Khai thác thủy sản là một trong những thế mạnh của Đà Nẵng. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, nhiều ngư dân vẫn chưa khai thác hợp lý khiến cho “mỏ vàng” này có nguy cơ ngày một cạn kiệt.
Số lượng tàu khai thác quá tải
Hiện nay ở Đà Nẵng có hơn 1.000 tàu công suất dưới 33CV và gần 700 thuyền nan, thúng máy hoạt động đánh bắt gần bờ. Với số lượng tàu thuyền đánh bắt như hiện nay, vùng biển Đà Nẵng đang nằm trong tình trạng quá tải. Với hơn 15.000km2 ngư trường khai thác, đã có trên 1.700 phương tiện đánh bắt thường xuyên, chưa kể phương tiện khai thác ở các tỉnh khác đến. Chính vì lẽ đó mà nghề khai thác hải sản đang đứng trước khó khăn.
Nhiều tàu có công suất nhỏ, chủ yếu đánh bắt hải sản gần bờ.
Chứng kiến cảnh người dân đánh bắt, mua bán hải sản từ các nghề bị cấm càng thấy việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng biển gần bờ ở Đà Nẵng đã là vấn đề cấp bách. Mỗi sáng sớm, tại các bờ biển, hàng chục tấn hải sản được chuyển từ các tàu có công suất nhỏ lên bờ. Hoặc tại khu vực xung quanh bán đảo Sơn Trà, tình trạng ngư dân lặn bắt thủy sản vẫn còn phổ biến. Việc đánh bắt gần bờ hầu như diễn ra quanh năm, kể cả vào mùa sinh sản của các loài thủy sản. Ông Nguyễn Văn Thành, chủ một tàu đánh cá gần bờ ở phường Thọ Quang phân trần: “Vẫn biết đây là việc làm trái phép nhưng vì chén cơm, manh áo nên phải làm thôi. Sống ven biển mà không đi đánh bắt thì còn biết phải làm gì nữa bây giờ”.
Thực tế cho thấy, chính cuộc sống nghèo khó nên ngư dân không đủ điều kiện ra khơi, cứ quanh quẩn đánh bắt thủy sản ven bờ. Phần lớn các loài thủy sản thường hay di cư vào gần bờ để sinh sản, vì vậy vô tình họ đã sát hại nguồn giống thủy sản tự nhiên, dẫn đến nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt. Đặc biệt, những phương tiện khai thác gần bờ, với kích thước mắt lưới nhỏ, khó loài hải sản nào có thể thoát khỏi “lưới trời” này. Vì vậy, nguồn tài nguyên sẽ khó tái sinh.
Cái khó trong công tác quản lý hiện nay đó là chuyện kiểm tra, xử phạt. Đa số ngư dân đánh bắt gần bờ là những hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không đất sản xuất, không có điều kiện để ra khơi nên cho dù có kiểm tra rồi xử phạt nhiều lần thì họ vẫn tái diễn vì mưu sinh. Thực tế chứng minh trong thời gian qua, mặc dù các ngành chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát nhưng người dân vẫn khai thác.
Cần một lộ trình phù hợp
Để khai thác hải sản một cách bền vững, ngành thủy sản đang đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản của ngư dân. Chỉ có việc bảo tồn được nguồn thủy sản ven bờ thì mới mong duy trì và tái sinh được nguồn tài nguyên thiên nhiên này. Nhiều năm qua, thành phố đã đưa ra nhiều biện pháp giúp chuyển đổi nghề cho những ngư dân khai thác gần bờ, nhưng hầu như chưa mấy khả quan, bởi cần kinh phí quá lớn để thay mới tàu cá, sắm ngư lưới cụ, phải tập huấn cho người dân về những ngành nghề mới… Ngoài ra, để giúp quản lý nghiêm ngặt việc khai thác quá mức của ngư dân, UBND thành phố cũng đã có Quyết định số 2462/QĐ-UBND ngày 3-4-2007 về việc phê duyệt phương án quản lý tàu cá có công suất dưới 20 CV và Quyết định số 8329/QĐ-UBND về Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản thành phố Đà Nẵng đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Tuy nhiên, từ sau khi đi vào thực hiện cho đến nay, kế hoạch vẫn chưa triển khai triệt để. Trước mắt, các địa phương, các ngành chức năng cần vận động ngư dân loại bỏ những tàu dưới 20 CV, vì đây là những phương tiện khai thác mang tính hủy diệt rất lớn, hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu công suất cao hơn. Hướng dẫn cho ngư dân đánh bắt nghề mới hiệu quả kinh tế hơn. Đặc biệt không cho đóng mới tàu công suất nhỏ, thuyền nan, thúng máy. Đồng thời tạo những rạn san hô nhân tạo để tạo nơi trú ẩn cho các sinh vật, thu hút các nguồn lợi thủy sản khác. Ngoài ra, cần có nhiều chương trình, dự án nhằm mục đích tái tạo lại nguồn lợi thủy sản.
Nếu không quyết liệt, không có giải pháp tích cực và biện pháp chế tài nghiêm khắc thì đâu rồi lại cũng vào đấy. Bảo vệ và tái tạo nguồn tài nguyên biển ở Đà Nẵng hiện nay vẫn là bài toán khó.