Đà Nẵng: Nông dân đổi đời nhờ cá trê lai

Chưa có đánh giá về bài viết

Người dân thôn Phú Sơn 2, xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang) đang có nguồn thu nhập cao nhờ nuôi cá nước ngọt – cá trê lai, từ 100 triệu đồng/500 m2 (1 sào) đến 2 tỷ đồng/ha.

Phất lên nhờ cá

Ông Trần Hữu Khóa, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Khương cho biết, hiếm có hoạt động kinh tế nào của nhà nông đạt nguồn thu kỷ lục như vậy, bởi ở Hòa Vang sản xuất lúa, năm được mùa nhất 13 tấn/ha, gặp lúc được giá cũng chỉ 70 – 80 triệu đồng. Hộ anh Hồ Ngọc Minh (thôn Phú Sơn 2) chỉ thả một vụ với hơn 3.000 con nhưng lãi đến 10 triệu đồng. Giờ anh đang chuẩn bị ao cho vụ cá đầu năm tới. Do không chuyên canh nên hiệu quả ao nuôi của anh Minh không bằng các gia đình khác. Anh Hồ Ngọc Minh kể, anh chỉ nuôi cá “làm thêm”, tận dụng lúc rảnh rỗi cho cá ăn, vụ vừa rồi do nguồn nước không tốt nên hiệu quả không cao lắm nhưng cũng lãi 10 triệu đồng. Ông Trần Văn Chính, chủ hộ có 4 sào ao cho biết sản lượng và giá loại cá ông đang nuôi: Cá trê lai, thả mật độ 30 – 35 con/m2, sau 4 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng 0,5 kg/con. Một sào ao thường đạt sản lượng 1,5 – 1,7 tấn. Năm nuôi hơn 2 lứa, chí ít cũng thu trên 3 tấn. Với giá 27 triệu đồng/tấn, mỗi sào thu hơn 100 triệu đồng. Mặt khác, trê lai là loại dễ nuôi, ít dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp, năng suất cao. Hộ nuôi lâu năm, giàu kinh nghiệm, thu 2 tấn/sào/vụ là thường.

Nuôi cá trê lai cho hiệu quả cao gấp nhiều lần so với trồng lúa – Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Hộ ông Phạm Công Tích năm 2013 cũng phất lên nhờ cá trê lai. Những năm trước, nuôi cá điêu hồng, trắm cỏ, mỗi năm chỉ cho 1 vụ, lãi khoảng 10 – 30 triệu đồng/năm/sào; nhưng sau khi chuyển đổi mô hình nuôi cá trê lai, mỗi năm ông có thể thả 2 vụ, mỗi vụ lãi khoảng 30 triệu đồng/sào, mỗi năm lãi 50 – 60 triệu đồng/sào.

>> Xã Hòa Khương hiện có 59 ha ao nuôi cá nước ngọt của hơn 100 hộ, trong đó khoảng 15 ha nuôi trê lai thâm canh, thu lãi 50 – 60 triệu đồng/sào (2 vụ nuôi).

Ông Trần Hữu Khóa chia sẻ, nuôi cá nước ngọt ở vùng này được triển khai từ lâu, song trước đây nuôi trắm, mè… quảng canh, năng suất vài tấn/ha/năm là nhiều. Thực sự khởi sắc kể từ khi thả nuôi trê lai. Bởi đầu ra loại cá này thuận lợi, mọi người đua nhau nuôi trê lai thâm canh. Khách hàng đến từ địa phương khác mua về làm hàng xuất khẩu. Cách đây khoảng chục năm vùng này nghèo lắm, nhưng nay nhà ai cũng khá giả. Ở thôn Phú Sơn 2 này, không chỉ nhà cửa khang trang, một số hộ còn mua được ô tô con.

Hiện, nhiều nông dân Hòa Khương lần lượt chuyển vườn tạp, vườn cây lâu năm và cả ruộng lúa thành hồ nuôi cá. Thuận lợi cơ bản ở đây là có hệ thống kênh mương chảy từ hồ Đồng Nghệ với giá thủy lợi phí 50.000 đồng/sào/năm. Hồ cá nào cũng có ống dẫn nước vào và ống dẫn nước ra, nước thay đổi thường xuyên nên cá nhanh lớn. Thức ăn của cá là bột cám, bánh dầu, phân chim cút và cỏ. Yêu cầu kỹ thuật, cách chọn cá giống, hàm lượng thức ăn và phương pháp cho cá ăn đều được các ngành liên quan như khuyến nông, Hội Làm vườn, Hội Nông dân tập huấn, hướng dẫn tỷ mỷ.

 

Vốn vay kịp thời

Một trong những nguyên nhân đem lại thành công cho các hộ nuôi ở đây là dòng vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã kịp thời hỗ trợ người nuôi cho đợt nuôi thúc trước xuất ao.

Ông Phạm Công Tích cho biết, hạn chế của mô hình nuôi cá trê lai là chi phí vốn cao, do giống cá này tiêu tốn nhiều thức ăn; nhưng rất may là Hội Nông dân xã phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải ngân vốn cho người dân vay kịp thời trong thời điểm thúc cá lớn để xuất ao, nên người nuôi bớt chạy vạy vốn, cá đủ lượng xuất ao trước khi lũ về.

Theo Hội Nông dân xã Hòa Khương, toàn xã hiện có 432 hội viên vay vốn  Ngân hàng Chính sách xã hội với dư nợ đến nay 6 tỷ đồng; trong đó chủ yếu nuôi cá trê lai, các giống cá nước ngọt truyền thống khác với diện tích mặt nước khoảng 256 ha. Năm nay, thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới, Hội Nông dân xã đã thành lập Hợp tác xã sản xuất thương mại cá nước ngọt. Theo đó, các thành viên đã năng động tìm được thị trường đầu ra cho sản phẩm cá địa phương, chủ yếu là các tỉnh Tây Nguyên. Riêng thôn Phú Sơn 2 năm nay thả 10 tấn cá giống nhưng cũng không đủ hàng cung cấp cho thị trường. Ông Trần Văn Mười, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Khương cho rằng hiệu quả nuôi cá gấp 10 – 15 lần cây lúa.

Ảnh: Nguyễn Cầu

Năm 2013, qua 10 tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã cho các hộ nông dân nghèo vay 650 triệu đồng đầu tư sản xuất kinh doanh, nâng tổng dư nợ toàn xã lên 6 tỷ đồng. Nhiều hộ dùng nguồn vốn này phát triển chăn nuôi heo, nuôi cá nước ngọt, sắm máy cày… đem lại hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, nhờ chính quyền quan tâm, nông dân mở rộng diện tích nuôi và quy hoạch vùng nuôi bài bản hơn. Huyện đã đầu tư hàng trăm triệu đồng mở tuyến đường qua khu vực nuôi cá ở Hòa Khương, có quy hoạch nuôi cá nước ngọt, xây dựng hệ thống kênh xử lý nước thải.

Hòa Khương đất rộng, có kênh chính hồ Đồng Nghệ chảy qua, chủ động nguồn nước cho ao hồ, thuận lợi nuôi cá nước ngọt. Tuy nhiên, để phát triển nghề nuôi cá hơn nữa, người dân cũng như chính quyền các cấp cần quan tâm đầu ra ổn định và nguồn cung cấp giống chất lượng.

>> Mục tiêu nuôi trồng thủy sản trong Đề án Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội huyện Hòa Vang đến năm 2020 của TP Đà Nẵng: Diện tích nuôi trồng thủy sản là 550 ha, ước sản lượng khai thác 900 tấn/năm. Tập trung nuôi ở các xã Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Liên, Hòa Sơn và Hòa Phú, với các đối tượng chính là cá nước ngọt và các thủy đặc sản khác như ba ba, lươn, ếch.

Anh Vũ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!