 con/kg, trong khi hiện tại trong nước giá khoảng 140.000 đồng/kg trở lên. Loại 40 con/ kg chỉ 100.000 đồng/kg và 50 con/kg chỉ 90.000 đồng/kg. Với mức giá này, nếu bán thị trường Mỹ các nhà máy chế biến hiện bị lỗ từ 10.000 - 20.000 đồng/kg. Biết lỗ nhưng doanh nghiệp vẫn cứ phải mua, phải bán, bởi nếu không mua, công nhân không có việc làm, phải nghỉ việc. Vì vậy, doanh nghiệp vẫn tiếp tục mua vào để sản xuất, chấp nhận lỗ nhằm giữ chân công nhân chờ cơ hội. Các thông tin còn cho thấy, trong 2 - 3 năm tới giá tôm vẫn còn duy trì ở mức thấp do bị cạnh tranh từ Ấn Độ và Ecuador. Vì vậy, ngay từ bây giờ ngành tôm cần có phương án giảm giá thành một cách thực chất và hiệu quả nhất.
ÔNG VÕ VĂN PHỤC, TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY CP THỦY SẢN SẠCH VIỆT NAM
Cần có mô hình, giải pháp nuôi phù hợp
Như chúng ta đều biết là giá thành nuôi tôm của Việt Nam rất là cao mà trong đó nguyên nhân đến từ việc do chúng ta xác định sai mô hình nuôi cũng như là quy trình chưa đảm bảo để cho hiệu quả sản xuất cao nhất. Ngoài ra, việc sử dụng nguyên, nhiên liệu đầu vào nhìn chung cũng chưa được khoa học. Hiện, Ecuador nuôi tôm vụ thuận giá thành 60.000 - 70.000 đồng/ kg loại 50 con/kg còn vụ nghịch cũng 80.000 đồng/kg, nên không phải là điều gì quá đáng sợ. Nếu chúng ta có mô hình, giải pháp phù hợp thì Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh được với Ecuador thậm chí là còn mạnh hơn họ, vì chúng ta có lịch sử, quá trình, nguồn lực từ lâu, còn họ chỉ mới vào nghề nhưng nhờ tận dụng được diện tích, môi trường còn tốt mà thôi. Thực tế ở vụ nuôi năm 2023 này, giá thành tôm nuôi của doanh nghiệp đã rất tốt không thua gì Ecuador.
Xuân Trường