Mùa mưa, bão đã đến và diễn biến phức tạp, gây nhiều bất lợi cho ngành đánh bắt hải sản. Vì vậy, công tác kiểm định chất lượng tàu thuyền được xem là khâu quan trọng bảo đảm đến mức cao nhất an toàn tính mạng và tài sản cho ngư dân bám biển dài ngày.
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 1.300 chiếc tàu thuyền, trong đó hơn 800 chiếc có công suất từ 20CV trở lên. Việc kiểm định chất lượng tàu thuyền được tiến hành hết sức nghiêm ngặt và thường xuyên mỗi năm một lần. Đối với những tàu trên 20CV, Chi cục Thủy sản sẽ trực tiếp kiểm định chất lượng, còn tàu dưới 20CV thuộc sự quản lý của UBND các quận, tuy nhiên quận cũng phải báo cáo kết quả kiểm định cho Chi cục. Ông Lưu Quang Khánh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, trong 9 tháng đầu năm, có khoảng 600 tàu đăng kiểm, đạt 75%, số còn lại sẽ tiếp tục đăng kiểm từ nay đến cuối năm.
Các tàu đánh cá cần được kiểm định chất lượng định kỳ – Ảnh: Minh Trí
Qua đăng ký, đăng kiểm, hỏng hóc của tàu được khắc phục, sửa chữa kịp thời, trang thiết bị cứu sinh khá đầy đủ. Hiện nay, đánh bắt trên biển đã theo đội hình tổ đội, nhờ vậy nhiều tàu gặp nạn được các tàu đi cùng ứng cứu kịp thời. Có thể nói, ngư dân Đà Nẵng ngày càng có trách nhiệm hơn trong công tác phòng chống thiên tai trên biển, họ chuẩn bị khá chu đáo trang thiết bị đáp ứng yêu cầu đối phó với mưa bão và các sự cố xảy ra trên biển. Chi cục Thủy sản thường xuyên phối hợp với Bộ đội Biên phòng kiểm tra, xử lý các phương tiện đánh bắt hải sản vi phạm các quy định về đăng ký, đăng kiểm và xử phạt theo Nghị định 31/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Việc kiểm định được tiến hành một cách toàn diện như kiểm tra chất lượng tàu thuyền; trang thiết bị an toàn hàng hải, nhất là dụng cụ cứu sinh, cứu nạn; hệ thống thông tin liên lạc; bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự tính mạng của ngư dân. Trong 9 tháng đầu năm, Chi cục Thủy sản đã kiểm tra và xử phạt 71 trường hợp vi phạm trong đăng ký, đăng kiểm. Ông Khánh cho biết: “Nhờ biện pháp tuyên truyền tốt, kết hợp với kiểm tra, xử phạt vi phạm, hầu hết các tàu cá đã được trang bị những thiết bị đáp ứng nhu cầu khai thác như máy tầm ngư, định vị, máy thông tin để thường xuyên liên lạc với nhau khi phát hiện vùng cá cũng như khi thời tiết trên biển diễn biến xấu hoặc tai nạn xảy ra để kịp thời ứng cứu”.
Với 800 tàu cá thuộc diện phải đăng kiểm hằng năm, trong khi đó, số lượng cán bộ, nhân viên làm công tác đăng kiểm của Chi cục Thủy sản chỉ có 11 người. Tính trung bình, một đăng kiểm viên phải kiểm tra an toàn kỹ thuật hằng năm cho khoảng 100 tàu cá, dẫn đến quá tải. Mặt khác, tàu kiểm ngư của Chi cục sử dụng từ năm 2001 đến nay đã có hỏng hóc và công suất nhỏ hơn so với các tàu đánh bắt hải sản nên việc kiểm tra, kiểm soát không đạt hiệu quả như mong muốn, trong khi đó kinh phí sửa chữa còn hạn hẹp.
Nhiều chủ tàu công suất nhỏ vẫn còn chủ quan và thiếu ý thức trong việc đăng ký, đăng kiểm, một mặt do nhận thức còn hạn chế, mặt khác do điều kiện kinh tế còn khó khăn. Ông Đặng Ngọc Cường, chủ tàu ĐNa – 40985 chia sẻ: “Nhiều tàu nhỏ không có máy liên lạc và phao cứu sinh vì khó khăn. Ngư dân mong muốn thành phố hỗ trợ để bảo đảm an toàn về tính mạng và tài sản khi hoạt động đánh bắt trên biển”.