Đã nghèo lại gặp cái “eo”

Chưa có đánh giá về bài viết

Mấy năm nay, ngành tôm Việt Nam luôn gặp bất trắc. Nuôi tôm thương phẩm thì vẫn “đánh bạc với giời”, còn sản xuất tôm giống chẳng mấy suôn sẻ. Người dân và doanh nghiệp mong muốn nhận được nhiều hỗ trợ để duy trì sản xuất. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng được chia sẻ.

Rủi ro nhiều, hỗ trợ mong manh

Nuôi tôm ngày một khó khăn, số người thất bại thường nhiều hơn thành công, bởi thiên tai, dịch bệnh nhiều, diện tích tôm nuôi thiệt hại chưa năm nào không “nóng”. Theo Cục Thú y, dịch bệnh tôm nuôi luôn rất phức tạp, nhiều đợt xảy ra trên diện rộng. Năm 2014, cả nước có 59.579 ha diện tích nuôi tôm bị thiệt hại; Năm 2015, con số này là 52.000 ha. Năm 2016, tính đến ngày 11/8, cả nước có 51.689,65 ha diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại, chiếm hơn 8% tổng diện tích nuôi tôm trên cả nước.

cái khó của nghề tôm

Tính đến 11/8, cả nước so trên 51 nghìn ha diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại – Ảnh: Phan Thanh Cường

Nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là con tôm luôn được coi là nghề may rủi. Để cứu vãn nghề nuôi này, rất cần một “lá chắn” như bảo hiểm nông nghiệp. Năm 2011, việc bảo hiểm cho lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đã được triển khai thí điểm, tuy nhiên, sau mấy năm, vì thua lỗ và có quá nhiều vấn đề phức tạp nên các hãng bảo hiểm đã không còn mặn mà với loại hình này.

Cùng đó, việc hỗ trợ của nhà nước cũng khó bù đắp những mất mát của người nuôi, bởi những quy định chặt chẽ và thủ tục rườm rà đã khiến người dân nản lòng.

 

Lại thêm gánh nặng

Ngay sau khi Tổng cục Hải quan chuyển đổi mã nhập khẩu đối với mặt hàng trứng Artemia để áp thuế 5% và truy thu trong 5 năm qua với nhiều doanh nghiệp; và sau khi Bộ Tài chính bỏ qua ý kiến đóng góp, ban hành thông tư sửa đổi để áp thuế nhập khẩu 3% mặt hàng này đã khiến ngành tôm lại “dậy sóng”.

Các doanh nghiệp sản xuất tôm giống đồng loạt gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, nhằm chỉ đạo Bộ Tài chính điều chỉnh chính sách thuế phù hợp với thực tế để vực dậy lĩnh vực sản xuất tôm giống. Nhưng đến nay vẫn chưa thấy phản hồi.

Ông Trương Hữu Thông, Giám đốc Công ty TNHH Thông Thuận, cho rằng, mặt hàng trứng Artemia mà Công ty ông nhập về được Hải quan Mỹ áp mã quốc tế là 2309.9013 dùng làm thức ăn cho tôm. Thế nhưng Hải quan Việt Nam lại ép phải khai mã 0511 để áp thuế 5% và truy thu thuế. Đây là điều khiến ông Thông và nhiều doanh nghiệp khác thấy lạ. Bởi không lẽ Hải quan Mỹ không biết thông lệ hải quan thế giới?

Một điều lạ nữa là trong khi Bộ NN&PTNT với tư cách là tham mưu của Chính phủ về lĩnh vực liên quan đến thủy sản đã khẳng định trứng Artemia chỉ dùng làm thức ăn cho tôm, không dùng cho mục đích khác thì Hải quan lại cho rằng đó là động vật giáp xác, thân mềm. Và rồi Hải quan lẫn Bộ Tài chính sẵn sàng “gạt” đơn vị chuyên môn qua một bên. Cùng nữa, cũng là mặt hàng Artemia, nhưng việc truy thu thuế 5% chỉ áp dụng với các doanh nghiệp nhập Artemia từ Mỹ.

Điều băn khoăn nữa là vì sao việc “nhầm” này sau 5 năm thực thi mới được Hải quan “phát hiện”? Đại diện Chi cục kiểm tra sau thông quan Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh từng trả lời báo chí rằng: Công việc của chi cục rất bận, không thể nào kiểm soát hết được các vấn đề này. Hơn nữa, không phải mã hàng nào đơn vị cũng nắm được. Cứ đúng quy định 5 năm sẽ rà soát, nếu đúng thì thôi, sai thì điều chỉnh.

Chính cách làm việc “nguyên tắc” này của Hải quan đang khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng. Bởi nếu thực hiện hàng năm thì việc điều chỉnh của doanh nghiệp cũng đơn giản hơn nhiều. Doanh nghiệp có sai phạm thì khác, đằng này họ phải gánh hậu quả vì cái “bận” của người khác. Bởi trong thời gian đó doanh nghiệp sản xuất con giống và xuất bán cho người nuôi tôm, giá thành đã được định, hàng đã trao, tiền đã nhận, họ làm sao truy thu được của người nông dân?

Linh Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!